Phát triển bền vững cây cam Sành

Hiện thực hóa Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 1.12.2020, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04 NQ/TU về phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Cam Sành xã Hương Sơn (Quang Bình) vào vụ thu hoạch.

Cam Sành xã Hương Sơn (Quang Bình) vào vụ thu hoạch.

Thăng trầm cam Sành

Nhìn lại những năm 80, 90 của thế kỷ trước - thời kỳ hoàng kim của cam Sành Hà Giang; vào vụ, ở mọi khu chợ, cửa hàng hoa quả khắp các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Trung du miền núi phía Bắc, cam Sành Hà Giang luôn là sự lựa chọn hàng đầu và là sản phẩm đặc sản, nổi tiếng, đắt tiền chỉ có những gia đình có kinh tế khá giả hoặc người bệnh, ốm yếu cần bồi bổ sức khỏe mới được ăn cam, uống nước cam.

Đầu những năm 2000, ảnh hưởng suy thoái kinh tế, do diện tích lớn, sản lượng cao trong khi không thể tiêu thụ, giá bán thấp, người trồng cam điêu đứng, nhiều nhà vườn đã chặt bỏ cây cam Sành để trồng các loại cây ăn quả, lâm nghiệp có giá trị hơn thời điểm đó. Xác định cam Sành là cây nông nghiệp chủ lực, đã khẳng định được thương hiệu, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đến nay, cây cam Sành được tỉnh đặc biệt quan tâm khôi phục diện tích, thương hiệu bằng khuyến khích, hỗ trợ trồng mới, cải tạo vườn cũ, chuyển giao kỹ thuật canh tác, thu hoạch, tem, nhãn, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, thành lập Hiệp hội trồng cam Hà Giang, công nhận quy trình sản xuất VietGAP… Đặc biệt là sản phẩm cam Sành Hà Giang đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chỉ dẫn địa lý. Trồng cam đã trở thành sinh kế, tạo việc làm ổn định, thu nhập khá góp phần thoát nghèo cho hàng nghìn hộ dân. Nhiều nhà vườn, HTX có thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng sau mỗi vụ cam.

Tuy nhiên, thời gian qua việc phát triển cây cam Sành vẫn chưa đảm bảo theo quy hoạch; việc xác định giống để trồng mới không đảm bảo chất lượng; đầu tư thâm canh thấp, chưa áp dụng chăm sóc theo quy trình kỹ thuật bảo tồn gen, dẫn tới mẫu mã quả xấu; thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định; công tác quảng bá thương hiệu đặc sản cam Sành Hà Giang chưa được chú trọng, ít người biết đến; nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa còn hạn chế; chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào bảo quản, chế biến sản phẩm của cây cam Sành… Do khoảng cách địa lý với các thị trường tiêu thụ lớn, hạ tầng giao thông đến tỉnh và các khu trồng cam còn khó khăn, chất lượng cam chưa ổn định… nên những năm gần đây giá bán cam tại vườn bình quân chỉ đạt 5 đến 7 nghìn đồng/kg. Giá bán lẻ dao động từ 10 đến 20 nghìn đồng/kg tùy từng thời điểm. Giá bán trên được cho là thấp hơn nhiều so với các vùng trồng cam khác trong cả nước.

Tập trung nâng cao chất lượng, giá trị

Cây cam Sành đã được tỉnh quy hoạch phát triển diện tích khoảng 5.000 ha ở các vùng trồng cam trọng điểm của huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Tuy nhiên diện tích cam Sành toàn tỉnh hiện tại đã đạt 7.079 ha. Với diện tích lớn, sản lượng cao, trong khi thị trường tiêu thụ chủ yếu là bán lẻ, không ổn định nên có thời điểm các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã phải kêu gọi “giải cứu cam”.

Đồng chí Giang Đức Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Nhận diện rõ những vấn đề bất cập trong phát triển cây cam Sành, ngày 1.12.2020, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04 để định hướng, tập trung lãnh, chỉ đạo phát triển bền vững cây cam Sành. Với quan điểm: Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm cam Sành trở thành cây ăn quả đặc trưng thương hiệu của Hà Giang; hướng tới mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, phát triển cây cam Sành gắn với phát triển nông nghiệp hàng hóa đặc trưng, đáp ứng việc liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo môi trường sinh thái, nâng cao đời sống, thu nhập, tạo việc làm cho người dân. Mục tiêu của Nghị quyết, đến năm 2025: Duy trì ổn định diện tích cam Sành toàn tỉnh là 5.000 ha, tập trung tại 38 xã của 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý; tập trung cải tạo, áp dụng đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm với diện tích 2.000 ha. Đến năm 2030: Cải tạo, áp dụng đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đối với 3.000 ha còn lại, để đảm bảo toàn bộ 5.000 ha cam Sành đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Ngày 9.12.2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 58 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, người trồng cam có thể được hỗ trợ vay vốn để nâng cao chất lượng cây cam Sành với lãi suất 0%, định mức vay 60 triệu đồng/ha. Đồng thời được hỗ trợ bảo tồn gen với định mức 500.000 đồng/cây đầu dòng/năm; hỗ trợ cước vận chuyển tiêu thụ cam VietGAP, hữu cơ tiêu thụ ngoài tỉnh 100.000 đồng/tấn. Ngoài ra các hộ trồng cam còn được hỗ trợ giống tốt, chuyển giao kỹ thuật, quảng bá sản phẩm; các tổ chức, cá nhân đầu tư nhà máy chế biến sản xuất, tiêu thụ các loại cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh cũng được hỗ trợ 100% chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng như: điện, nước, giao thông, xử lý nước thải; với định mức tối đa lên tới 2 tỷ đồng/dự án.

Bài, ảnh: DUY TUẤN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202101/phat-trien-ben-vung-cay-cam-sanh-770799/