'Phát súng' cho hòa bình

Bản Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ cuối cùng cũng được trình làng, nhưng xem ra còn lâu mới đạt tầm 'thỏa thuận thế kỷ' như chính quyền Washington của Tổng thống Donald Trump ca tụng từ giai đoạn mới 'thai nghén'.

Với một loạt dấu hỏi được đặt ra đối với bản “thỏa thuận thế kỷ”, triển vọng khả thi có thể nói là gần như không có, chưa nói tới chuyện thành công. Nhưng cuối cùng, Mỹ vẫn công bố bản kế hoạch sau nhiều lần trì hoãn vào đúng thời điểm đầu năm bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, khi Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với các vấn đề chính trị và pháp lý trong nước. Tổng thống Donald Trump đang đối phó với cuộc luận tội có thể làm ông mất uy tín vào thời điểm nhạy cảm trước thềm bầu cử. Những toan tính nhằm đánh lạc hướng dư luận kiểu này vốn không xa lạ gì trong các kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ.

Hơn nữa, ở vào thời điểm quan trọng, ông Donald Trump buộc phải chọn một vấn đề vô cùng gai góc để ghi điểm với các cử tri, đó là thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông, mà ông vốn không mấy mặn mà với tôn chỉ “nước Mỹ trên hết”.

Cứ nhìn cách phản ứng gay gắt của Palestine và một số quốc gia trong khu vực đối với bản kế hoạch này thì rõ. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố thỏa thuận phải bị ngăn chặn. Trong khi đó, đụng độ đã xảy ra giữa những người biểu tình Palestine và binh lính Israel khiến ít nhất 40 người biểu tình bị thương tại Bờ Tây sau khi bản thỏa thuận được công bố. Đây là tín hiệu cho thấy người dân Palestine không bao giờ chấp nhận một bản kế hoạch mang tính áp đặt, một chiều và sẽ tiếp tục đấu tranh vì các quyền dân tộc chính đáng của mình.

Cho dù bao gồm hai phần rõ ràng về kinh tế và chính trị, bản kế hoạch của Mỹ cũng không hề hấp dẫn với người dân Palestine và những quốc gia ủng hộ sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc của người dân Palestine. Kể cả khi đề cập tới “phần thưởng” đầy hứa hẹn, như các nước tài trợ và nhà đầu tư sẽ đóng góp hơn 50 tỷ USD/năm để thúc đẩy kinh tế cho Palestine và các nước láng giềng Ai Cập, Jordan trong 10 năm tới... “thỏa thuận thế kỷ” cũng không vì thế mà được đánh giá cao. Phần nội dung về kinh tế của bản kế hoạch đã được công bố từ năm ngoái, nhưng các nước liên quan đều tỏ ra khá thờ ơ.

Palestine và các nước Arabia hiểu rằng, nó không dựa trên thiện chí thực sự mà chỉ nằm trong toan tính của Mỹ nhằm thúc đẩy sự công nhận của thế giới Arabia với đồng minh Israel cũng như tạo điều kiện để áp đặt các chính sách theo ý Washington lên Palestine. Palestine cho rằng, Mỹ muốn dùng lợi ích kinh tế như một “mồi nhử trước mắt” để người dân quên đi thực trạng bị chiếm đóng.

Có vẻ khi vạch ra bản kế hoạch này, các “kiến trúc sư” của Mỹ đã quên mất một sự thật lịch sử, đó là cuộc đấu tranh suốt nhiều năm qua vì sự nghiệp độc lập dân tộc và mục tiêu thành lập nhà nước độc lập của người dân Palestine đều cho thấy, họ quyết không đánh đổi các quyền lợi chính trị để đổi lấy kinh tế theo các sáng kiến “nặng mùi tiền” của Mỹ. Người Palestine vẫn chưa quên những lần Mỹ dùng viện trợ kinh tế để gây áp lực chính trị nhằm bênh vực đồng minh Israel của mình. Chính sách “mua chuộc” kiểu này của Washington chưa bao giờ giành được niềm tin của người dân Palestine.

