Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo

Ngày 9/7, tại TP HCM, Bộ Công thương đã tổ chức hội thảo về phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) nối lưới và điện mặt trời (ĐMT) mái nhà.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu tại hội thảo.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu tại hội thảo.

Tới dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, các bộ, ngành Trung ương và khoảng 500 đại biểu là lãnh đạo các địa phương, các hiệp hội, tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các tổng công ty và công ty điện lực thành viên, đông đảo các nhà đầu tư và doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực năng lượng…

Hội thảo được tổ chức nhằm cập nhật những thông tin về hiện trạng nguồn điện hiện nay; phổ biến chủ trương, định hướng cũng như các cơ chế, chính sách hiện hành về NLTT tại Việt Nam. Hội thảo là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia trao đổi, thảo luận, chia sẻ những giải pháp, công nghệ, kỹ thuật, thị trường NLTT; nêu lên những khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai các dự án phát triển NLTT.

Đồng thời, hội thảo còn tạo diễn đàn mở để các cơ quan quản lý địa phương, chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp bày tỏ ý kiến, góp ý, khuyến nghị cho các bộ, ngành liên quan nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, qua đó thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa nguồn điện NLTT nối lưới, ĐMT mái nhà, nhất là ở khu vực miền trung và miền nam, trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, hệ thống lưới điện Việt Nam đang chịu nhiều áp lực về nguồn cung đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: Nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dần cạn kiệt; phân bố nguồn điện và phụ tải không đồng đều, gây áp lực truyền tải lớn trên hệ thống đường dây 500 kV Bắc - Nam; tác động về biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, hồ thủy điện thiếu nước để sản xuất; một số dự án điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra…

Từ thực tế này, việc phát triển nguồn NLTT sẽ góp phần khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo; tận dụng được không gian mái nhà của hộ dân, cơ quan, công sở, khu - cụm công nghiệp; giảm bớt áp lực nguồn cung, đầu tư hạ tầng cho hệ thống điện quốc gia; gia tăng lợi ích kinh tế cho địa phương và tạo việc làm cho người lao động; giúp hình thành ngành công nghiệp năng lượng cho đất nước…

Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn NLTT cũng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tỷ lệ các nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030 và nâng lên 25-30% vào năm 2045.

Tính đến nay, cả nước đã phát triển được 5,5 ngàn MW điện NLTT, trong đó có 5 ngàn MW điện mặt trời đi vào vận hành. Có trên 31,5 ngàn dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất gần 658MWp. NLTT đã đóng góp mỗi tháng trên 3 tỷ kWh, chiếm khoảng 10% công suất và 6% sản lượng thương phