Phật sự nơi đầu sóng

Trên các hòn đảo lớn thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) có 6 ngôi chùa tọa lạc. Đó là điểm tựa tinh thần cho quân, dân trên các đảo và ngư dân khai thác hải sản trong vùng, góp phần khẳng định chủ quyền ở quần đảo của Tổ quốc.

Chùa Nam Huyên trên đảo Nam Yết.

Chùa Nam Huyên trên đảo Nam Yết.

Tiếng chuông chùa ngân vang theo sóng nước như xóa nhòa khoảng cách hàng trăm hải lý giữa Trường Sa với đất liền. Điều đặc biệt là 6 ngôi chùa ở Trường Sa đều thỉnh chuông cùng một thời điểm vào sáng sớm và cuối giờ chiều hằng ngày, như đồng thanh nguyện cầu cho quốc thái dân an.

Đại đức Thích Nguyên Hòa, Trụ trì chùa Sơn Linh trên đảo Sơn Ca chia sẻ như vậy trong chuyến công tác của chúng tôi đến Trường Sa. Theo Đại đức, chữ “Linh” trong tên chùa này có thể hiểu là linh ứng, linh thiêng, tâm linh. Từ xa xưa, những ngư dân đánh cá xa bờ, lênh đênh sóng nước và thường phải đối mặt với nhiều nguy cơ, khi đặt chân lên đảo đã lập một am thờ nhỏ cầu mong được thuận buồm xuôi gió, dồi dào cá tôm.

Chùa Sơn Linh được xây dựng từ sự phát tâm ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân đã đáp ứng tâm nguyện từ nhiều đời của những ngư dân bám vùng biển này. Mới đây, khi liên lạc với Đại đức Thích Nguyên Hòa, tôi được biết ông vẫn phát tâm nguyện phụ trách phật sự tại chùa Sơn Linh (liên tục từ năm 2015). Với ông, ở đâu cũng đều là phục vụ chúng sinh, giúp người người hạnh phúc. Nhiều năm gắn bó với đảo Sơn Ca, ngoài phật sự thường ngày, Đại đức vẫn luôn dành thời gian động viên, an ủi tinh thần giúp cán bộ, chiến sĩ vững tâm, chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương.

Cũng trong chuyến công tác ấy, tôi được đặt chân lên đảo Nam Yết, vào chùa Nam Huyên và được Trụ trì chùa thời điểm đó là Đại đức Thích Tâm Thanh dành nhiều thời gian chia sẻ về giáo lý nhà Phật, về chuyện đời. Đại đức Thích Tâm Thanh (quê ở tỉnh Khánh Hòa) đã có 2 năm làm phật sự tại chùa Phố Hương (T.P Thái Nguyên) sau đó chuyển qua một số ngôi chùa ở Trường Sa trước khi Trụ trì chùa Nam Huyên. Ông bảo, theo Phật thì đó là nhân duyên, có duyên sẽ đến, sẽ gặp, hết duyên thì chia xa. Nhưng ở đâu cũng phải làm tốt nhất bổn phận của mình, gắng sức giúp ích cho đời.

Giải thích về tên chùa Nam Huyên, Đại đức Thích Tâm Thanh nói: Chữ “Huyên” ở đây hiểu là “Hiên”, có ý nghĩa như mái che tâm hồn con người, che hồn dân tộc. Không kể ngày Rằm, mùng Một hay dịp lễ Tết, những ngư dân đánh bắt cá trong vùng hễ có điều kiện là họ cập đảo, vào chùa thắp hương cầu sức khỏe, bình an. Nhiều cán bộ, chiến sĩ ngoài giờ làm nhiệm vụ cũng thường xuyên lui tới chùa tìm phút thanh thản, để vơi bớt nỗi nhớ đất liền và giúp nhà chùa vệ sinh khuôn viên, trồng rau quả. Điều kiện khí hậu ở đảo khắc nghiệt, nhiều thứ còn khó khăn nhưng được cống hiến ở đây là niềm vinh dự, hạnh phúc không phải ai cũng có.

Chùa Song Tử Tây trên đảo Song Tử Tây là ngôi chùa lớn nhất tại quần đảo Trường Sa. Cũng như những ngôi chùa khác ở Trường Sa, chùa Song Tử Tây có kiến trúc đặc trưng của chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ, cùng với đó là những hoa văn uốn lượn hình con sóng.

Anh Ngô Thành Được, một người dân trên đảo nói: Chùa giúp chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ quê, luôn có cảm giác như đang được sống trong một làng quê thanh bình trên đất liền, giúp mọi người thêm hướng thiện, đoàn kết cùng nhau gây dựng cuộc sống hạnh phúc trên đảo, cùng bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng…

Đại đức Thích Đạo Niệm bày tỏ niềm hạnh phúc, tâm đắc nhất của ông trong thời gian Trụ trì chùa Song Tử Tây: Tôi hoan hỷ khi được góp công sức nhỏ bé cùng quân, dân nơi đây bảo vệ biển đảo, mừng vì người dân trên đảo và nhiều ngư dân chăm đến chùa tìm hiểu phật pháp, thực hành giáo lý để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn…

Đã hơn 1 năm sau chuyến công tác đặc biệt ấy, trong tâm khảm tôi vẫn in rõ hình bóng những ngôi chùa trên các đảo san hô cát trắng ở Trường Sa; nơi có những loài cây mà ngay tên gọi đã thể hiện sự khắc nghiệt (cây phong ba, cây bão táp); nơi có những cán bộ, chiến sĩ tạm gác hạnh phúc riêng ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biển đảo; có những ngư dân hăng say lao động không quản ngại thử thách của biển. Và ở đó có những người mặc áo cà sa chăm lo phật sự, âm thầm tích thêm cho đời.

Trần Quyền

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/van-hoa/phat-su-noi-dau-song-269318-98.html