Phát sóng Mạng 5G: Góp phần tăng tốc chuyển đổi số

– Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai thử nghiệm phát sóng 5G tại một số địa điểm trên địa bàn thành phố. Việc phát sóng 5G chính là nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 2 từ phải sang) trải nghiệm mạng 5G của Viettel Lạng Sơn

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 2 từ phải sang) trải nghiệm mạng 5G của Viettel Lạng Sơn

5G là thế hệ mạng thứ 5, có tốc độ truyền dữ liệu cao hơn mạng 4G nhiều, độ trễ thấp chỉ khoảng 1 – 4 mili giây. Ở những khu vực có mật độ thiết bị cao thì mạng 5G giúp cho quá trình kết nối internet không bị quá tải. Nếu như với 4G, người dùng chỉ có thể tải các video có độ phân giải 4k, thì 5G cho phép tải video 8k do đã được cải tiến tốc độ giúp quá trình tải dữ liệu diễn ra nhanh chóng. Vấn đề thường gặp ở thế hệ 3G, 4G là tiêu hao nhiều điện năng khi sử dụng thì nay vấn đề này đã được giải quyết triệt để, góp phần làm tăng tuổi thọ pin của thiết bị. Có nhiều nhà mạng triển khai dịch vụ mạng di động 5G tại các thành phố lớn trong cả nước, song trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay, Viettel Lạng Sơn là đơn vị đầu tiên được cấp phép thử nghiệm phát sóng 5G.

Mục tiêu của Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đưa ra là đến năm 2025 Lạng Sơn phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang đến 80% số hộ dân toàn tỉnh, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại di động thông minh. Việc xây dựng các trạm và tiến hành phát sóng 5G chính là nền tảng để ứng dụng công nghệ tiên tiến như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), an ninh mạng… Từ đó, góp phần tích cực vào công cuộc CĐS, tiến tới hình thành và vận hành hiệu quả mô hình chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số. Điều này còn giúp ích tích cực cho những đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh, xuất, nhập khẩu khi thực hiện các thủ tục về thuế, xuất nhập khẩu trực tuyến. Các đơn vị, cá nhân quảng bá, kinh doanh trên mạng internet, sàn thương mại điện tử cũng sẽ thuận lợi hơn khi vận hành kênh thông tin, bán hàng, quản lý sản phẩm. Mạng 5G cũng cho phép tự động hóa dây truyền sản xuất, chăm sóc cây trồng, tích hợp các thiết bị xây dựng mô hình nhà ở thông minh…

Nhân viên kỹ thuật Viettel Lạng Sơn kiểm tra hạ tầng kỹ thuật trạm phát sóng 5G tại điểm phát sóng 5G Viettel

Nhân viên kỹ thuật Viettel Lạng Sơn kiểm tra hạ tầng kỹ thuật trạm phát sóng 5G tại điểm phát sóng 5G Viettel

Ông Đỗ Thành Trung, Trưởng Phòng Hạ tầng, Viettel Lạng Sơn cho biết: Từ tháng 10/2022, Viettel Lạng Sơn đã phát sóng mạng 5G tại các địa điểm: UBND tỉnh, Tòa nhà Viettel, Công viên Hoàng Văn Thụ, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trường Cao đẳng sư phạm cơ sở 2. Các điểm phát sóng này cơ bản phục vụ nhu cầu tại khu vực các cơ quan tỉnh và khu vực công trên địa bàn thành phố. Được sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông, cuối tháng 6/2023, chúng tôi đã phát sóng để các cơ quan, đơn vị và người dân trải nghiệm.

Tại hội nghị đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác CĐS trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh diễn ra vào ngày 3/7/2023, Viettel Lạng Sơn đã giới thiệu về mạng 5G. Qua trải nghiệm cho thấy, các video 4k trên YouTube được tải về gần như tức thời, người dùng có thể xem phim trực tuyến với độ phân giải cao với tốc độ tải về nhanh vượt trội so với sử dụng mạng 4G. Với các trò chơi trực tuyến, nếu như người dùng phải mất tới 5 phút để tải một trò chơi có dung lượng khoảng 2GB thì với mạng 5G thì chưa đầy 2 phút người dùng đã tải về thành công… Hiện nay, những dòng điện thoại thông minh, máy tính xách tay có hỗ trợ 5G có thể truy cập sử dụng mà không phải chuyển từ sim 4G lên 5G.

Là người đã trải nghiệm sử dụng mạng 5G, anh Nguyễn Tuấn Anh, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Khi biết Viettel Lạng Sơn có chương trình dùng thử mạng 5G cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, tôi đã đăng ký và dùng thử ở những khu vực có mạng 5G. Tốc độ đường truyền 5G rất nhanh. Khi tôi đăng nhập vào ứng dụng Công dân số Xứ Lạng thì không phải chờ thiết bị tải phần mềm, tải các thư mục trong phần mềm mà nó được mở ra tức thì. Còn trước đây tôi phải chờ 15 đến 30 giây thậm chí lâu hơn mới có thể sử dụng.

Hiện toàn tỉnh có 1.351 vị trí phát sóng BTS với 3.186 trạm của các nhà mạng (853 trạm 2G; 1.223 trạm 3G và 1.135 trạm 4G). Các thiết bị phát sóng 5G được thiết kế nhỏ gọn, dễ lắp đặt lên hạ tầng 2G, 3G, 4G sẵn có trên địa bàn tỉnh, do đó đến năm 2024, khi toàn quốc sẽ tắt sóng di động 2G và Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép phát sóng 5G đại trà thì đây sẽ là hạ tầng để các nhà mạng tại Lạng Sơn lắp đặt thiết bị phát sóng 5G. Tận dụng hạ tầng này, các nhà mạng sẽ giảm chi phí xây dựng, tăng hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Lạng Sơn đang trong quá trình triển khai CĐS toàn diện, hướng đến xây dựng các đô thị thông minh. Để thực hiện được mục tiêu này thì phát triển mạng 5G là tất yếu. Thời gian tới, Viettel Lạng Sơn sẽ tiếp tục phát triển mạng 5G tại một số cửa khẩu và hướng tới triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.

THỤC QUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tieu-diem/597258-phat-song-mang-5g-gop-phan-tang-toc-chuyen-doi-so.html