Phát triển bền vững: Đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường

Phát triển bền vững là một chiến lược quan trọng để đảm bảo sự phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người.

Phát triển bền vững đang là mối quan tâm của toàn nhân loại, đây là thuật ngữ phổ biến được nhắc đến xuyên suốt trong các chiến lược phát triển của các quốc gia.

Trong tiếng anh phát triển bền vững là Sustainable Development. Chúng ta có thể hiểu đó là sự phát triển theo chiều hướng tích cực đem lại lợi ích cho nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Phát triển bền vững được coi là mô hình chuyển đổi có thể tối ưu các lợi ích kinh tế và xã hội trong hiện tại nhưng không gây hại tới tiền năng của những lợi ích kinh tế và xã hội trong tương lai.

Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ở hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai. Đây là định nghĩa được trích trong bản báo cáo "Tương lai chung của chúng ta" năm 1987 (Our Common Future hay còn gọi là Brundtland Report) của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (The World Commission on Environment and Development - WCED).

Vào những năm 1980, thuật ngữ phát triển bền vững ra đời khi Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources - IUCN) kêu gọi toàn cầu phát triển bền vững bằng cách bảo vệ các tài nguyên sinh vật. Vào thời điểm này, ý nghĩa của phát triển bền vững vẫn chỉ gói gọn trong phạm vi hẹp là hướng tới bảo vệ tài nguyên sinh vật.

Đến năm 2002, định nghĩa hoàn chỉnh của phát triển bền vững đã được bổ sung tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững được tổ chức tại thành phố Johannesburg, Cộng hòa Nam Phi. Có thể nói, phát triển bền vững chính là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Hiện nay, nhân loại đang phải gánh chịu thiệt hại do chính con người gây ra trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội mà không lường trước tới hậu quả tương lai. Đó chính là những cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn do hoạt động vô trách nhiệm của ngân hàng gây ra hay sự thay đổi khí hậu toàn cầu do con người sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí đốt... Chúng ta gọi đó là sự phát triển không bền vững.

Sự phát triển không bền vững đã gây ra một loạt những vấn đề nghiêm trọng như sự nóng lên của Trái đất, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, bất bình đẳng nền kinh tế và xã hội, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên. Sự gia tăng của các sự kiện thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán, và cháy rừng gây thiệt hại về người và tài sản. Các quốc gia phải chi trả nhiều nguồn lực để ứng phó và phục hồi sau thiên tai. Tất cả những hệ lụy này đều ảnh hưởng tới thế hệ tương lai sau này. Do đó, mục tiêu phát triển bền vững ra đời. Nó là mô hình đem tới lợi ích cho hiện tại mà không làm ảnh hưởng tới lợi ích của tương lai.

Một số giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế và cải cách thủ tục hành chính, tạo ra các chính sách và quy định rõ ràng; tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm trong việc quản lý tài nguyên và đầu tư. Cùng với đó, cần tăng cường việc giám sát và thực thi các quy định một cách công bằng và minh bạch, giảm bớt các rào cản và thủ tục phức tạp, đơn giản hóa quy trình hành chính.

Thứ hai, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, đưa ra chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, cũng như đẩy mạnh việc phát triển các dự án điện mặt trời và gió. Đồng thời, thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông sạch.

Thứ ba, tăng cường giáo dục và nhận thức công chúng để thúc đẩy phát triển bền vững thông qua các chương trình giáo dục, hoạt động truyền thông và chiến dịch tuyên truyền. Đồng thời, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh giúp tạo ra các giải pháp hiệu quả và thúc đẩy sự tiến bộ trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Thứ tư, xây dựng các chính sách hỗ trợ và khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững. Điều này có thể bao gồm: việc thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, phát triển công nghiệp xanh, khuyến khích sử dụng sản phẩm tái chế và tái sử dụng.

Bích Ngọc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/phat-trien-ben-vung-dam-bao-phat-trien-kinh-te-di-doi-voi-bao-ve-moi-truong-95920.html