'Phát thanh Quân đội phải trở thành bộ phận hữu cơ trên các kênh phát thanh của VOV'
Theo Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng, Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân cần tiếp tục phát huy để trở thành một bộ phận hữu cơ trong dòng chảy của các chương trình phát thanh trên sóng VOV.
64 năm đã trôi qua, kể từ ngày phát sóng đầu tiên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân đã ghi đậm dấu ấn trong tiềm thức của đồng bào, chiến sĩ trên mọi miền Tổ quốc. Những bản tin, phóng sự, bình luận nóng hổi từ chiến trường, những bản tin thắng trận từ trận địa đã làm nức lòng quân và dân cả nước.
Bước vào thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chương trình tiếp tục đưa cánh sóng lan tỏa, vang xa, phản ánh sinh động các hoạt động quân sự, quốc phòng, đáp ứng nhu cầu thông tin của thính giả. Đồng thời, Chương trình cũng luôn có những đổi mới mang tính sáng tạo, đột phá để hòa nhịp cùng các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
Đây cũng là khẳng định của Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên nhân kỷ niệm 64 năm ngày Chương trình Phát thanh quân đội phát sóng số đầu tiên (16/3/1959-16/3/2023).
"Thư ký" về báo chí của thời đại
PV: Thưa ông, với sự phát triển bùng nổ của Internet, công chúng có thể tiếp cận dễ dàng hơn với những thông tin của đời sống xã hội trên không gian mạng, trong khi phát thanh vẫn là một loại hình báo chí truyền thống. Điều này có làm cho phát thanh nói chung và Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân nói riêng bị chậm so với các loại hình báo chí hiện đại không?
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Với sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ, chúng ta đã chứng kiến báo chí có những thay đổi triệt để trong những năm gần đây. Với sự xuất hiện của rất nhiều loại hình, phương tiện và cách thức truyền thông mới, tưởng như trong cuộc cạnh tranh khốc liệt ấy, vai trò, vị thế của phát thanh giảm đi, nhưng hóa ra không phải. Theo thống kê, 50% số người tham gia vào mạng, môi trường Internet, đều có nhu cầu nghe. Đấy là một tín hiệu rất tích cực của phát thanh.
Và với rất nhiều nền tảng xuyên biên giới, không chỉ là những nền tảng truyền thống, như AM hay FM, các chương trình phát thanh, các nội dung có tính chất phát thanh đã được xuất hiện trên các tần số. Nó mở ra một không gian vô tận cho phát triển báo chí nói chung và cho phát thanh nói riêng.
Ngày nay, các sản phẩm phát thanh không bị giới hạn bởi vùng địa lý, phát sóng truyền thống AM, FM, mà chúng ta có thể phát triển các nền tảng số. Các chương trình phát thanh Quân đội nhân dân không chỉ xuất hiện trên biên giới, trong lãnh thổ Việt Nam, mà còn có thể tiếp cận với công chúng khắp mọi nơi trên thế giới, nơi nào có mạng.
Theo tôi được biết, ở các nước phát triển, thời gian nghe phát thanh của công chúng rất nhiều, vì nó phù hợp với các đối tượng công chúng đang di chuyển. Khi họ đi trên ô tô, hay tham gia các phương tiện vận tải, họ không có điều kiện để đọc và xem, ngôn ngữ nói, tiếng nói và phát thanh lại là lợi thế, cung cấp thông tin rất phong phú đa dạng cho công chúng, thỏa mãn nhu cầu thông tin của công chúng.
PV: Để bắt nhịp được xu hướng của báo chí hiện đại và hòa nhập vào dòng chảy thông tin được phản ánh trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân cũng có những đổi mới về nội dung, phương pháp và cách thức thể hiện. Ông cảm nhận thế nào về sự đổi mới này?
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Có thể nói, Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân là một chương trình chuyên đề hình thành rất sớm trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, năm 1959. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, Phát thanh Quân đội nhân dân gắn bó với lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước, phản ánh rất sinh động, chân thực và là "thư ký" về báo chí của thời đại. Phát thanh Quân đội nhân dân cùng với Đài Tiếng nói Việt Nam đã hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ của mình trong giai đoạn chiến tranh và trong thời kỳ hòa bình.
Trong những năm gần đây, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập sâu rộng vào đời sống thế giới, và trở thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Phát thanh Quân đội nhân dân cũng có rất nhiều đổi mới. Quán triệt quan điểm xây dựng nền quốc phòng của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã thể hiện trong các tin bài phóng sự, các chương trình talk show, chương trình tọa đàm, phỏng vấn... qua đó làm rõ hơn quan điểm và chiến lược quốc phòng của Việt Nam, quan điểm ngoại giao của Việt Nam, để không chỉ công chúng trong nước hiểu, mà các đối tác quốc tế, công chúng thế giới cũng hiểu được chính sách quốc phòng vì hòa bình của Việt Nam, chính sách quốc phòng mang tính tự vệ của Việt Nam.
Đặc biệt, chúng ta đã thực hiện đầy sáng tạo, chứ không xơ cứng. Chúng ta thể hiện bằng nhiều hình thức, thể loại phong phú, đa dạng, giúp công chúng dễ tiếp cận hơn. Lãnh đạo Đài thấy rõ, ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng đổi mới đó của các đồng nghiệp Phát thanh Quân đội nhân dân. Nghe các Chương trình Phát thanh Quân đội trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam không bị chênh so với xu thế đổi mới chung về phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây là những tín hiệu rất tích cực.
