Phát ngôn ấn tượng trên nghị trường trong 2,5 ngày Quốc hội chất vấn
Trong 2,5 ngày Quốc hội tiến hành phiên chất vấn 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải và Ủy ban Dân tộc, đã có những phát ngôn ấn tượng của các vị bộ trưởng, trưởng ngành, các vị đại biểu Quốc hội làm cho nghị trường sôi động. Báo Đại biểu Nhân dân trích dẫn một số nội dung sau đây:
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm sáng 8.6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, các vị đại biểu Quốc hội đã thực hiện nghiêm túc việc chất vấn, trao đổi, tranh luận, đảm bảo đúng thời gian quy định, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và phản ánh sát với diễn biến thực tế, đời sống và tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của Nhân dân và cử tri cả nước. Các nội dung hỏi và trả lời nhìn chung đều ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, ít trùng lặp, có sự đối thoại, tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, tận dụng tối đa hiệu quả thời gian để chất vấn và làm rõ thêm vấn đề. Có thể nói kỳ chất vấn này chúng ta tận dụng đến từng phút, không để lãng phí một phút nào.
Trong phiên làm việc chiều 7.6, ĐBQH Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) đề cập tình trạng thiếu hụt nhân viên đăng kiểm, ùn ứ phương tiện đăng kiểm có một phần trách nhiệm quản lý khi chậm trễ phối hợp để kịp thời đưa ra phương án ứng phó thay thế, làm sao “đánh chuột không vỡ bình”, để nhanh chóng ổn định hoạt động, phục vụ nhu cầu của người dân. Trả lời đại biểu trong phiên làm việc sáng 8.6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, qua xử lý những công việc cụ thể có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vụ việc đăng kiểm diễn ra từ lâu, rộng và đối tượng vi phạm nhiều với khoảng 600 người bị khởi tố về nhiều tội danh. Sau khi phát hiện, cơ quan chức năng đã nhanh chóng điều tra, xử lý theo quy trình tố tụng. Qua vụ việc trên, bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, phát hiện sớm, xử lý nghiêm mới đáp ứng được yêu cầu “đánh chuột không vỡ bình”.
Chia sẻ cùng phần trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, sau khi Thủ tướng ban hành Công điện số 71, trong khoảng hơn 2 tháng, 18 Bộ, ngành đã có 59 văn bản trả lời để giải đáp 261/339 thắc mắc, chiếm khoảng 70%. “Việc triển khai các chương trình này đã ghi nhận 339 thắc mắc của anh em ở cơ sở vì không biết làm thế nào cho đúng”, Phó Thủ tướng nói và cho biết việc sửa đổi Nghị định 27 đang được gấp rút tiến hành, ngay trong hôm nay Chính phủ sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp giải trình báo cáo của Chính phủ, cố gắng ban hành trước ngày 15.6.
Trả lời câu hỏi ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về thực trạng nhiều hộ “không muốn thoát nghèo”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh thừa nhận hiện tượng “không muốn thoát nghèo” là có thật và chỉ ra một số yếu tố liên quan thực tế này. Bởi theo tiêu chí người dân thoát nghèo nhưng thực tế cuộc sống của họ vẫn rất khó khăn vì địa bàn họ sinh sống cũng rất khó khăn. Việc tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản đã được đầu tư nhưng chất lượng nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu của người dân nên người dân băn khoăn nếu thoát nghèo sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ. Ngoài ra còn nhiều vấn đề tâm tư khác cần đánh giá, khảo sát thêm.
Đối với việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, thu sai bảo hiểm xã hội ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2022 chậm đóng và trốn đóng là 8.560 tỷ đồng, tăng 2,69% so với 2021. Trong đó, có 26.670 doanh nghiệp đơn vị chậm đóng, có một bộ phận là trốn đóng. Bộ trưởng nhấn mạnh, không sợ chậm nộp mà chỉ sợ trốn đóng bảo hiểm xã hội. Về giải pháp, Bộ trưởng cho hay, sẽ sửa Luật Bảo hiểm xã hội, quy định bổ sung rõ hành vi chậm đóng, trốn đóng. Thêm nữa là việc áp dụng một số chế tài như dừng hóa đơn, hoãn xuất cảnh với người không chấp hành…
Trước chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội về đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, cả nước chỉ có hơn 2.000 đăng kiểm viên nhưng sau sự cố đăng kiểm đã mất tới gần 1/3. Đây là tình huống bất khả kháng, hiện đã tuyển dụng được thêm 350 đăng kiểm viên. Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình Chính phủ sửa Nghị định 139 để cơ chế điều chỉnh lại không nhất thiết 1 dây chuyền phải có 3 đăng kiểm viên. "Nguồn nhân lực phục vụ thời gian tới chắc chắn sẽ đủ. Chúng tôi cam kết hết tháng 6, không quá đầu tháng 7 hoạt động đăng kiểm sẽ bình thường", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh vào cuối phiên làm việc chiều 6.6, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) dẫn con số giải ngân chỉ đạt 4.634 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch, nhưng trong phần đã giải ngân được thì một phần không nhỏ được giải ngân cho hội thảo, tập huấn, như hội thảo bình đẳng giới 64 tỷ đồng, tư vấn quan hệ hôn nhân 102 tỷ đồng... Trong khi đó, xây dựng mạng lưới y tế cơ sở chỉ giải ngân được 38 tỷ đồng. Đại biểu cho rằng, các phần vốn cần đến với đồng bào một cách hiệu quả bằng các hoạt động, kết quả cụ thể, không nên dành nhiều cho hội thảo, hội nghị, tư vấn như vậy.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt sáng 7.6, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) phản ánh tình trạng còn đề tài nghiên cứu khoa học “cất ngăn tủ”, khả năng ứng dụng thấp. Bộ trưởng có thấy lãng phí chất xám và ngân sách hay không? Vướng mắc của việc đưa vào ứng dụng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp chưa như kỳ vọng. Trách nhiệm của bộ trưởng như thế nào?” Nữ đại biểu chất vấn và đề nghị bộ trưởng cho biết có bao nhiêu công trình nghiên cứu được đưa vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sáng 6.6, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, có một thực trạng là nhiều học sinh tốt nghiệp THCS lại không thi được vào các trường THPT công lập. Cho nên chọn học các trường trung cấp này chỉ với mục đích là có tấm bằng tốt nghiệp THPT rồi lại tiếp tục thi vào các trường đại học. Như vậy là có sự lãng phí không hề nhỏ trong đào tạo trung cấp nghề. Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết có khảo sát cụ thể về vấn đề này chưa và giải pháp của Bộ để khắc phục trong thời gian tới?