Phạt tiền, đánh roi, bêu riếu lên MXH khách du lịch vô ý thức
Cái giá cho hành vi thiếu ý thức như xả rác, bôi bẩn tại các điểm du lịch thường là phạt tiền, lao động công ích, đánh roi ở một số quốc gia trên thế giới.
Sáng 19/7, tài khoản Kiet** chia sẻ clip một cô gái vừa bẻ bánh, tung khắp phòng khách sạn, vừa hả hê cười đùa. Người quay đoạn video cho rằng vì thuê khách sạn hỏi giá một kiểu, nhận phòng một kiểu, nên “chỉ muốn chơi xỏ một chút”.
Tuy nhiên, trả lời Zing, chủ khách sạn trên lên tiếng phủ nhận chuyện chặt chém khách.
Người quay video hiện đã phải đóng tính năng bình luận ở toàn bộ bài đăng, xóa đoạn video khi bị dân mạng chỉ trích.
Chưa cần biết ai đúng, ai sai trong câu chuyện trên, hành động xả rác, bôi bẩn phòng khách sạn của đôi nam nữ vẫn bị dân mạng ném đá, cho rằng khó chấp nhận.
Sốc trước hành động kém duyên của khách thuê phòng
Việc khách thuê quậy phá, khiến chủ sở hữu sốc khi nhận lại phòng như trong câu chuyện trên không phải điều hy hữu trên thế giới.
Tháng 9/2017, Laurie S. trở về căn hộ 13 m2 của mình tại Paris (Pháp) sau 3 tuần cho một người đàn ông Canada thuê qua ứng dụng AirBnB. Cô sốc khi nhìn thấy căn phòng của mình biến thành đống lộn xộn và bốc mùi hôi thối, theo Stuff.co.nz.
“Căn hộ quyến rũ của tôi thực sự biến thành một bãi rác kinh tởm. Phòng bếp và nhà vệ sinh hư hỏng nặng, thậm chí trong chăn còn có phân và nước tiểu”, Laurie nói với IBTimes.
Laurie liên hệ phía ứng dụng cho thuê nhà để đòi bồi thường, song chỉ nhận được lời hứa gọi lại sớm. Quá bức xúc, cô chia sẻ câu chuyện lên Facebook kèm những bức ảnh so sánh căn phòng trước và sau khi cho thuê.
Sau khi truyền thông đưa tin về vụ việc, AirBnB tuyên bố kiểm tra khiếu nại của Laurie. Họ hứa cho chuyên gia tới thẩm định thiệt hại của chủ nhân căn phòng.
Nói với France TV, công ty này cho biết những trường hợp tồi tệ tương tự rất hiếm khi xảy ra. Trong 30.000 căn hộ được thuê ở Pháp vào năm 2016, tỷ lệ thiệt hại nặng chỉ là 0,009%.
Theo quy định, AirBnB cho phép chủ nhân nhận tới 800.000 euro trong trường hợp thiệt hại. Phía công ty cũng khẳng định người thuê nhà của Laurie S. đã bị cấm sử dụng ứng dụng. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ về chất lượng của dịch vụ này sau sự việc.
Ngoài xả rác, không ít khách thuê khiến mình trở thành tâm điểm chỉ trích của dân mạng vì hành động ăn trộm đồ hay chống đối quy định của khách sạn.
Tháng 7/2019, một gia đình Ấn Độ bị bắt quả tang lấy trộm máy sấy tóc, giỏ đồ trang trí, đồ dùng trong nhà tắm... của khách sạn tại Bali (Indonesia).
Trước đó, khi nhóm khách này trả phòng, nhân viên nhận thấy nhiều đồ đạc biến mất nên gọi cảnh sát đến kiểm tra, theo Huffington Post.
“Sau khi đồ thuộc về khách sạn được tìm thấy trong hành lý, khách đã thừa nhận sai lầm và xin lỗi. Họ trả lại toàn bộ vật dụng đã lấy và trả tiền cho vài món đồ thất lạc khác”, cảnh sát địa phương cho hay.
Hành động của gia đình này khiến nhiều người Ấn Độ cảm thấy tức giận và hổ thẹn. Tỷ phú Ấn Độ Harsh Goenka sau đó lên tiếng phê phán và nói đây không phải lần đầu tiên công dân nước này hành xử kém duyên khi đi du lịch. Một khách sạn Thụy Sĩ từng viết thông báo dành riêng cho khách Ấn Độ, nhắc nhở về cách thức ăn buffet, ý thức giữ gìn trật tự chung.
Cũng là sự việc khách thuê trộm đồ từ khách sạn, song ở trường hợp này, thứ bị đánh cắp là... nắp bồn cầu.
Theo Ningbo Daily, tháng 10/2016, 2 du khách tới từ Chiết Giang (Trung Quốc) phải gửi lời xin lỗi khách sạn ở Nagoya (Nhật Bản) sau khi cố gắng lấy trộm nắp bồn cầu để làm kỷ niệm.
Sự việc chỉ được phát hiện khi nhân viên kiểm tra phòng lúc khách rời đi. Khách sạn liên lạc với hướng dẫn viên du lịch, yêu cầu thành viên trong đoàn trả lại đồ ăn cắp.
