Phát triển bền vững cây ăn quả có múi ở các tỉnh phía bắc (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Tìm đầu ra cho sản phẩmMặc dù là cây trồng chủ lực ở một số địa phương, nhưng hiện nay sản xuất cây ăn quả có múi ở phía bắc đang phát triển 'nóng' ngoài quy hoạch, thiếu liên kết sản xuất... khiến đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định. Để giải bài toán này, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa có sự liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm bao tiêu sản phẩm.

Người dân huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) thu hoạch cam sành.

Người dân huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) thu hoạch cam sành.

Bài 2: Tìm đầu ra cho sản phẩm

Mặc dù là cây trồng chủ lực ở một số địa phương, nhưng hiện nay sản xuất cây ăn quả có múi ở phía bắc đang phát triển “nóng” ngoài quy hoạch, thiếu liên kết sản xuất... khiến đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định. Để giải bài toán này, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa có sự liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm bao tiêu sản phẩm.

Rủi ro khi phá vỡ quy hoạch

Trong một thời gian dài, cây ăn quả có múi trên địa bàn cả nước nói chung, ở phía bắc nói riêng được mùa, được giá khiến người dân ồ ạt mở rộng diện tích dẫn đến phát triển “nóng” hoặc trồng ngoài vùng quy hoạch. Hệ lụy từ vấn đề này đã được kiểm chứng khi thời gian gần đây, do thị trường tiêu thụ cây ăn quả có múi ở phía bắc chủ yếu trong nước cung vượt cầu, giá xuống thấp, đầu ra cho sản phẩm không ổn định, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chưa nhiều ảnh hưởng đến thu nhập của nhân dân. Bài toán đặt ra là làm sao kiểm soát quy hoạch, nâng cao chất lượng, cũng như xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, tạo thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ để phát triển bền vững cây ăn quả có múi thời gian tới.

