Phạt tiền khi ép rượu bia: Ranh giới nào giữa mời và ép?

Từ ngày 15/11/2020, hành vi xúi giục, ép người khác uống rượu, bia sẽ bị phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng. Với lãnh đạo các cơ quan đơn vị sẽ bị xử phạt từ 3- 5 triệu đồng nếu để diễn ra việc uống rượu bia tại cơ quan trong giờ làm việc.

Việc phạt tiền đối với hành vi ép buộc, xúi giục người khác uống rượu bia cũng gây khá nhiều thắc mắc cho người dân. Anh Phạm Tiến Đạt, kỹ sư xây dựng tại tập đoàn Kotexco, chia sẻ: "Mấy ngày nay, anh em trong nhóm làm việc bàn tán xôn xao về chuyện "ép nhậu". Nghề xây dựng nhậu như một hình thức không thể thay thế để giao tiếp. Nhiều lúc chẳng cần ép mà vẫn phải "đỡ đạn" cho sếp, cho anh em khi cần thiết. Chúng tôi cũng băn khoăn làm sao phân biệt được ép với mời bởi giao tiếp trên bàn nhậu như chúng tôi thì toàn "lời hay ý đẹp".

"Ép bia rượu là hành vi đáng lên án và cần phải xử lý bởi trên thực tế đã xảy ra quá nhiều trường hợp kích nhau uống bia rượu, quá chén, quá sức chịu đựng của cơ thể dẫn đến những hành vi sai lệch, thậm chí đáng tiếc phải ân hận cả đời đã xảy ra. Nhưng làm thể nào để nhận diện giữa chuyện tự nguyện hay ép buộc, ai là người giám sát đang là điều dư luận quan tâm", anh Nguyễn Thế Anh, Trưởng phòng kĩ thuật - Công ty cổ phần phần mềm Vietsoft bày tỏ.

Bia rượu đã được nhiều người Việt quan niệm là "vũ khí" khi phát triển các mối quan hệ.

Bia rượu đã được nhiều người Việt quan niệm là "vũ khí" khi phát triển các mối quan hệ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Gia đình & Xã hội, Luật sư Đoàn Thu Nga Giám đốc Công ty Luật TNHH Lawpro cho biết: "Uống rượu là một nét văn hóa của người Việt đã có từ lâu đời. Rượu gắn với sinh hoạt cộng đồng, với các nghi lễ, hội hè, đình đám; rượu gắn với bạn hiền, với những lời thề ước. Có chén "rượu mừng" để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn tăng gắn kết hữu nghị. Tại Điều 5 Luật phòng chống tác hại của rượu, bia đã nghiêm cấm hành vi "Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia". Theo Nghị định 117/2020, hành vi "ép buộc người khác uống rượu bia cũng bị phạt tiền 1-3 triệu đồng". Tuy nhiên việc thực có thể gặp rấy nhiều khó khăn".

Cụ thể, luật sư Đoàn Thu Nga cho rằng có 3 điểm bất cần phải xem xét kỹ: Thứ nhất, việc xác định các yếu tố cấu thành hành vi ép buộc khó khăn. Theo từ điển tiếng Việt, "ép buộc" có nghĩa là bắt phải làm điều không muốn hoặc trái với ý muốn. Trong lĩnh vực luật pháp, "ép buộc" được hiểu chung là dùng quyền lực của mình buộc người khác phải làm theo ý mình mà họ không muốn. Hành vi ép buộc có thể bằng lời nói: dụ dỗ, hăm dọa, hứa hẹn hoặc bằng hành động như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng những thủ đoạn nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự. Trong trường hợp bên bàn nhậu, khi người cầm chén chủ động cạn ly khó có thể phân biệt được đâu là ý chí tự nguyện, đâu là bị ép buộc

Thứ hai, cơ sở nào để xử phạt? Do tố cáo của công dân hay đến thời điểm xảy ra hậu quả mới tính đến chuyện xử phạt? Như vậy có đảm bảo tính "phòng chống tác hại" của luật.

Thứ ba, cơ quan nào chịu trách nhiệm và họ sẽ phải thực thi như thế nào để phù hợp với văn hóa "rượu mừng" của người Việt? Có lẽ nào các cơ quan chức năng sẽ phải "dự thính" từng đám cỗ, ma chay, cỗ hỏi tại địa bàn để kiểm tra và giám sát?

Tục mời rượu có trong văn hóa, tín ngưỡng của nhiều dân tộc, vùng miền.

Tục mời rượu có trong văn hóa, tín ngưỡng của nhiều dân tộc, vùng miền.

Không thể phủ định các biện pháp xử phạt trong Nghị định 117 có bản chất tốt, hướng đến bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, để có thể áp dụng triệt để, thay đổi nhận thức, thái độ của người sử dụng bia rượu thì cần có thêm những văn bản, nội dung hướng dẫn cụ thể đi kèm.

Huy Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/phat-tien-khi-ep-ruou-bia-ranh-gioi-nao-giua-moi-va-ep-20200930125713099.htm