Phát triển bền vững các vùng sinh thái trong điều kiện biến đổi khí hậu

Chương trình 'Nghiên cứu phát triển bền vững các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh An Giang trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020' đã khuyến khích, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và các giải pháp công nghệ vào sự phát triển bền vững các vùng sinh thái. Qua 5 năm triển khai đã đạt được nhiều kết quả, đồng thời hoàn thành đánh giá hiện trạng các vùng sinh thái đặc trưng của tỉnh và hoàn thành rà soát, đánh giá hiện trạng quản lý cơ sở dữ liệu về khí tượng thủy văn ở An Giang.

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản ở búng Bình Thiên

Biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, biểu hiện rõ nét là nhiệt độ tăng cao, hạn hán, triều cường kỷ lục và sạt lở bờ sông diễn biến nghiêm trọng. Đặc biệt, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, tài nguyên nước, xây dựng, đô thị, du lịch và đời sống của nhân dân. Tổng lượng mưa mùa khô năm 2019-2020 tại 11 huyện, thị xã, thành phố thiếu hụt từ 2.1-181.7mm so với trung bình nhiều năm. Mực nước trên các sông, kênh trên địa bàn tỉnh xuống thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 10-45cm gây khó khăn và làm gia tăng chi phí bơm tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Lưu tốc dòng chảy nhỏ, hàm lượng ô-xy giảm ảnh hưởng nuôi trồng thủy sản.

Xâm nhập mặn do ảnh hưởng của Biển Tây đối với các khu vực tiếp giáp Kiên Giang. Kết quả thực đo độ mặn tại tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020 cho thấy, độ mặn tại khu vực huyện Thoại Sơn dao động ở mức từ 0,08-1,3‰ (cao nhất vào năm 2016) và huyện Tri Tôn ở mức từ 0,08-1,9‰ (cao nhất vào năm 2016). Độ mặn từ cửa sông tỉnh Kiên Giang đã xâm nhập vào nội đồng tỉnh An Giang năm 2016 ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống tại 2 huyện Thoại Sơn và Tri Tôn, năm 2020 do kiểm soát tốt cống ngăn mặn từ phía Kiên Giang nên đã ngăn chặn ảnh hưởng xâm nhập mặn vào An Giang.

Triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh An Giang ban hành kế hoạch triển khai thực hiện tại Quyết định số 3110/QĐ-UBND ngày 25-12-219. Theo đó, đề ra mục tiêu từng giai đoạn đến năm 2030, 2050 và 2100. Ngoài ra, trong kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm đều có lồng ghép các chỉ tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, về đầu tư công: đối với chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh An Giang có 4 dự án, trong đó 2 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 sang giai đoạn 2016-2020 và 2 dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016-2020, với tổng vốn phê duyệt là 1.061.948 triệu đồng, trong đó 1 dự án hoàn thành năm 2016, dự kiến trong năm 2020 sẽ nghiệm thu hoàn thành 3 dự án còn lại. Về thu hút đầu tư, giai đoạn 2016-2020, An Giang thu hút được 89 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, với tổng vốn đăng ký 19.082 tỷ đồng… Đồng thời, tỉnh xây dựng hệ thống thủy lợi, các hồ chứa đa mục tiêu, hệ thống cấp nước thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng cải tạo các kè, xây dựng các cụm, tuyến dân cư; nâng cấp hạ tầng, phát triển đô thị thông minh thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu; xử lý rác thải và nước thải…

Sở Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện chương trình “Nghiên cứu phát triển bền vững các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh An Giang trong điều kiện biến đổi khí hậu, giai đoạn 2016-2020”. Các nhà quản lý, các chuyên gia tập trung chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, sử dụng bền vững, hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; việc ứng dụng khoa học - công nghệ, các công trình nghiên cứu phục vụ thực tiễn công tác quản lý.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Hoàng Môn cho biết, đây là một trong các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ trọng điểm của tỉnh nhằm thực hiện Chương trình hành động số 18-Ctr/TU ngày 28-2-2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Mục tiêu chương trình nhằm định hướng cho hoạt động phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ… phục vụ khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng hợp lý, bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Sở Tài nguyên và Môi trường được UBND tỉnh giao chủ trì phối hợp các sở, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.

Qua 5 năm triển khai, đã tiếp nhận 94 đề tài cấp tỉnh, 4 đề tài cấp cơ sở và 15 chuyên đề từ các chuyên gia ở các viện, trường đại học. Tổ chức thành công 3 hội thảo khoa học để tham vấn ý kiến chuyên gia trong định hướng ứng dụng khoa học - công nghệ, kiến thức về sinh thái và phát triển bền vững vào điều kiện thực tiễn của địa phương. Tổ chức 4 lớp đào tạo, tập huấn các công nghệ thân thiện môi trường, kiến thức về bảo vệ môi trường dựa trên các hệ sinh thái của tỉnh; hỗ trợ 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh.

Hoàn thành đánh giá hiện trạng các vùng sinh thái đặc trưng của tỉnh là: lưu vực sông Tiền, sông Hậu; vùng Bảy Núi và vùng Tứ giác Long Xuyên. Kết quả đã cơ bản đề xuất phân chia chi tiết các tiểu vùng sinh thái (trong vùng sinh thái chính) trên cơ sở chức năng môi trường từng vùng. Theo đó, lưu vực sông Tiền, sông Hậu có 5 tiểu vùng sinh thái; vùng Bảy Núi có 4 tiểu vùng sinh thái và vùng Tứ giác Long Xuyên có 6 tiểu vùng sinh thái. Đồng thời, hoàn thành rà soát, đánh giá hiện trạng quản lý cơ sở dữ liệu về khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đánh giá hiện trạng về trang thiết bị nhân lực, sự kết nối thông tin quản lý khí tượng thủy văn của tỉnh và đưa ra đề xuất để phục vụ tốt công tác dự báo, quan trắc…

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-trien-ben-vung-cac-vung-sinh-thai-trong-dieu-kien-bien-doi-khi-hau-a287541.html