Qua rà soát đầu năm 2021, trên địa bàn huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) chỉ còn 6.974 ha trồng cam, giảm 296 ha so với vụ trước. Trong đó, khoảng 150 ha cam đã già cỗi, số còn lại người dân tự chặt bỏ để chuyển đổi sang cây trồng khác. Theo những người dân địa phương, diện tích cam có nguy cơ chặt bỏ sẽ tăng cao trong thời gian tới do giá liên tục giảm. Đây là hậu quả của một thời gian cây cam phát triển quá “nóng”, người dân ồ ạt trồng không theo quy hoạch của tỉnh và huyện. Vì vậy, hai năm trở lại đây do giá cam xuống, tiêu thụ chậm nên thu nhập của nhân dân cũng bị ảnh hưởng. Vụ cam năm 2020 - 2021, toàn huyện có 4.986 ha cam trong giai đoạn cho thu hoạch với năng suất khoảng 170 tạ/ha, ước sản lượng đạt 85.000 tấn quả. Vào đầu vụ cam, giá bán tại vườn khoảng 6 đến 7 nghìn đồng/kg và chủ yếu bán cho thị trường miền trung (tới 80%). Thế nhưng, sau đợt mưa, lũ kéo dài ở miền trung, giá cam xuống chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg, dù giá xuống thấp nhưng sản lượng bán cũng chẳng được bao nhiêu. Tiếp đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến lượng tiêu thụ càng chậm, giá cam tiếp tục xuống thấp. Nhiều hộ trồng cam còn chỉ bán với mức gần 2.000 đồng/kg, có những hộ còn không bán được cam. Ông Phạm Trung Hòe, tổ Yên Thịnh, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) cho biết, gia đình có 1,2 ha cam, vụ trước (do mới bắt đầu được thu hoạch) đã bán được 40 triệu đồng. Vụ này, đầu tư chăm sóc, phân bón… gần 20 triệu đồng nhưng đến kỳ thu hoạch cam không có người mua nên gia đình tôi đang tính chặt bỏ cam để trồng cây khác. Tương tự như vậy, gia đình ông Phạm Văn Bắc ở tổ Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên cho biết, vào vụ, vườn cam của gia đình cho thu khoảng 40 tấn nhưng bán được 10 tấn, rụng mất khoảng 10 tấn, số còn lại không có khách mua.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ cho biết: Do giá trị cây ăn quả có múi mang lại khá lớn nên diện tích trồng trên địa bàn thời gian qua có xu hướng phát triển “nóng”, có một số loại diện tích vượt so quy hoạch của tỉnh. Theo Quyết định số 3773 năm 2016 của UBND tỉnh về quy hoạch phát triển cây ăn quả có múi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, diện tích cây trồng này đến năm 2020 là 8.270 ha, nay đã vượt 1.641 ha. Thực tế do lợi ích cây cam đem lại rất lớn nên người dân đua nhau trồng cam. Thậm chí, nhiều gia đình phá bỏ diện tích trồng mía để chuyển sang trồng cam. Ngoài ra, với mong muốn đạt lợi nhuận cao, người dân đã dùng nhiều biện pháp “cưỡng bức” để cam sai quả khiến cây giảm tuổi thọ. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, nhiều vườn cam ở các nông lâm trường vùng tây Nghệ An có tuổi đời khoảng 15 đến 20 năm, cá biệt có cây lên đến 25 năm thì nay chỉ còn 10 đến 12 năm. Cùng với đó, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ đã làm thoái hóa đất; chưa kể khâu quản lý chất lượng giống còn nhiều bất cập, nhiều cơ sở sản xuất và bán giống ngoài tầm kiểm soát, bán giống kém chất lượng. Đây cũng chính là những tác nhân để sâu bệnh phát sinh gây hại nhiều, nhất là những vùng trồng cam tập trung. Qua thống kê, hai năm gần đây, diện tích cam bị dịch bệnh, cho chất lượng quả kém, già cỗi buộc phải chặt bỏ lên đến hàng nghìn héc-ta. Riêng huyện Quỳ Hợp có hơn 1.000 ha cam đã phải phá bỏ để trồng lại hay luân canh đất trong hai năm qua. Ông N.N.A ở xóm Thọ Thành, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp cho biết: Gia đình ông đã bỏ ra hơn 200 triệu đồng đầu tư 0,5 ha cam, giống Xã Đoài lòng vàng từ năm 2016. Những tưởng sau khi thu hoạch bói sẽ cho thu nhập khá, không ngờ vườn cam phát triển ngày một còi cọc, chất lượng quả cũng kém. Bỏ thì tiếc vì chưa thu hồi được vốn mà đầu tư thêm cũng không hiệu quả.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ cho rằng, “thời gian qua cây cam trên địa bàn phát triển “nóng”. Nguyên nhân là do thời gian trước, thấy trồng cam có hiệu quả nên nông dân ồ ạt trồng. Nhiều diện tích trồng không trong vùng quy hoạch trồng cây ăn quả có múi của tỉnh. Ở một số nơi, nhân dân trồng theo kiểu phong trào, chăm sóc không đúng quy trình, lựa chọn giống không bảo đảm khiến chất lượng quả kém, dẫn đến khó tiêu thụ. Không những vậy, nhiều sản phẩm cam khó tiêu thụ hoặc giá rẻ do cung vượt cầu vì thời gian thu hoạch ngắn”. Bà Trần Thị Luyến, tiểu khu 1, thị trấn Cao Phong huyện Cao Phong (Hòa Bình) chia sẻ, gia đình bà trồng 8.000 m2, trong đó có 3.000 m2 trong kỳ thu hoạch. Vụ cam năm vừa qua, thu được khoảng bốn tấn cam. Nhưng do giá xuống thấp chỉ còn từ 13 đến 18 nghìn đồng/kg nên thu nhập còn khoảng 70 triệu đồng.

