Phát triển bền vững ngành da giày: Doanh nghiệp chủ động tái cơ cấu

Từ nay đến cuối năm, ngành da giày được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn về đầu ra. Để tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp (DN) trong ngành cần chủ động tái cơ cấu lại bộ máy, đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm gia tăng khả năng xuất khẩu (XK).

Khó đạt được mục tiêu

Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tháng 9 tăng 4,5% so với tháng trước, nhưng giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch XK giày dép các loại 9 tháng đầu năm ước đạt 12,08 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam - đánh giá: Ngành sản xuất, XK giày dép đang chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19. Kết quả sản xuất và kim ngạch XK 9 tháng đầu năm cho thấy, ngành khó có thể hoàn thành mục tiêu đạt kim ngạch XK 24 tỷ USD trong năm 2020.

Bà Phan Thị Thanh Xuân dẫn chứng, những thị trường tiêu thụ giày dép hàng đầu của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Đức… đều giảm nhập khẩu (NK) khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Trung Quốc, vốn chiếm 12% thị phần XK, nhưng 9 tháng qua đã giảm nhập giày dép, túi xách Việt Nam hơn 19%; các thị trường khác là Bỉ giảm 17%, Nhật Bản giảm 2%, Đức giảm trên 10%. Các DN giày dép, túi xách trong nước có khả năng sản xuất hơn 1,1 tỷ đôi giày và gần 400 triệu ba lô, túi xách mỗi năm. Khi không XK được, DN phải tạm ngưng hoặc giảm sản lượng sản xuất. Bởi thị trường trong nước không thể tiêu thụ hết. Nhiều DN da giày, túi xách đã chọn hướng quay lại thị trường nội địa, nhưng không khả quan, bởi năng lực cung của toàn ngành quá lớn, với hơn 1.700 DN sản xuất và giá sản phẩm thường cao hơn nhiều so với mặt bằng chi tiêu trong nước.

Xuất khẩu da giày năm 2020 khó đạt mục tiêu

Xuất khẩu da giày năm 2020 khó đạt mục tiêu

Cần đòn bẩy chính sách

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, đến thời điểm đầu quý IV/2020, việc NK nguyên liệu sản xuất (từ các thị trường Trung Quốc, Singapore) đã phục hồi trên 50%, nhưng DN vẫn chưa ổn định sản xuất, do thiếu đơn hàng từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU. Dự báo, từ nay đến cuối năm, đầu ra của ngành da giày tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch bệnh của các thị trường XK.

Nhiều DN trong ngành kỳ vọng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020 sẽ mang lại nhiều cơ hội XK, nhưng thực tế, việc tận dụng cơ hội từ EVFTA để gia tăng XK lại không dễ dàng. Bởi hiện có tới 85% DN trong ngành da giày, túi xách là DN nhỏ và vừa, đây là những DN hạn chế về vốn, kỹ thuật và công nghệ, không chủ động được nguồn nguyên, phụ liệu để sản xuất hàng XK mà chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, sự liên kết giữa các DN trong ngành còn hạn chế. Đánh giá từ phía DN, ông Nguyễn Trí Kiên - Giám đốc Công ty TNHH May túi xách Minh Tiến - cho biết, mặc dù cơ hội XK lớn, song khó khăn lớn nhất của DN là đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế...

“Để DN thực sự bứt phá và đi đường dài, đòi hỏi có những giải pháp đồng bộ từ chính sách như: Miễn thuế thu nhập, hỗ trợ lãi suất và chính sách tiếp cận đất đai, giảm giá logistics cho DN, đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả, thực chất” - ông Kiên kiến nghị.

Ông Lê Huy Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất giày dép Huy Hoàng - cho rằng, để tăng khả năng cạnh tranh các DN trong ngành phải vừa làm vừa học hỏi nâng cao thương hiệu, tăng giá trị sản phẩm, đồng thời chủ động tìm hướng đi mới, phù hợp với những thay đổi của thị trường.

Theo Bộ Công Thương, để tận dụng được cơ hội từ EVFTA, các DN trong ngành cần chủ động hoàn thiện bộ máy, đồng bộ hạ tầng, máy móc, chủ động nguồn nguyên liệu… nhằm đáp ứng các cam kết của Hiệp định, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh với thị trường quốc tế.

Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-ben-vung-nganh-da-giay-doanh-nghiep-chu-dong-tai-co-cau-145299.html