Phát triển bảo hiểm y tế vì sức khỏe toàn dân
Bảo hiểm Y tế (BHYT) là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của quốc gia để chăm sóc sức khỏe nhân dân, huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn..., thực hiện công bằng và nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, khẳng định, nhờ có thẻ BHYT, nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua được giai đoạn khó khăn khi có quỹ BHYT chi trả các chi phí khám và điều trị bệnh. Nhiều trường hợp, những người bệnh có chi phí lên tới hàng tỷ đồng/đợt điều trị đều đã được BHYT thanh toán. Có nhiều lợi ích to lớn khi tham gia BHYT. Đơn cử như trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí. Người tham gia BHYT sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia với các đối tượng thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo; tham gia theo hộ gia đình; người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên... Người tham gia BHYT được khám, chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT trên toàn quốc, được lựa chọn cơ sở KCB gần địa chỉ nơi đang sinh sống để đăng ký KCB ban đầu và có thể thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu. Khi KCB đúng quy định sẽ được quỹ BHYT chi trả 80-100% chi phí KCB tùy từng đối tượng.
Chính sách BHYT từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Đây cũng là cơ chế tài chính y tế quan trọng giúp người dân khi ốm đau không bị rơi vào cảnh nghèo đói, đặc biệt đối với những trường hợp bệnh nặng, bệnh mãn tính điều trị kéo dài hay những bệnh cần phẫu thuật... Về vấn đề này, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Dược và Vật tư y tế, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, cho biết, tính từ đầu năm 2019 đến ngày 18-6-2020, quỹ BHYT đã chi trả cho bệnh nhân nặng có chi phí KCB đặc biệt cao: 58 bệnh nhân có tổng chi phí hơn 1 tỷ đồng/đợt điều trị nội trú; 12 bệnh nhân có tổng chi phí từ hơn 2 tỷ đồng/đợt điều trị. Ví dụ, một số bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả lớn như trường hợp một bệnh nhân có thẻ BHYT do BHXH TP Hồ Chí Minh phát hành, quyền lợi hưởng BHYT 100%, bệnh nhân đã điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 12-7-2019 đến 26-8-2019 với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn. Tổng chi phí KCB BHYT của bệnh nhân này là 2,02 tỷ đồng. Một ví dụ khác là bệnh nhân có thẻ BHYT do BHXH tỉnh Hải Dương phát hành thuộc đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, quyền lợi hưởng BHYT 100%, tổng chi phí KCB BHYT của bệnh nhân này là 2,1 tỷ đồng.
Ngoài những lợi ích to lớn về quyền lợi khi tham gia BHYT thì những ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong KCB BHYT ngày càng tạo thuận lợi cho người tham gia. Các thông tin về thẻ BHYT được tra cứu trực tuyến và cập nhật trực tiếp vào phần mềm quản lý KCB của cơ sở y tế, giúp giảm đáng kể thời gian chờ KCB BHYT của người tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức KCB BHYT, quản lý quỹ BHYT của các cơ sở KCB và của cơ quan BHXH. Các trường hợp gia hạn thẻ BHYT, đủ điều kiện miễn cùng chi trả được cập nhật kịp thời trên hệ thống, giúp người bệnh được bảo đảm đầy đủ quyền lợi KCB ngay khi đang điều trị tại bệnh viện. Người bệnh có thể tự tra cứu thông tin về chi phí điều trị, các dịch vụ đã sử dụng, minh bạch quyền lợi hưởng BHYT; đồng thời, tăng cường vai trò tham gia kiểm soát sử dụng quỹ KCB của người tham gia BHYT.
Hiện nay, Bộ Y tế đã và đang quyết liệt triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý khám, chữa bệnh (KCB) và thanh toán chi phí KCB BHYT trong toàn ngành, với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế, trong giám định chi phí và thanh toán BHYT, góp phần tăng độ chính xác và hiệu quả trong quản lý nhà nước về BHYT. Việc sớm triển khai ứng dụng CNTT đặc biệt quan trọng không chỉ trong việc bảo đảm tính kịp thời, minh bạch trong giám định và thanh toán chi phí mà còn bảo đảm việc quản lý, sử dụng dịch vụ y tế khi có sự liên thông giữa các cơ sở KCB, bảo đảm kiểm soát việc tiếp cận và cung ứng dịch vụ y tế đối với người có thẻ BHYT là phù hợp, hiệu quả, tránh lạm dụng từ phía người bệnh và người cung cấp dịch vụ. Cùng với đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Khi đi KCB, thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử, bác sĩ sẽ được cung cấp tiền sử bệnh tật và quá trình KCB một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị, đồng thời giảm bớt chi phí KCB không thực sự cần thiết. Từ đó nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật BHYT nhằm hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân.