PHÁT SINH MỘT SỐ TỘI PHẠM, VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG BỐI CẢNH BÙNG PHÁT DỊCH BỆNH COVID-19

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, báo cáo Quốc hội về kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm; bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát cũng làm phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch.

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều hành vi lợi dụng dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực

Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (năm 2013) đến nay; sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07 tháng 12 năm 2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Quốc hội nghe báo cáo về kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội năm 2020

Quốc hội nghe báo cáo về kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội năm 2020

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành ban hành, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; chủ động nắm, phân tích, dự báo tình hình, những vấn đề phức tạp nổi lên để chủ động có kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh. Chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; xử lý dứt điểm một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài; tập trung điều tra, làm rõ các trường hợp cán bộ, đảng viên sai phạm, khởi tố điều tra một số cán bộ cấp cao đương chức hoặc đã nghỉ hưu.

Tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 389/CP và của các địa phương; nhất là trong chỉ đạo đấu tranh các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, các lực lượng chức năng phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, trong đó khởi tố 2.254 vụ án với 3.631 bị can; xử lý hành chính 20.012 vụ với số tiền trên 140 tỷ đồng. Phát hiện 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ, trong đó, khởi tố 290 vụ, 616 bị can phạm tội về tham nhũng; 26 vụ, 178 bị can phạm tội về chức vụ.

Qua công tác điều tra cho thấy, tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm (quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, đầu tư công, tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán…) với các thủ đoạn như: lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; lợi dụng sơ hở trong quy định và những lỏng lẻo trong quản lý, giám sát để thực hiện hành vi phạm tội; thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm diễn ra phức tạp, nhất là trên tuyến biên giới, các cửa khẩu, cảng biển, hàng không.

Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá tổng thể, toàn diện những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự để đề ra các giải pháp hiệu quả. Phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chín tháng đầu năm 2020, đã phát hiện, bắt giữ trên 258 vụ vi phạm, nổi lên là hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi. Việc kịp thời phát hiện vụ án, vụ việc đã góp phần ngăn chặn hành vi lợi dụng dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, ngăn chặn thất thoát tài sản của Nhà nước.

Lưu ý một số hành vi vi phạm chủ yếu trong các lĩnh vực quản lý nước

Tội phạm và vi phạm pháp luật xảy ra trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai chủ yếu là các sai phạm trong việc thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng không đúng đối tượng, không đúng định mức; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hợp thức hóa nguồn gốc đất không đúng quy định. Đặc biệt, dưới chiêu bài “Hợp đồng thỏa thuận đầu tư”, các đối tượng sử dụng các dự án chưa có chủ đầu tư, dự án “ma”, dự án trên đất nông nghiệp... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo

Trong lĩnh vực quản lý tài sản công, đầu tư công, lợi dụng việc triển khai các dự án liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công, nhận hối lộ, thông đồng, móc ngoặc từ khâu tổ chức đấu thầu đến thi công, nghiệm thu hạng mục công trình; cấu kết, móc ngoặc với các đối tượng ngoài xã hội để thao túng hoạt động mua bán, đấu giá đất đai, gây thiệt hại cho nhà nước.

Trong lĩnh vực công thương, hành vi chủ yếu là buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sử hữu trí tuệ. Các hành vi vi phạm hoạt động thương mại điện tử hoặc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là trong thời gian cách ly, giãn cách xã hội; lừa đảo trong kinh doanh dưới hình thức đa cấp, lừa đảo trúng thưởng, mua quà khuyến mãi, hoạt động cho vay của các công ty cầm đồ thông qua các đơn vị trung gian... có xu hướng gia tăng.

Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán: Nổi lên là hành vi lợi dụng sơ hở trong quy định của pháp luật để giả mạo giấy tờ, chứng từ có giá để trục lợi.

Trong lĩnh vực thuế, thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp để đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động sản xuất, kinh doanh mà bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép để phục vụ mục đích trốn thuế hay hợp thức hóa hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu. Bên cạnh đó, xuất hiện thủ đoạn các đối tượng lợi dụng kẽ hở trong khai báo hải quan, nâng khống giá trị xuất khẩu hàng hóa lên nhiều lần để chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng.

Trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, tình hình mại dâm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đã tổ chức kiểm tra 3.856 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, xử phạt 200 cơ sở với số tiền 615 triệu đồng, đình chỉ kinh doanh 19 cơ sở; phát hiện, xử lý 578 vụ, 888 đối tượng chứa, môi giới mại dâm. Công tác cai nghiện ma túy còn gặp nhiều khó khăn, số người nghiện đang sinh sống ngoài cộng đồng chiếm tỷ lệ lớn (66,2%). Lừa đảo người đi lao động ở nước ngoài tuy giảm (do ảnh hưởng của dịch Covid-19) song còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Vẫn còn tình trạng lợi dụng công tác thực hiện chính sách ưu đãi với người có công, công tác bảo trợ xã hội để trục lợi. Các đối tượng lập sai đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách xã hội, lập khống hồ sơ, chứng từ để trục lợi, gây ảnh hưởng đến mục tiêu, sự nhân văn của chính sách và niềm tin của nhân dân tại một số địa phương kinh tế - xã hội còn khó khăn cần Chính phủ hỗ trợ ngân sách cho đầu tư và phát triển, nhất là trong việc thực hiện các gói trợ cấp của Chính phủ đối với người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng lưu ý một số hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế, văn hóa nghệ thuật, giáo dục, khoa học và công nghệ, xây dựng; giao thông vận tải; thông tin và truyền thông; nông nghiệp và phát triển nông thôn; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Sớm có giải pháp khắc phục hạn chế

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về nội dung này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Bên cạnh đó Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng lưu ý việc phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để trục lợi ở một số lĩnh vực còn có hạn chế, nhiều đối tượng đã có hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh; thu gom vật tư y tế đã qua sử dụng để tái chế. Cá biệt có trường hợp cán bộ trong chính cơ quan, tổ chức có chức năng phòng, chống dịch bệnh lại có hành vi vi phạm pháp luật khi mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; một số người đã kê khai không đúng đối tượng để nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2020, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan chức năng, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 96 của Quốc hội. Tuy nhiên, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế như: Tội phạm đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng mạng viễn thông, mạng internet; vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra rất phổ biến nhưng số vụ được phát hiện, xử lý còn chưa nhiều, đặc biệt số vụ xử lý hình sự thuộc lĩnh vực môi trường rất thấp so với số vi phạm phát hiện được (chiếm 1,68%). Tội phạm, vi phạm pháp luật về chức vụ, tham nhũng bị phát hiện xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế và giảm so với năm 2019 (313 vụ, giảm 2,49%). Việc phát hiện và thống kê về xử lý vi phạm hành chính trên toàn quốc vẫn còn chưa bảo đảm tính tổng thể, chưa có sự theo dõi hệ thống để làm căn cứ đánh giá tình hình, hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước và xử lý tội phạm.

Do đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp sớm khắc phục những hạn chế đã nêu trong Báo cáo thẩm tra và tiếp tục thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp và đại biểu Quốc hội đã nêu tại các kỳ họp trước; Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, hỗ trợ an sinh xã hội, gian lận thương mại…, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, tội phạm trên các lĩnh vực này; Triển khai các biện pháp để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ thu hồi tài sản liên quan đến tín dụng, ngân hàng và các vụ án kinh tế, tham nhũng./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49511