Phạt nặng hành vi dùng điện thoại khi lái xe

Dù bị cấm nhưng việc sử dụng điện thoại khi điều khiển xe máy, ô tô vẫn diễn ra phổ biến. Thực tế, chế tài còn nhẹ và việc xử lý chưa triệt để khiến nhiều người vẫn giữ thói quen này.

Nguy cơ tai nạn cao gấp 4 lần

Mới đây, camera hành trình đã ghi lại cảnh một thanh niên mặc áo xe ôm công nghệ vừa lái xe máy vừa sử dụng điện thoại đã đâm vào đuôi xe ô tô đi cùng chiều trên đường Tôn Thất Thuyết (Hà Nội). Rất may, vụ việc không gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản.

Vừa lái ô tô vừa sử dụng điện thoại tiềm ẩn rủi ro TNGT rất lớn, cần tăng nặng chế tài đi cùng xử nghiêm để răn đe.

Vừa lái ô tô vừa sử dụng điện thoại tiềm ẩn rủi ro TNGT rất lớn, cần tăng nặng chế tài đi cùng xử nghiêm để răn đe.

Trước đó, mạng xã hội cũng xôn xao về đoạn camera hành trình về vụ TNGT do xe tải di chuyển trên QL1, hướng từ Hà Nội về Bắc Giang gây ra cho hai xe máy đi cùng chiều khiến 1 người đàn ông ngã xuống đường bị thương. Đáng nói, tài xế xe tải sau đó không hề dừng lại hỗ trợ nạn nhân mà dửng dưng điều khiển xe đi tiếp và vẫn đang sử dụng điện thoại khi lái xe.

Chỉ trong 30 phút quan sát trên một số tuyến đường ở Hà Nội như: Nguyễn Hoàng, Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Kim Mã... PV Báo Giao thông nhận thấy tình trạng người điều khiển xe máy, ô tô sử dụng điện thoại diễn ra nhan nhản.

Thậm chí, một số người còn vừa đi xe máy vừa nhắn tin, nhiều tài xế giao hàng (shipper) còn dùng một tay lái xe, tay kia cầm điện thoại gọi khách, mắt nháo nhác tìm đường. Với những trường hợp này, tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, lái xe sử dụng điện thoại là hành vi tiềm ẩn rủi ro cao dẫn đến tai nạn. Nghiên cứu cho thấy, tốc độ phản ứng của người lái xe khi sử dụng điện thoại giảm tới 50% so với bình thường và chậm hơn 30% so với người vi phạm nồng độ cồn ở mức 80mg/100ml.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người thường xuyên sử dụng điện thoại có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 4 lần so với những người tập trung điều khiển phương tiện.

Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 9, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, hành vi dùng điện thoại khi lái xe nguy hiểm không khác gì lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Hành vi này làm giảm sự tập trung của tài xế khiến khả năng điều khiển, kiểm soát tốc độ phương tiện khi gặp tình huống bất ngờ bị giảm mạnh, không xử lý kịp thời.

Ô tô dán kính màu rất khó phát hiện

Theo các chuyên gia, dù bị nghiêm cấm nhưng hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe vẫn xảy ra phổ biến. Nguyên nhân do chế tài chưa đủ răn đe và việc xử lý vi phạm còn chưa quyết liệt.

Cần tăng cường tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của hành vi vừa lái xe vừa dùng điện thoại để nâng cao nhận thức của các tài xế, giúp họ hình thành thói quen nếu bắt buộc phải sử dụng điện thoại, có thể đeo tai nghe từ trước và nhận cuộc gọi bằng phím tắt trên tai nghe. Còn không, hãy dừng hẳn xe để nhận cuộc gọi hoặc khi có nhu cầu sử dụng điện thoại.

TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, trường Đại học Việt Đức

Trung tá Tôn Văn An, Đội trưởng Đội CSGT trật tự Công an TP Bắc Giang cho biết, quá trình tuần tra kiểm soát, việc phát hiện và xử lý hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe của người điều khiển xe máy không gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, với ô tô, đặc biệt là xe cá nhân lại rất khó do hiện nay, đa số ô tô dán kính màu để chống nắng nóng, làm hạn chế khả năng quan sát, phát hiện vi phạm. Trong khi đó, không có quy định bắt buộc 100% ô tô phải giữ màu kính trắng nguyên bản.

Tại Hà Nội, thiếu tá Trần Quang Chinh cho hay, việc xử lý vi phạm đối với các shipper, người điều khiển xe máy gặp một số khó khăn do lái xe mất tập trung: "Khi CSGT ra tín hiệu từ xa, họ không biết để chấp hành. Khi gần đến nơi, ngẩng mặt lên thấy CSGT lại giật mình, bóp phanh đột ngột, tiềm ẩn nguy hiểm cho chính họ và các phương tiện khác".

Theo thiếu tá Chinh, khi dừng xe các trường hợp này, lực lượng chức năng cũng phải rất cẩn trọng để đảm bảo ATGT. Hay có trường hợp sử dụng tai nghe bluetooth để gọi điện nhưng khi bị kiểm tra lại bao biện "chỉ cài trên tai chứ không dùng", gây khó khăn trong chứng minh vi phạm.

"Tuy nhiên, dù khó, lực lượng chức năng cũng cương quyết xử lý, kết hợp tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân", thiếu tá Chinh cho biết.

Tăng chế tài, xử phạt nghiêm

Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, Bộ Công an đề xuất phạt từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác (tăng 1-2 triệu đồng so với quy định hiện hành). Ngoài ra, tài xế còn bị trừ 2 điểm GPLX.

Đối với người điều khiển xe máy, mức phạt tiền vẫn giữ nguyên từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, trừ 2 điểm GPLX thay vì tước GPLX từ 1-3 tháng như hiện hành.

Theo thiếu tá Chinh, việc tăng mức phạt với người điều khiển ô tô là cần thiết, bởi so với xe máy, tầm quan sát của tài xế trên ô tô bị hạn chế hơn nhiều. Chỉ một giây mất tập trung, TNGT hoàn toàn có thể xảy ra. Việc trừ điểm GPLX cũng giúp nâng cao ý thức của tài xế, họ sẽ phải luôn chú ý để không bị trừ hoặc trừ hết điểm.

Trung tá Tôn Văn An cho biết, để xử lý triệt để hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe ô tô, cùng với tăng nặng chế tài cần nghiên cứu xem xét quy định về việc giữ nguyên màu kính trắng của xe.

"Cùng đó, lực lượng chức năng cần ra quân đồng loạt, kết hợp tuần tra kiểm soát với ứng dụng công nghệ để phát hiện, chứng minh, xử nghiêm vi phạm, chắc chắn sẽ tạo tính răn đe cao, giúp nâng cao ý thức người dân, để họ không dám vi phạm", trung tá An nói.

Yến Chi

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/phat-nang-hanh-vi-dung-dien-thoai-khi-lai-xe-192240809105123038.htm