Phạt nặng vi phạm giao thông để xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng 'nhờn luật'

Những ngày qua, việc tăng cường xử lý vi phạm giao thông đang tác động mạnh đến ý thức chấp hành của người dân. Điều đó cho thấy, nếu mức phạt đủ nặng, đủ sức răn đe có thể tạo ra sự đột phá trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông.

Không thể phủ nhận sau gần 2 tuần Nghị định 168/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đi vào cuộc sống, tình hình giao thông tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã thực sự chuyển biến tích cực.

Do bị áp dụng mức phạt khá cao nên những lỗi phổ biến đối với người tham giao thông như vượt đèn đỏ, đi xe trên vỉa hè, lấn làn, đè vạch…đã giảm mạnh. Những người vi phạm giao thông không chỉ bị “phạt nóng” mà còn có thể bị “phạt nguội” thông qua các camera an ninh. Điều này sẽ giúp cho người tham gia giao thông luôn chấp hành nghiêm Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, chứ không phải chỉ khi thấy bóng dáng lực lượng cảnh sát giao thông trên đường.

Nhận xét về quy định trên, anh Lê Ngọc Ninh ở phường Ô Chợ Dừa, quân Đống Đa, Hà Nội cho rằng, mặc dù mức phạt nặng đã khiến không ít người vi phạm giao thông cảm thấy “sốc”, song những ai từng đi tham quan hoặc ra nước ngoài công tác đều thấy người dân ở các nước chấp hành luật giao thông nghiêm túc ra sao. Lý do đơn giản là người đi đường nếu vi phạm luật sẽ bị phạt rất nặng.

“Việc nâng mức xử phạt các lỗi vi phạm giao thông để người dân tự nâng cao ý thức và bản thân những cá nhân đã bị phạt sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc. Hy vọng với mức phạt mới, người tham gia giao thông sẽ từng bước nâng cao ý thức chấp hành quy định, chấm dứt tình trạng chạy xe ẩu gây tai nạn giao thông” – anh Ninh chia sẻ.

Việc chấp hành quy định về an toàn giao thông đã có chuyển biến đáng kể

Việc chấp hành quy định về an toàn giao thông đã có chuyển biến đáng kể

Cùng quan điểm trên, chị Phạm Thu Hân – nhân viên ngân hàng ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhận định, mặc dù khi áp dụng quy định xử phạt mới, ở một số đoạn đường có xảy ra ùn ứ cục bộ nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Dù đường đông, mật độ phương tiện cao nhưng không còn cảnh xe máy chen nhau lao lên vỉa hè hoặc ngang nhiên vượt đèn đỏ thành từng đoàn, bất chấp những người đi bộ đang vẫy tay xin đường và các dòng xe từ phía khác lao tới.

Cũng theo chị Hân, một số người cho rằng, mức phạt vi phạm giao thông mới quá cao so với thu nhập. Đây chỉ là sự bao biện cho thói quen tùy tiện, coi thường pháp luật. Với họ, hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hay lao xe lên vỉa hè đã trở thành phổ biến đến mức bị coi là bình thường, thậm chí những người đi đúng luật còn bị mắng chửi. Họ không dám nhìn thẳng vào thực tế rằng, nếu họ tuân thủ quy định thì sẽ không bao giờ phải nộp phạt dù chỉ một đồng. Bởi tiền phạt chỉ đánh vào người vi phạm, mỗi cá nhân đều có quyền lựa chọn hoặc tuân thủ pháp luật hoặc chấp nhận xử phạt.

“Tôi đã rơi vào trường hợp dừng chờ đèn đỏ mà bị xe máy bóp còi inh ỏi từ phía sau để chen chúc vượt lên, thậm chí bị xe máy tông trúng khi đang đi bộ trên vỉa hè. Theo tôi, với những người chỉ biết tiện cho mình, bất chấp quy định và sự an toàn của người khác thì chỉ có hình phạt nghiêm khắc mới đưa họ vào khuôn khổ’ – chị Hân nhấn mạnh.

Không thể phủ nhận tác động của Nghị định 168/2024 lên ý thức của người tham gia giao thông. Song, quy định dù chặt chẽ đến đâu mà thiếu sự thực thi nghiêm khắc, liên tục của lực lượng chức năng thì tình trạng hỗn loạn trên các tuyến đường sẽ nhanh chóng trở lại như cũ. Chúng ta cần thay đổi, xóa bỏ hoàn thói quen xấu của một bộ phận người tham gia giao thông, đó là hiện tượng “nhờn luật”, nhằm hướng tới mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người và sự trật tự, bình an của xã hội, đặc biệt là trong thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề…

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phat-nang-vi-pham-giao-thong-de-xoa-bo-hoan-toan-hien-tuong-nhon-luat-post601048.antd