Thay đổi phương thức sản xuất

Là cây trồng chủ lực ở Nghệ An góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho nhiều hộ dân, nếu những năm trước khi giá cam có những thời điểm 30 đến 40 nghìn đồng/kg thì giá trị mang lại rất lớn, có nhiều diện tích đạt hơn một tỷ đồng/ha. Hiện nay, cam Vinh lại càng nổi tiếng hơn khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý với diện tích gần 6.900 ha ở 72 xã. Do được cấp chỉ dẫn địa lý đã tạo động lực để người trồng cam mạnh dạn đầu tư theo hướng sạch, an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Ông Vi Văn Đậu, Chủ tịch UBND xã Yên Khê, huyện Con Cuông cho biết: Mặc dù cam trồng ở Yên Khê nức tiếng thơm, ngọt nhưng trước đây do không nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý nên người trồng cam phải bán với giá thấp hơn hẳn so với cam nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh được dán tem truy xuất nguồn gốc. Vừa qua, vùng trồng cam của xã đã nằm trong vùng cấp chỉ dẫn địa lý cam Vinh nên người trồng cam rất phấn khởi vì giá cam bán tại vườn luôn dao động ở mức từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg. Nhờ trồng cam mà nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Khê đổi đời, khi xây được nhà tầng, mua sắm các đồ dùng hiện đại, điều mà trước đây họ luôn mơ ước. Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, Nguyễn Tiến Đức cho biết thêm: Để tạo đà phát triển thương hiệu cam Vinh phục vụ việc tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển cây ăn quả có múi đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Bên cạnh đó, tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây cam như: cơ chế chính sách quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cam Vinh, xây dựng mô hình sản xuất cam VietGAP, hỗ trợ về công nghệ bảo quản cam, tổ chức hội chợ thương mại, quảng bá sản phẩm cam... Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Việt cho biết, tháng 10-2020, sản phẩm cam sành Hàm Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, giúp cam sành Hàm Yên được truy xuất nguồn gốc, tăng cơ hội cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt (Bộ NN và PTNT) cùng với sự tăng trưởng diện tích, sản lượng, sản xuất cây có múi nước ta nói chung, phía bắc nói riêng đang còn nhiều hạn chế do cơ cấu giống địa phương là chủ yếu. Trong đó, nhiều giống có mẫu mã, chất lượng chưa cao, giống thoái hóa, có nhiều hạt, làm giảm sức cạnh tranh và khó khăn cho chế biến. Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất cây ăn quả có múi chưa được phổ biến rộng rãi. Hơn nữa, việc thực hiện quy trình kỹ thuật canh tác còn nhiều bất cập như: lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước, bùng phát dịch bệnh và ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm; một số nơi, trồng cam ở nơi có độ dốc lớn gây khó khăn cho canh tác, thu hái. Cùng với đó, giá thành sản xuất còn khá cao, làm giảm sức cạnh tranh, nguyên nhân là do năng suất thấp và chưa ổn định, chuỗi giá trị còn quá nhiều khâu trung gian.

Để phát triển bền vững, nâng cao giá trị cây có múi, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tiếp tục rà soát các vùng sản xuất cam, bưởi hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung. Cùng với đó, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ nguồn giống nhằm bảo đảm chất lượng cây trồng phục vụ sản xuất cho nhân dân; đẩy mạnh việc mở rộng sản xuất áp dụng quy trình VietGAP cũng như sản xuất theo chuỗi, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ đầu tư phát triển cây ăn quả có múi gắn với đầu tư công nghệ sau thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời các địa phương cần quan tâm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chế biến và kết nối mở rộng thị trường nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, thực hiện dán tem nhãn nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo thị trường và xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm…

Theo Cục Trồng trọt, tại các địa phương phía bắc, trong giai đoạn 2009 - 2019, tốc độ tăng trưởng cây có múi bình quân 10%/năm về diện tích và 12,5%/năm về sản lượng. Trong đó, cây bưởi giai đoạn 2013 - 2019 có tốc độ tăng trưởng ở mức 21,3% diện tích và 19,7% về sản lượng. Cũng trong giai đoạn này, cây cam tăng bình quân 17,6%/năm về diện tích và 21,3%/năm về sản lượng.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 12-4-2021.

Bài, ảnh: TRUNG HÙNG, CHUNG GIANG và HẢO CHÂU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chuyen-lam-an/phat-trien-ben-vung-cay-an-qua-co-mui-o-cac-tinh-phia-bac-tiep-theo-va-het--641789/