Phát ngôn trên mạng sao cho chuẩn mực?
Theo các luật sư, người sử dụng mạng xã hội cần tiết chế cảm xúc, điều chỉnh phát ngôn phù hợp và cần lưu ý việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì đã nói ra.
Tối 24/3, Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự.
Theo dõi vụ việc, luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty Luật Inteco) nhận định việc khởi tố, bắt tạm giam bà Hằng xuất phát từ việc bị can có hành vi sử dụng mạng xã hội nhằm cung cấp nhiều thông tin không có cơ sở, xúc phạm đến uy tín, danh dự nhân phẩm của nhiều người trong một thời gian dài.
Hành vi của bị can đã xâm phạm tới trật tự xã hội, danh dự, nhân phẩm và uy tín của các nạn nhân. Hành vi diễn ra một cách công khai, liên tục trong thời gian dài thông qua sử dụng mạng xã hội; lợi dụng quyền tự do ngôn luận để cung cấp thông tin và thóa mạ, xúc phạm nhiều người, dẫn tới việc dư luận hiểu sai, hiểu không đúng, coi thường các nạn nhân, làm đảo lộn trật tự xã hội.
"Qua các buổi livestream của bị can, có thể thấy hoạt động này được thực hiện một cách cố ý, chuyên nghiệp với sự giúp sức của công nghệ và một e-kip bài bản, với những tính toán gây hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ. Cho nên, nhà chức trách cần phải điều tra làm rõ, thực hiện việc khởi tố những người có vai trò đồng phạm", luật sư Phong nói và cho biết với hành vi người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù hoặc phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên) cho rằng phát ngôn trên mạng gây ảnh hưởng đến người khác có thể bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư, mạng xã hội là nơi chia sẻ thông tin ở gần như tất cả các lĩnh vực trong xã hội. Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, cá nhân, tổ chức có thể truy cập để thực hiện quyền tự do ngôn luận chính đáng của mình. Tuy nhiên, việc phát ngôn bừa bãi, đăng nội dung phản cảm, sai sự thật, ảnh hưởng tới người khác sẽ gây ra những hậu quả, hệ lụy vô vùng nguy hiểm.
Theo luật sư Quynh, trong bối cảnh công nghệ phát triển, mạng xã hội gần như không thể thay thế như hiện nay thì việc phát ngôn sao cho chuẩn mực là một trong những điều đáng lưu tâm bởi đôi khi hành vi nhỏ, hậu quả lớn. Chính vì thế trong mọi tình huống, người sử dụng mạng xã hội cần tiết chế cảm xúc, điều chỉnh phát ngôn trên mạng xã hội sao phù hợp với điều kiện môi trường, và phải chịu trách nhiêm trước pháp luật về những gì mình nói ra.
Ông Quynh cho rằng khi nghĩ về hậu quả phải chịu sau những phát ngôn sai lệch, cộng đồng mạng sẽ có thể tiết chế được phần nào phát ngôn của mình.
"Mạng xã hội tuy ảo nhưng lại phản ánh con người thật của chính những người sử dụng nó. Do đó, văn hóa ứng xử và những phát ngôn trên mạng cần được sử dụng như ngoài đời thật", luật sư Quynh nói khi phát ngôn ngôn gây ảnh hưởng xấu đến người khác, cá nhân liên quan không chỉ bị cộng đồng mạng đánh giá thấp, mà còn đứng trước nguy cơ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của mình.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú - TAT LAW FIRM) cũng nhấn mạnh con người cần được bảo về danh dự, nhân phẩm và đời tư; không ai được cho mình quyền xúc phạm người khác.
Theo nữ luật sư, pháp luật không có ngoài lệ, phát ngôn trên mạng xã hội cũng đã có quy tắc ứng xử... Cơ quan chức năng cần có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành động chửi bới, xúc phạm người khác với tốc độ lan truyền chóng mặt như hiện tượng của bà Nguyễn Phương Hằng.
"Đối với vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng, cần phải có chế tài và các biện pháp xử lý kịp thời, tránh các hệ lụy đáng tiếc xảy ra như nạn nhân bị xúc phạm sẽ tự vẫn, nhảy lầu, gia đình tan nát, ảnh hưởng đến những đứa trẻ vô tội có cha mẹ là nạn nhân của những việc làm trên...", luật sư Thảo nói.
Tháng 3/2021, bà Hằng tố "thần y" Võ Hoàng Yên đã lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt số tiền hơn 100 tỷ đồng. Trong đơn, bà Hằng cho rằng trước đó, do cảm kích nên đã chuyển nhiều khoản tiền cho ông Yên để ông này trả nợ và làm thiện nguyện.
Sau ông Yên, bà Hằng còn nhiều lần lên mạng xã hội để livestream, tố một số nghệ sĩ như danh hài Hoài Linh, ca sĩ Thủy Tiên, MC Trấn Thành... chưa minh bạch khi làm từ thiện. Sau đó, bà Hằng làm đơn tố cáo họ gửi đến Công an TP.HCM, Bộ Công an.
Quá trình điều tra xác minh, Công an TP.HCM ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với đơn tố Võ Hoàng Yên. Công an địa phương này cũng khẳng định nghệ sĩ Hoài Linh không ăn chặn tiền từ thiện như đơn của bà Hằng tố cáo. Còn với những người khác, Bộ Công an xác định số tiền các nghệ sĩ nhận được ít hơn số tiền họ bỏ ra để làm từ thiện.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phat-ngon-tren-mang-sao-cho-chuan-muc-post1304814.html