Trong khi mấu chốt của bản kế hoạch là phần chính trị chưa được giải quyết thỏa đáng, với cách tiếp cận thiên vị Israel trong hầu hết các vấn đề chính trị cốt lõi, bản kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump không có gì mới so với những phiên bản tương tự được cho là chệch quỹ đạo hòa bình trước đây. Cụ thể, bản kế hoạch không đưa ra được sáng kiến gì mới cho một trong những vấn đề mấu chốt là quy chế Jerusalem và các khu định cư Do Thái. Tổng thống Donald Trump đề xuất thành lập Nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, kèm theo một số điều kiện có lợi cho đồng minh Israel, trước hết là người Palestine phải công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, điều mà người Palestine không bao giờ chấp nhận. Mỹ cũng công nhận các khu định cư của Israel xây dựng tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine tại khu Bờ Tây, những khu định cư Do Thái đang bị coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế…

Với những đề xuất không công bằng như vậy, “thỏa thuận thế kỷ” mà Tổng thống Donald Trump cho là có thể mở đường cho giải pháp hai nhà nước, sẽ chỉ đẩy tiến trình hòa bình đi tiếp vào “ngõ cụt”, hủy hoại triển vọng đàm phán giữa Palestine và Israel. Bản kế hoạch cho thấy, Mỹ công nhận các tuyên bố về lãnh thổ của Israel, vượt xa so với các chính quyền tiền nhiệm cũng như xác nhận tính hợp lệ đối với quyền của Israel tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng. Nó cũng là sự tiếp nối các bước đi đảo ngược chính sách của các chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Trump, đó là công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem, công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel, và mới nhất là ủng hộ Israel trong việc xây dựng các khu định cư Do Thái ở các vùng đất chiếm đóng của Palestine ở Bờ Tây.

Loạt động thái của Tổng thống Donald Trump đã được cảnh báo có thể là “quả bom hẹn giờ” đối với hòa bình Trung Đông. Thêm một “thỏa thuận thế kỷ” giống như nổ thêm “phát súng” vào hòa bình khu vực, không hiểu tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ đi về đâu? Trong khi lập trường của Palestine là rõ ràng: Tiếp tục dang rộng cánh tay hòa bình với Israel nhưng không chấp nhận những toan tính nhằm mở rộng các khu định cư, thôn tính lãnh thổ và nhất là không sống chung với sự “chiếm đóng”. Đối với người Palestine, vấn đề chủ quyền lãnh thổ cũng như thánh địa linh thiêng Jerusalem không phải là những thứ để mang ra đánh đổi. Với người dân Palestine, một bản kế hoạch cho dù thế nào cũng phải dựa trên nguyên tắc hai nhà nước cùng tồn tại hòa bình, Israel phải rút khỏi vùng lãnh thổ chiếm đóng trái phép và Palestine thành lập một nhà nước độc lập theo đường biên giới trước năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô. Đây là những nguyên tắc đã được cộng đồng quốc tế công nhận, phù hợp với luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, bản kế hoạch mới mà Tổng thống Donald Trump vừa công bố không thể hiện sự tôn trọng những quyền lợi chính trị và nguyện vọng chính đáng này của người dân Palestine, đi ngược lại với sự đồng thuận quốc tế. Với người Palestine, nếu đồng ý với bản kế hoạch của Mỹ là đồng nghĩa với sự “đầu hàng” Israel và chấp nhận “đổi đất lấy hòa bình” vi phạm những nguyên tắc cơ bản của chính mình.

Bản kế hoạch của Mỹ sẽ trở thành “thỏa thuận thế kỷ” chỉ khi nào trong đó đề ra những giải pháp công bằng, toàn diện và bền vững cho cuộc xung đột Palestine-Israel, dựa trên nguyên tắc đồng thuận giữa các bên liên quan. Bằng không, các “kiến trúc sư” ở Washington, dù có cho ra đời những “công trình” sáng tạo như thế nào, cũng không bao giờ kiến tạo được hòa bình cho khu vực Trung Đông máu lửa và nó sẽ chỉ mãi là những “sản phẩm” nằm trên giấy.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/phat-sung-cho-hoa-binh-608847