Phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản

Mặc dù ngành Nông nghiệp cũng như nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, đã triển khai nhiều giải pháp, song tình trạng vi phạm về khai thác nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra thường xuyên… Vì vậy, để bảo vệ, hướng tới phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản vẫn còn nhiều việc phải làm.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân, doanh nghiệp để hướng tới phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản. Trong ảnh: Mô hình nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Nhật Nam

Nhiều vi phạm trong khai thác thủy sản

Nguồn lợi thủy sản của nước ta có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho hơn 4 triệu người dân, đặc biệt là đối với cộng đồng dân cư sống ở các tỉnh ven biển. Tuy nhiên, có một thực tế là, tình trạng vi phạm về khai thác nguồn lợi thủy sản như: Đánh bắt cá con, đánh bắt ở vùng biển ven bờ, thủy vực nội đồng... vẫn diễn ra phổ biến dẫn đến suy giảm nguồn lợi thủy sản. Trong khi đó, việc phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái còn nhiều hạn chế, bất cập...

Ngoài ra, theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công, hiện nay, việc sử dụng các dụng cụ như: Kích điện, chất nổ… trong khai thác thủy sản tại khu vực cấm vẫn diễn biến phức tạp. Từ năm 2012 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 7.162 vụ vi phạm pháp luật về khai thác nguồn lợi thủy sản; tịch thu tiêu hủy 604 bộ kích điện, 79 súng điện,... Bên cạnh đó, tình trạng ngư dân chống đối, không chấp hành các quyết định xử phạt của cơ quan chức năng có chiều hướng gia tăng...

Tại Hà Nội, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn xuất hiện tình trạng người dân sử dụng kích điện để khai thác thủy sản ở ven sông. Việc này không chỉ làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản ở các dòng sông mà còn là tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Nhận định về nguyên nhân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân cho rằng, để xảy ra tình trạng trên là do nhận thức của các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp về vị trí, vai trò của bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản chưa cao. Trong khi đó, chế tài xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16-5-2019 của Chính phủ chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, nghề khai thác thủy sản tự nhiên ở các tỉnh, thành phố có quy mô nhỏ, thô sơ, khai thác tận thu dẫn đến suy giảm nhanh chóng nguồn lợi thủy sản tự nhiên; thiếu chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề từ các nghề xâm hại sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản; chưa chú trọng phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân... cũng khiến vi phạm về khai thác nguồn lợi thủy sản diễn biến phức tạp.

Nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Phùng Thị Thanh Chúc, năm 2020 huyện đã ban hành 11 văn bản liên quan, nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tổ chức 12 lớp tập huấn cho hơn 500 hộ dân về Luật Thủy sản 2017 và các văn bản liên quan nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác nuôi, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Mặt khác, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã phối hợp với lực lượng công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát, yêu cầu 19 hộ dân trên địa bàn ký cam kết không sử dụng xung điện, kích điện để khai thác thủy sản và giao nộp tang vật.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, hướng tới phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản Hà Nội tiến hành các hoạt động thả cá trên hệ thống sông, hồ với lượng cá giống khoảng 1-2 tấn/năm; đồng thời huy động các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên. Mặt khác, Sở NN& PTNT Hà Nội yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xử phạt những trường hợp cố tình sử dụng chất nổ, xung điện... để khai thác thủy sản.

Về lâu dài, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho người dân, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu: Các tỉnh, thành phố quản lý nguồn lợi thủy sản theo trữ lượng và khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi, bảo đảm khai thác gắn với bảo vệ, tái tạo, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản; đồng thời xây dựng chính sách chuyển đổi nghề, hỗ trợ cộng đồng ngư dân. Cùng với đó là phát triển nghề cá đánh bắt xa bờ bằng các loại tàu có công suất lớn, hạn chế việc sử dụng tàu nhỏ đánh bắt gần bờ…

Và điều quan trọng nhất, để bảo vệ, hướng tới phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản là cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho người dân, doanh nghiệp; kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản...

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/987201/phat-trien-ben-vung-nguon-loi-thuy-san