Phát triển bền vững là con đường tất yếu

Ngày 9-12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam tổ chức diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2021), với chủ đề 'Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau'.

Quang cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững sáng 9-12.

Sự kiện thu hút khoảng 150 đại biểu tham gia trực tiếp. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh tới dự.

Diễn đàn gồm các chuyên đề liên quan đến thực hiện “mục tiêu kép”; kinh tế tuần hoàn - tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững; tái thiết nền tảng quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới và tương lai số hóa; phòng ngừa, giải quyết tranh chấp phát sinh từ các dự án hợp tác công - tư (PPP).

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhận định, năm 2021 là năm mở đầu thập niên mới 2021-2030 và là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng hướng tới mục tiêu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao.

VCCI, các cơ quan hữu quan đưa ra các khuyến nghị trên cơ sở thảo luận tại các hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ VCSF 2021. Đối với các cơ quan nhà nước, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả…

Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh, nhìn nhận phát triển bền vững như con đường tất yếu và duy nhất để trụ vững trên thương trường toàn cầu; thiếp lập hệ thống liên kết mạng lưới các doanh nghiệp bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh…

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng chia sẻ về chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030; các cam kết, hành động đóng góp của doanh nghiệp thông qua các mô hình kinh doanh bền vững; định hướng chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số; những thông lệ quốc tế, nguyên tắc hoạt động, cơ chế phối hợp trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững toàn cầu.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ ra những điểm cốt lõi giúp cộng đồng doanh nghiệp có thể phát triển bền vững trong bối cảnh chung sống với đại dịch.

Thứ nhất, cần xác định và xây dựng văn hóa phát triển bền vững như là giải pháp phục hồi và phát triển trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Những doanh nghiệp có cam kết mạnh mẽ, bền bỉ, kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững trong nhiều năm qua đã tự tạo ra được “kháng thể” trước đại dịch, duy trì ổn định hoạt động và tăng trưởng, hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng trong việc thực hiện “mục tiêu kép”.

Thứ hai, ba trụ cột tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp bao gồm "Chuyển đổi số", "Đổi mới - Định hướng người tiêu dùng" và "Phát triển bền vững". Trong đó, yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công của chuyển đổi số là tư tưởng lãnh đạo và lộ trình phát triển công nghệ rõ ràng kết hợp với việc nâng cao năng lực của nhân viên để thích ứng với sự chuyển đổi. Cộng đồng doanh nghiệp cần phải chung tay với Chính phủ để cùng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cũng như xây dựng Việt Nam hưng thịnh, hạnh phúc và không để ai bị bỏ lại phía sau...

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1019468/phat%C2%A0trien%C2%A0ben%C2%A0vung%C2%A0la%C2%A0con%C2%A0duong%C2%A0tat%C2%A0yeu