Phạt thôi chưa đủ
Mỗi năm cả nước có hàng chục nghìn người thương vong do tai nạn giao thông và ít nhất 1/4¼ trường hợp có liên quan đến người lái xe say xỉn. Nói thế để thấy, lái xe sau khi uống rượu bia gây tai nạn để lại quá nhiều đau thương cho những gia đình và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Tôi và vài người bạn thân thi thoảng tụ tập ăn nhậu và chúng tôi vẫn thường nhắc nhau trước mỗi cuộc hẹn: “đã uống rượu bia là đi grab nhé”. Tuy nhiên, sau khi đi ra từ các quán nhậu, nhiều người vẫn tự lái ô tô hoặc xe máy về nhà sau khi có hơi men. Có thể họ chủ quan vì uống ít, có người thích thể hiện ta đây không say. Cũng có những trường hợp “cậy” quan hệ có thể “xin” được nếu bị kiểm tra… Nhưng nhìn chung, tất cả các trường hợp nêu trên đều do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Vì thế, tình trạng người lái xe say xỉn và gây tai nạn vẫn còn phổ biến mỗi ngày.
Hãy phạt thật mạnh! Đó là ý kiến của hầu hết những người khi được hỏi về việc xử lý người vi phạm nồng độ cồn tham gia giao thông. Nhiều người còn gay gắt khẳng định, lái xe sau khi sử dụng rượu bia là tội ác. Bởi, lái xe sau khi uống rượu bia không chỉ phản ánh ý thức, nhận thức của họ kém, coi thường pháp luật mà còn hơn thế, đó là coi thường tính mạng người khác, để rồi đã có nhiều người phải ra đi một cách tức tưởi, oan ức. Đây là hành vi khiến dư luận phẫn nộ và lên án kịch liệt.
Mặc dù mức phạt cho hành vi vi phạm luật giao thông này đã lên tới 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) một năm, tuy nhiên mức này vẫn được xem là chưa đủ nặng. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xử lý hình sự.
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Không thể đợi đến lúc xảy ra hậu quả rồi mới xử lý. Chúng ta cần ngăn chặn hành vi ngay từ suy nghĩ, để mỗi người dân tham gia giao thông có ý thức bất di bất dịch rằng: đã uống rượu bia thì không lái xe. Phạt hành chính hay chỉ là giữ GPLX có thời hạn, không những không đủ răn đe mà còn sinh ra vô số những tiêu cực, đó là “cơ chế nhờ vả”, “xin cho”…
Vụ việc 6 cảnh sát giao thông sử dụng máy đo nồng độ cồn không đúng quy định để xử phạt người tham gia giao thông mới đây cho thấy đó là hệ lụy của chế tài chưa đủ mạnh, khiến cho tiêu cực nảy sinh, giữa người vi phạm và người xử phạt vẫn có thể tồn tại hình thức “thương lượng”.
Và, không phải ngẫu nhiên nhiều nước trên thế giới, đánh mạnh vào thuế kinh doanh, tiêu thụ rượu bia và xử phạt nghiêm nồng độ cồn. Tôi được biết, Luật Hình sự Canada quy định ở lần vi phạm đầu tiên với nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,04%, tài xế bị buộc nộp phạt 1.000 USD; tái phạm lần 2, người lái xe bị buộc ngồi tù 30 ngày và tăng lên 120 ngày nếu vi phạm lần thứ 3.
Việt Nam tiêu thụ rượu bia đang tăng mạnh và ngày càng nhiều người trẻ sử dụng bia rượu rồi lái xe ra đường một cách rất thoải mái. Đó là lý do tại sao mỗi ngày ra đường, nhiều người vĩnh viễn không trở về nhà, để lại bao nỗi đau cho người thân và xã hội.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phat-thoi-chua-du-post1509502.tpo