Tôi nghĩ Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân cần tiếp tục phát huy, để làm sao đưa chương trình trở thành một bộ phận hữu cơ, trong dòng chảy của các chương trình phát thanh trên các kênh phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam.
"Đóng gói" cho phù hợp với môi trường số và phân phối trên các môi trường số
PV: Để Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân hòa nhịp sâu rộng hơn trong dòng chảy thông tin được phản ánh trên Đài Tiếng nói Việt Nam, ở góc độ vừa là thính giả, vừa là lãnh đạo Đài, ông có thể gợi mở những hướng đi trong thời gian tới?
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Tôi nghĩ rằng, trước tiên Phát thanh Quân đội nhân dân phải phản ánh được các hoạt động của quân đội trong thời kỳ hiện nay, bám sát vào hoạt động của quân đội, cũng như nhu cầu nhiệm vụ chính trị hiện nay của chúng ta.
Cùng với đó, Phát thanh Quân đội nhân dân cũng phải đồng hành với cuộc sống, bám sát hơi thở của cuộc sống, những vấn đề hệ trọng của đất nước, những vấn đề mới được công chúng quan tâm, quân đội quan tâm, các sĩ quan, chiến sĩ, người thân, gia đình của những người lính quan tâm. Nếu chúng ta nắm bắt được những điều ấy mà triển khai những đề tài hay, những câu chuyện gắn với mối quan tâm của công chúng, chúng ta sẽ chinh phục được công chúng.
Người dân Việt Nam rất quan tâm đến quân đội, đến năng lực quốc phòng của đất nước, đặc biệt là khả năng bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước. Nếu chúng ta tuyên truyền một cách khéo léo, đưa thông tin một cách phong phú, đa dạng, chúng ta sẽ thu hút công chúng. Đơn cử như triển lãm quốc tế về quốc phòng được tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2022. Những câu chuyện về sự tiến bộ của Việt Nam trong chính sách quốc phòng, hay trong việc sản xuất các loại vũ khí tự vệ, việc hợp tác với các nước lớn và các nước có nền công nghiệp quốc phòng nổi trội. Công chúng rất quan tâm tới những thông tin ấy.
PV: Như ông vừa nói, tức là chúng ta không chỉ nói về những gì mình đang có, mà quan trọng hơn là cung cấp cho thính giả những thông tin họ đang cần?
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Đúng thế, và hai việc này không mâu thuẫn nhau. Tức là nó đòi hỏi những người làm phát thanh phải nắm bắt được rất sâu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nắm bắt được nhu cầu thông tin của công chúng. Hai việc đấy nếu kết hợp lại sẽ tạo ra những sản phẩm phù hợp.
Vấn đề là chúng ta làm như thế nào, có hấp dẫn hay không? Chúng ta có đáp ứng được nhu cầu thông tin giải trí rất phong phú, đa dạng của công chúng hay không. Và chúng ta có thích nghi với bối cảnh thông tin không còn mang tính chất cưỡng ép và bị động, công chúng sẽ chủ động tìm thông tin để đọc, để nghe, để xem. Nếu chúng ta nắm bắt được xu hướng, nắm bắt được nhu cầu công chúng, chúng ta điều chỉnh cách làm, tương lai phát thanh luôn rộng mở.
Phát thanh luôn có vai trò, vị thế rất quan trọng trong đời sống, trong sự phát triển, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập sâu rộng của đất nước như hiện nay.
PV: Vậy theo ông, với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội như hiện nay, Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân có nên tận dụng các nền tảng số để đưa Chương trình tiếp cận đến nhiều hơn với công chúng?
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Tôi rất mừng các đồng nghiệp của chúng ta là những đồng nghiệp trẻ, cũng cập nhật rất nhanh những kiến thức mới. Đài Tiếng nói Việt Nam hay Phát thanh Quân đội nhân dân cũng thế, chúng ta không chỉ xây dựng những sản phẩm phát thanh chỉ để phát trên nền tảng truyền thống AM, FM. Mà nền tảng phát thanh ấy, chúng ta phải số hóa, nói một cách đơn giản như người sản xuất, chúng ta phải "đóng gói" cho phù hợp với môi trường số và phân phối trên các môi trường số. Tức là ở đâu có công chúng, ở đó phải có Phát thanh Quân đội nhân dân.
Chúng ta đưa nội dung các chương trình của chúng ta trên nền tảng số là góp phần tuyên truyền, định hướng dư luận, để cho họ hiểu đúng về đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Khi các nội dung tích cực được đưa lên các nền tảng số, sẽ góp phần cộng hưởng với các chủng loại, binh chủng báo chí để cung cấp những thông tin tích cực chủ lưu, định hướng được dư luận. Chúng ta có thể làm từng bước, dần dần công chúng biết, quen, sẽ tìm đến những nguồn thông tin có uy tín như của Phát thanh Quân đội nhân dân. Đấy là những hướng mà chúng ta hoàn toàn có thể nắm bắt được.
PV: Xin cảm ơn ông./.