Phát triển bền vững không gian biển gắn với kinh tế biển vùng Tây Nam bộ
Sáng 3-12, tại TP. Phú Quốc (Kiên Giang), UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức hội thảo phát triển bền vững không gian biển gắn với kinh tế biển vùng Tây Nam bộ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình đến dự. Hội thảo nhận hơn 50 bài tham luận của các nhà khoa học, học giả, kiến trúc sư trong và ngoài nước gửi tham dự.
MONG MUỐN KIÊN GIANG LÀ NƠI ĐÁNG SỐNG
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho rằng quy hoạch không gian biển sẽ đảm bảo việc khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trên các vùng biển.
Quy hoạch bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn biển và phát triển kinh tế - xã hội, phát huy các tiềm năng, lợi thế của biển và hải đảo, tạo động lực phát triển kinh tế của đất nước, vùng Tây Nam bộ, trong đó có tỉnh Kiên Giang.
Đồng chí Lê Quốc Anh cho biết những năm gần đây, tỉnh Kiên Giang có hơn 140 hòn đảo lớn, nhỏ và bờ biển dài hơn 200km, định hướng phát triển đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế, phát triển đô thị biển mang đặc trưng của Kiên Giang, mở rộng phát triển không gian đô thị về biển đối với TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên…
Việc quy hoạch không gian biển sẽ tạo động lực cho Kiên Giang thiết lập phương án sử dụng không gian biển, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng...
Đồng chí Lê Quốc Anh nhấn mạnh hội thảo phát triển bền vững không gian biển gắn với kinh tế biển vùng Tây Nam bộ với mong muốn phát triển Kiên Giang và vùng Tây Nam bộ bền vững, tăng trưởng xanh, là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.
Qua hội thảo góp phần vào sự phát triển chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long, phù hợp với mục tiêu, tầm nhìn, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 287/QĐ-TTg, ngày 28-2-2022 phê duyệt quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây cũng là cơ hội cho tỉnh Kiên Giang học tập, trao đổi kinh nghiệm để phấn đấu trở thành địa phương phát triển bền vững kinh tế biển, thực hiện chủ trương của Trung ương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội…
CẦN ĐẦU TƯ ĐỘT PHÁ
Tham luận tại hội thảo, Tiến sĩ Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng Kiên Giang cần xác định các thế mạnh của tỉnh, ngoài du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng (chủ yếu là Phú Quốc), các thế mạnh khác đều hao hao vùng miền, chưa xác lập được thế mạnh mỗi đô thị rõ ràng, nhất là đô thị biển. Cần nghiên cứu xác định thực sự các thế mạnh, để tập trung đầu tư đột phá.
“Hiện chúng tôi được biết mong muốn của tỉnh về mở rộng quy mô đất đai bằng lấn biến là rất lớn. Đây là một nhu cầu chính đáng, nhưng cần được tính toán kỹ sát với khả thi nguồn lực tài chính huy động và công năng, công suất sử dụng phù hợp tránh lãng phí. Không nên dàn hàng ngang đô thị, huyện dọc biển nào cũng lấn. Cách tích hợp số lượng cảng biển và sân bay trên đất lấn quá nhiều vừa lãng phí nguồn kinh phí xây dựng, vừa bị thừa, khó khai thác hết công suất các loại công trình này, dẫn đến lãng phí tổng thể”, Tiến sĩ Phan Đăng Sơn nói tại hội thảo.
Ông Larry Ng Lye Hock - Giám đốc đăng bạ Hội đồng Kiến trúc sư Singapore, Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN nêu giải pháp dựa trên tự nhiên để phát triển bền vững không gian biển gắn với kinh tế biển, bao gồm một loạt các phương pháp tiếp cận, cả các phương án công trình và phi công trình.
“Ví dụ, trồng rừng ngập mặn để bảo vệ bờ biển (kỹ thuật sinh thái mềm) và quản lý tổng hợp vùng ven biển (quản lý dựa trên sinh thái) đều được coi là cách tiếp cận các giải pháp dựa vào tự nhiên”, ông Larry Ng Lye Hock cho biết.
Ông Larry Ng Lye Hock nói: “Chúng tôi có kế hoạch hạ nhiệt độ tại các khu vực đã xây dựng của mình bằng cách tăng cường cây xanh đô thị thông qua các loại cây xanh trên bầu trời như những bức tường xanh thẳng đứng, mái nhà xanh và khu vườn trên sân thượng. Các nỗ lực bảo vệ bờ biển của chúng tôi sẽ được hỗ trợ bằng các giải pháp tự nhiên và cải thiện dựa vào tự nhiên”.