Ban đầu, cặp khách Trung Quốc kiên quyết phủ nhận cáo buộc. Họ chỉ xin lỗi sau khi khách sạn báo cảnh sát và phát hiện nắp bồn cầu trong hành lý.
Giải thích về hành động, 2 du khách cho biết họ lấy nắp bồn cầu vì nghĩ khách khác đã bỏ quên từ trước. “Tôi rất lấy làm tiếc về sự việc và gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến mọi người. Tôi hy vọng sẽ nhận được sự khoan dung của khách sạn và công ty du lịch. Tôi xin hứa hành vi này sẽ không xảy ra thêm một lần nào nữa”.
Hay vào tháng 2/2017, sau khi bị Waldorf Astoria - khách sạn 5 sao ở Dubai (UAE) - cấm chụp ảnh sexy trong phòng rồi đăng lên mạng, một nhóm nữ du khách Nga đã chụp ảnh gợi cảm bên ngoài cửa để trả đũa.
Trước đó, phía khách sạn quan ngại những tấm hình có phần nhạy cảm mà khách đăng lên mạng có thể khiến họ bị hiểu sai, nhất là khi nhóm đăng ảnh đều là influencer (người nổi tiếng trên mạng) như Victoria Bonya - vợ tỷ phú Ailen Alex Smurfit, nữ diễn viên Anna Kalashnikova và siêu mẫu Alena Shishkova.
“Các bạn phải hiểu rằng đây là một quốc gia Ả Rập. Ngoài các bạn, còn có nhiều gia đình khác mang theo trẻ nhỏ. Chúng tôi không muốn chúng nhìn thấy các hình ảnh phản cảm”, quản lý khách sạn bày tỏ.
Nhiều người đánh giá hành động của nhóm nữ du khách là trẻ con và khuyên họ tôn trọng nền văn hóa của đất nước mình đến du lịch.
Thế giới phạt khách gây rối như thế nào?
Để chống lại khách du lịch gây rối, nhiều quốc gia đặt ra các bộ quy tắc với phương thức xử lý thường là phạt tiền, buộc lao động công ích hay trục xuất vĩnh viễn.
Tháng 5/2019, chính quyền thành phố Venice (Italy) ban hành quy định cấm khách du lịch xả rác, bơi trong kênh rạch và “thả rông” trên đường. Tùy vào mức độ vi phạm, khách du lịch có thể bị phạt từ 25-500 euro hoặc bị trục xuất vĩnh viễn, theo Independent.
Chính quyền thành phố thể hiện sự kiên quyết trong việc thực thi quy định này. Hai tháng sau lệnh cấm, 2 du khách đến từ Berlin (Đức) bị bắt gặp dùng bếp di động để pha cà phê trên bậc cầu Rialto. Một người qua đường đã báo cáo vụ việc với cảnh sát. Cuối cùng, các du khách này bị phạt 1.058 USD và được yêu cầu rời khỏi Venice ngay lập tức.
Singapore cũng là một trong những quốc gia đưa ra nhiều quy tắc nghiêm ngặt cho người dân và du khách nhằm bảo vệ môi trường.
Các hành vi như xả rác, khạc nhổ, đi tiểu nơi công cộng, vẽ bậy hay nhai kẹo cao su, mang sầu riêng lên các các phương tiện công cộng... đều bị coi là vi phạm pháp luật. Hình phạt cho các hành vi này là tù giam, đánh roi mây, lao động công ích hay phạt hành chính.
Đơn cử như hành vi xả rác nơi công cộng, người phạm tội lần đầu sẽ bị phạt 300 đôla Singapore (SGD) để cảnh cáo, theo Đạo luật Sức khỏe Cộng đồng Môi trường Singapore.
Nếu bị đưa ra tòa, mức phạt tối đa cho hành vi phạm tội xả rác lần đầu là 2.000 SGD, 4.000 SGD cho lần vi phạm thứ 2 và 10.000 SGD cho các bản án tiếp theo, theo Straits Times.
Người tái phạm nhiều lần cũng phải tuân thủ lệnh lao động nhằm khắc phục hậu quả (CWOs). Theo đó, họ buộc phải dọn dẹp nơi công cộng trong ít nhất 3 giờ. Để "khắc cốt ghi tâm" hành vi sai trái của mình, người phạm tội xả rác thường được yêu cầu mặc vest màu hồng hay vàng sáng để người đi đường dễ trông thấy hơn khi họ dọn rác.
Ở Quần đảo Maldives, hành động xả rác và vứt rác sai chỗ sẽ bị phạt hành chính từ 300-500 MVR và “bêu rếu” hình ảnh công khai lên mạng xã hội. Tại Thái Lan, luật cấm hút thuốc và xả rác tại 24 bãi biển nổi tiếng thuộc 15 tỉnh được áp dụng từ tháng 2/2018. Người vi phạm sẽ bị truy tố, phạt tới 100.000 baht và đối mặt với án tù 1 năm. Đối với trường hợp xả rác bừa bãi, người vi phạm có thể bị phạt 2.000 baht.
Theo đạo luật rác thải năm 1979 của Australia, xả rác ở một số bang của xứ sở chuột túi là hành động vi phạm pháp luật. Người dân hay khách du lịch, dân nhập cư… nếu bị phát hiện có thể bị cảnh sát phạt tại chỗ hoặc gửi biên bản phạt nguội, với mức phạt tối đa 5.000 AUD.