Phát sinh tranh chấp đất với cơ sở thờ tự

Ông Ngô Văn Ứng (sinh năm 1963, ngụ tổ 7, ấp Nam Huề, xã Bình Thành, Thoại Sơn, An Giang) cho rằng, phần đất của gia đình sử dụng hơn nửa thế kỷ, sau khi hiến đất cho chùa thì bị khởi kiện về hành vi chiếm dụng đất.

Thông tin đến Báo An Giang, ông Ngô Văn Ứng cho biết, trước năm 1975, ông bà, cha mẹ ông có khá nhiều đất ruộng, đất trồng cây ăn trái. Đến năm 1982, thực hiện chủ trương trang trải chia lại đất, gia đình ông có 4 nhân khẩu (cha mẹ ông, vợ chồng ông) được nhận 5.000m2 đất lúa 1 vụ - đất của ông Ngô Tấn Tài (anh ruột ông Ứng). Đất này trong diện tích 29.000m2 ông Tài mua của ông Trần Văn Đình (anh ruột ông ngoại ông) năm 1970.

Trong 5.000m2 đất gia đình ông Ứng được nhận, địa phương đào mương chiến lược nên diện tích còn 4.235m2. Vợ chồng ông Ứng sản xuất liên tục từ 1 vụ lúa, 2 vụ lúa, rồi 3 vụ lúa cho đến nay, làm nghĩa vụ tài chính đầy đủ với nhà nước, hiện còn lưu giữ biên nhận, giấy xác nhận, biên lai thuế để chứng minh. Đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) vào năm 1990 (cấp đổi lại năm 2015), tờ bản đồ số 31, thửa đất số 494. Ngoài 4.235m2 đất, qua thời gian, ông Ứng còn sang nhượng đến 15.000m2.

Ông Ngô Văn Ứng chỉ những tờ biên nhận, biên lai thuế đang lưu giữ

“Rắc rối xảy ra từ việc 4 anh em tôi hiến đất chùa An Long do ông nội tôi (ông Ngô Văn Đây) làm trụ trì. Lúc đầu chùa cất tre lá, sau tu bổ và xây dựng hoàn chỉnh như ngày nay. Sau ngày ông nội mất, cha tôi (ông Ngô Văn Thơm) quản lý chùa, tụng kinh hàng ngày. Cha tôi mất năm 2002, anh em tôi tiếp tục quản lý, lo hương khói, nhưng công việc nhà chùa chỉ làm có lệ, ít người đến. Thấy vậy, ngày 10-4-2009, anh em tôi thống nhất hiến ngôi chùa cùng số đất ở liền kề rộng đến 3.666m2 đất cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Thoại Sơn. Sau tiếp quản, nhà chùa đăng ký chủ quyền và được cấp GCNQSDĐ ngày 7-7-2009, diện tích 3.666m2 đất. Ngoài số đất này, chùa không có mảnh đất nào ở đây” - ông Ngô Tấn Tài khẳng định.

Ông Ngô Văn Ứng bổ sung: “Chùa trước đây chỉ có 1 người, nay thêm 1-2 người, khẳng định nhiều năm sản xuất, khởi kiện đòi 4.235m2 đất tôi canh tác liên tục. Thực chất, trước đây khi vụ mùa xong, gia đình tôi có hỗ trợ chùa vài giạ lúa, khoảng 3-4 lần và nhà chùa không một lần canh tác. Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm (ngày 23-9-2020), các tình tiết quan trọng của vụ việc không được tòa án xem xét, không làm rõ nguồn gốc đất, ghi nhận ý kiến của người không biết, không nắm rõ, trong đó có đại diện của địa phương.

Đặc biệt, tòa án phán quyết “cả nguyên đơn, bị đơn không có bất cứ giấy tờ gì về hiến tặng hay thừa kế di sản” là chưa phù hợp. Bởi trong hồ sơ vụ việc, có văn bản thể hiện việc hiến chùa và đất, trích lục địa bộ nguồn gốc đất, GCNQSDĐ, đặc biệt, có biên lai thuế, biên nhận, giấy xác nhận làm nghĩa vụ tài chính bắt đầu từ năm 1976 trở về sau. Trong xét xử, tòa án chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, khẳng định tôi chiếm dụng đất và buộc giao đất là một sự oan sai, khuất tất. Gia đình tôi đã kháng cáo và cương quyết đi đến cùng để làm rõ trắng đen vụ việc”.

Về việc này, ông Lê Hoàng Minh, đại diện hợp pháp chùa An Long thông tin, việc khởi kiện là có cơ sở, chứng cứ. Sau ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Thoại Sơn phân công sư cô Thích Nữ Như Nguyên - trụ trì chùa An Long, xác nhận đã quản lý, sử dụng 5.000m2 đất đến tháng 3-2017. Đến tháng 4-2017, gia đình ông Ngô Văn Ứng đến chiếm dụng canh tác, sau cho rằng đất này cho nhà chùa mượn. Nhà chùa khởi kiện yêu cầu tòa án xem xét, giải quyết buộc gia đình ông Ứng trả lại 4.235m2 đất là có cơ sở, đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Phan Văn Được (Đoàn Luật sư tinh An Giang) cho biết, tòa án bảo đảm 2 chế độ xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Xét xử phúc thẩm là việc tòa cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án, mà quyết định của bản án tòa cấp sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị, ngoài bảo đảm mục đích khắc phục sai lầm, thiếu sót trong hoạt động xét xử của tòa án cấp sơ thẩm, tránh oan sai trong quá trình xét xử, bảo đảm sự công bằng cho mọi công dân. Nếu cho rằng Bản án số 48/2020/DS-ST ngày 23-9-2020 về việc tranh chấp QSDĐ và yêu cầu hủy GCNQSDĐ của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang không làm rõ thấu đáo, toàn diện, không đúng quy định, gây oan sai cho gia đình, đương sự có quyền bổ sung, cung cấp chứng cứ, cơ sở để tòa án cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết.

Bài, ảnh: P.V

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-sinh-tranh-chap-dat-voi-co-so-tho-tu-a298345.html