Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!
Quy định mới về xử lý người vi phạm Luật ATGT có hiệu lực thi hành được nhiều người dân đồng tình, tuy nhiên vẫn có một bộ phận cho rằng, mức xử phạt quá nặng.
Theo quy định mới, một số hành vi vi phạm trật tự ATGT đường bộ có mức phạt tăng mạnh so với trước như: điều khiển ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị phạt 18-20 triệu đồng (mức cũ là 4-6 triệu đồng); đối với người điều khiển mô tô, xe máy, mức phạt là 4-6 triệu đồng (mức cũ là 800 nghìn - 1 triệu đồng).
Ô tô đi ngược chiều vào đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều phạt từ 18-20 triệu đồng (mức cũ 4-6 triệu đồng); dùng tay sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi đang điều khiển phương tiện phạt 4-6 triệu đồng (mức cũ 2-3 triệu đồng)…
Việc tăng mạnh mức phạt đang gây nên nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận. Nhiều người băn khoăn về số tiền phạt quá lớn so với mức thu nhập hằng tháng của người lao động. Không ít người nghi ngờ độ chính xác của đèn tín hiệu giao thông sẽ “giăng bẫy” khiến người dân bị phạt oan.
Thậm chí, có những đối tượng đã lợi dụng việc triển khai quy định xử phạt mới này để có những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và cơ quan chức năng khi cho rằng, tăng mức phạt là “tận thu” và số tiền xử phạt người vi phạm sẽ “chảy vào túi” những tổ chức, cá nhân nào đó.
Rõ ràng, những băn khoăn, luận điệu xuyên tạc đó là thiếu cơ sở bởi các khoản tiền phạt thu được sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước và sử dụng theo đúng quy định pháp luật. Việc trích phần trăm số tiền xử phạt cho một số lực lượng là nhằm trang bị, bảo dưỡng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác đảm bảo trật tự ATGT chứ không phải để “chia chác” như luận điệu của một số đối tượng.
Hơn nữa, quá trình cơ quan chức năng triển khai, người dân đều có quyền giám sát, phản ánh nếu có tình trạng tiêu cực xảy ra. Đối với vấn đề hệ thống tín hiệu đèn bị lỗi, hỏng, tin rằng, cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, ghi nhận hình ảnh để đảm bảo người dân không bị phạt oan, xử lý đúng người, đúng lỗi vi phạm.
Vẫn biết rằng mức phạt mới khá cao, tuy nhiên, trước thực trạng ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân còn thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, ATGT thì mức phạt này mới đủ sức răn đe, đặc biệt là với những đối tượng xưa nay vẫn hay có thói quen “nhờn luật”.
Thực tế cho thấy, từ ngày áp dụng quy định xử phạt mới, người tham gia giao thông đã tự nâng cao ý thức chấp hành luật. Nếu như ngày trước, đèn tín hiệu giao thông chưa chuyển màu, các phương tiện đã ùn ùn di chuyển, lấn làn, thì nay, dường như ai cũng chờ đèn xanh chính thức đếm giây mới nhấn ga cho “chắc ăn”. Trên mạng xã hội cũng lan truyền nhiều hình ảnh so sánh tại cùng một địa điểm, tình trạng lộn xộn trước đây đã được thay thế bằng sự ngăn nắp, trật tự của các phương tiện tham gia giao thông.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã trở thành đề tài bàn luận rôm rả trong những câu chuyện của nhiều người bên tách cà phê, ly trà đá vỉa hè. Một người bạn của tôi chia sẻ, ngày trước, anh ấy vẫn hay có thói quen vừa lái xe vừa nghe điện thoại, vượt vài ba giây đèn đỏ khi quá vội, nhưng từ khi quy định về xử phạt tăng cao như hiện nay thì luôn tự “răn” mình phải chấp hành nghiêm chỉnh nếu không muốn “bay luôn cả tháng lương”.
Việc tăng mạnh mức phạt thời gian đầu áp dụng có thể còn gây nên những băn khoăn, lo lắng cho một bộ phận người dân, song thiết nghĩ, đây là biện pháp cần thiết và cấp thiết để lập lại trật tự ATGT, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của mỗi người dân, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/phat-that-nang-de-thay-doi-hanh-vi-post280853.html