Phát triển bền vững đô thị Hà Nội: Hãy bắt đầu từ không gian xanh

Ngày nay, phát triển đô thị bền vững, đô thị thích ứng biến đổi khí hậu hay đô thị Net Zero không còn là khuyến cáo, mà đã trở thành nhiệm vụ, là mục tiêu hướng đến của đô thị Việt Nam trong Kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

1. Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị nhanh, thiếu tính bền vững ở nước ta những thập kỷ qua đã và đang làm cho Hà Nội và nhiều đô thị lớn trên cả nước phải đối mặt với những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, trong đó có tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Sự bùng nổ thiếu kiểm soát về dân số, về các phương tiện giao thông cá nhân; tần suất sử dụng thiết bị điều hòa nhiệt độ, thiết bị làm lạnh ngày càng cao; quá trình thi công xây dựng ồ ạt các dự án kiến trúc và công trình giao thông… làm gia tăng các loại khí nhà kính như: CO2, CH4, CFC, Ozon… tăng khả năng hấp thụ nhiệt của môi trường khí quyển, làm cho nhiệt độ đô thị tăng cao.

Để giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, cải thiện môi trường sống, thì không gian xanh (KGX) trong đô thị là yếu tố cực kỳ quan trọng. KGX là một phạm trù rộng, bao gồm: cây xanh trên hè phố, công viên, thảm cỏ, cây xanh, bồn hoa trong khuôn viên nhà ở, công trình công cộng, lâm viên, dải cây xanh bao quanh TP, mặt nước sông, hồ, đầm trong đô thị…

KGX ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe thể chất của con người. KGX làm giảm ô nhiễm tiếng ồn, KGX, cây xanh tạo bóng râm, làm chệch hướng bức xạ mặt trời, làm giảm nhiệt độ không khí dưới vùng cây xanh và tăng độ ẩm cho bầu khí quyển từ 2 - 5%.

KGX cũng có tác động cải thiện sức khỏe tinh thần, giúp con người có cái nhìn lạc quan hơn. KGX tạo điều kiện để con người và cộng đồng giao lưu, gắn kết với nhau, xây dựng mối quan hệ lành mạnh và mang lại sự thư giãn cho con người sau thời gian làm việc, học tập mệt mỏi, căng thẳng.

KGX cũng khuyến khích mọi người hoạt động thể thao như đi bộ, chạy bộ, đạp xe… để nâng cao sức khỏe. Với đô thị, KGX giúp chống lại nhiệt độ tăng cao, một vấn đề đang gia tăng do quá trình đô thị hóa, xây dựng hóa, dẫn đến ô nhiễm không khí gia tăng...

Cây xanh có khả năng lưu giữ một phần nước mưa, giữ cho mặt đất xốp cùng với hệ rễ cây đậm sâu xuống đất giúp cho nước mưa thẩm thấu nhanh xuống đất, làm giảm tình trạng úng ngập trong đô thị. Tán lá rộng lớn của cây xanh có khả năng điều tiết nhiệt độ, giảm sự bốc hơi của nước, từ đó, góp phần cải thiện vi khí hậu.

Và như thế, KGX, công viên, cây xanh, hạ tầng xanh không chỉ giúp thích ứng với biến đổi khí hậu; cải thiện môi trường không khí và nước; bảo vệ đa dạng sinh học mà còn mang lại lợi ích sức khỏe cộng đồng.

Công viên Hòa Bình - một trong những không gian xanh giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Công viên Hòa Bình - một trong những không gian xanh giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

2. Gần 40 năm qua, cùng với tốc độ đô thị hóa, hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội cũng được cải tạo, nâng cấp mở rộng. Hàng nghìn vạn công trình kiến trúc mới được xây dựng trong không gian đô thị.

Trong khi đó, KGX trong đó có hệ thống cây xanh, công viên, sông hồ trong đô thị vẫn còn yếu kém về số lượng, chất lượng. So với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỷ lệ diện tích đất dành cho KGX còn rất thấp.

Hệ thống cây xanh trồng mới chưa phù hợp với cảnh quan kiến trúc, chưa thật sự tạo dựng nét đặc trưng mới, bản sắc riêng cho Hà Nội. Hậu quả do bão số 3 gây ra vừa qua đã cho thấy những lỗ hổng trong công tác quản lý, trồng mới, bảo dưỡng và chăm sóc cây xanh.

Những năm qua, Hà Nội là TP có nhiều cố gắng phát triển cây xanh đô thị, với Chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2020, hay giai đoạn 2021 - 2025, trồng 500.000 cây xanh đô thị. Tuy nhiên vì nhiều lý do, mục tiêu trên chưa thể hoàn thành.

Hay thực trạng nhiều công viên trong TP đang xuống cấp vẫn chưa được quan tâm đầu tư, cải tạo để trở thành các không gian xanh công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của cộng đồng.

Sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ vẫn còn bị ô nhiễm nặng nề mặc dù chính quyền TP đã rất quyết tâm, đầu tư một nguồn kinh phí lớn để cải tạo với mong muốn trả lại sự trong xanh cho các dòng sông cổ này…

Ông Fumihisa Miyoshi, một chuyên gia cao cấp về phát triển đô thị của tổ chức JICA đã từng nhận xét, việc các đô thị Việt Nam (trong đó có Hà Nội) thiếu cây xanh có nguyên nhân từ ý thức con người, từ người quy hoạch, quản lý cho đến người dân, trong việc phát triển và gìn giữ một môi trường xanh.

Quy hoạch và quản lý đô thị ở nước ta vẫn còn bị ảnh hưởng của tập quán bao cấp, chủ yếu dựa vào các nguyên tắc thiết kế tĩnh, thiếu linh hoạt theo hướng thị trường, trước biến đổi khí hậu.

Việc phát triển hệ thống cây xanh trong đô thị không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước, mà rất cần sự hỗ trợ, tham gia, đóng góp của các tổ chức, DN, cộng đồng và người dân, theo tinh thần “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Cần phải để người dân đô thị hiểu rằng, giữ gìn, chăm sóc, bảo vệ KGX, cây xanh, công viên, mặt nước sông hồ… nơi họ sống, làm việc là bảo vệ môi trường sống vì chính lợi ích của bản thân, gia đình họ và của cả cộng đồng cư dân đô thị, góp phần tạo nên môi trường sống hạnh phúc, đô thị hạnh phú và phát triển bền vững.

3. Hà Nội đã và đang tích cực phát triển KGX trong đô thị. Không gian đi bộ xung quanh các hồ như: Hoàn Kiếm, Thiền Quang, Ngọc Khánh, Trúc Bạch xanh mướt bóng cây, rực rỡ sắc hoa đã trở thành những không gian cảnh quan, không gian sáng tạo, điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là những người trẻ.

Khu vực bãi Phúc Xá, Phúc Tân ngoài đê sông Hồng đang là những ví dụ sinh động tạo dựng không gian xanh, không gian công cộng hấp dẫn, khởi đầu của việc hình thành những dải cây xanh theo kiểu “rừng trong phố”, góp phần làm thay đổi cảnh quan vốn nhếch nhác vì rác thải và ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng sống cho hàng vạn cư dân khu vực này.

Chúng ta đang trong thời kỳ phát triển mới với chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, đô thị xanh, trí tuệ nhân tạo (AI) và Net Zero tất cả đều hướng tới phát triển bền vững.

Phát triển đô thị bền vững thích ứng biến đổi khí hậu, vì môi trường sống an toàn bền vững cho con người là xu thế tất yếu mà trong đó không thể thiếu KGX, cây xanh đô thị.

Hiện nay, Hà Nội đang quyết tâm hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường trong khu vực nội đô; đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại như metro; phát triển KGX trong và ngoài đô thị bằng việc tạo ra tại nhiều loại không gian khác nhau, bao gồm cả những lô đất trống, các dự án treo chưa được sử dụng hết, hoặc hoàn toàn chưa được sử dụng trong nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

Được như vậy, tôi tin, trong một vài năm tới, không gian đô thị Hà Nội sẽ xanh hơn, thân thiện hơn, bớt ô nhiễm hơn, đóng góp tích cực vào phát triển bền vững, hướng tới đô thị Net Zero vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ ta tại Hội nghị COP 26. Và đó cũng là việc làm thiết thực, chống lãng phí nguồn lực, đất đai mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra trong một bài viết quan trọng gần đây.

KTS Phạm Thanh Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-ben-vung-do-thi-ha-noi-hay-bat-dau-tu-khong-gian-xanh.html