Ngày trước phật thủ được trồng chủ yếu ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức nhưng gần đây, do đất cằn cỗi nên nhiều hộ gia đình ở Đắc Sở thuê đất mới ở các khu vực khác như Yên Thái, Trung Châu, Thọ An, Phùng, Đan Phượng, Phúc Thọ… để trồng phật thủ, đáp ứng nhu cầu thị trường Tết.
Bắt đầu từ rằm tháng Chạp, nhiều thương lái về đây thu mua để bán dịp Tết nên các gia đình phải thuê thêm người thu hoạch.
Phật thủ cho quả quanh năm nhưng để thu hoạch vào dịp Tết người nông dân phải dùng kỹ thuật để quả sai hơn, năng suất hơn.
Chị Nguyễn Thu Hà, một chủ vườn tại đây cho biết: Gia đình chị đã bán được hơn 2.000 quả vào dịp Tết này. Giá tăng cao hơn năm ngoái. Những quả đẹp có giá vài trăm nghìn đồng một quả. Còn những loại quả bình thường có giá 80.000-100.000 đồng/quả.
Người Hà Nội, sành chơi, thích những quả có ngón dài, càng dài trả giá càng cao, có người đã từng trả giá đến 4-5 triệu đồng một quả.
Phật thủ không có ruột, phần lõi xốp bên trong không ăn được mà chỉ dùng làm thuốc. Trong đời sống tâm linh, phật thủ là loại quả thờ cúng được ưa chuộng, thờ trong những ngày trọng đại, mùng 1, ngày rằm hay trên mâm ngũ quả ngày Tết để cầu mong được ban phúc lộc.
Không chỉ miền Bắc mà miền Nam và Trung cũng ưa thích thờ loại quả này nên thương lái về đặt hàng rất đông. Nhiều nhà vườn còn không có đủ hàng để bán.
Để có những quả phật thủ đẹp mã phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật chăm sóc. Đây là loại cây kỵ thời tiết lạnh giá hanh khô; ưa ấm áp. Những ngày nhiệt độ giảm sâu, hanh khô, người dân phải tưới nước quanh gốc đảm bảo độ ẩm thích hợp. Ngoài ra, cây dễ thối gốc, lá và quả của cây phật thủ thu hút nhiều côn trùng đến phá hại.
Việc thu hoạch cũng phải rất cẩn thận, tỉ mẩn, dùng nhiều thùng xốp, giấy báo, bông mềm lót dưới để đóng gói sản phẩm. Vì phật thủ phải nguyên vẹn, không được dập nát nên khâu vận chuyển rất quan trọng.
Từng quả phật thủ được gói cẩn thận đến tay người tiêu dùng.
Ưu điểm của phật thủ là tươi rất lâu, có quả tươi đến 6 tháng trong điều kiện bình thường. Người dân gọi đây là loại quả "hái ra tiền" nên càng ngày diện tích trồng trọt càng được mở rộng. Người dân Đắc Sở gần đây phải đi tìm thêm đất để trồng phật thủ ở xã Hiệp Thuận, Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ), Yên Sơn (Quốc Oai), Trung Châu, Thọ An (Đan Phượng).
Mai Hà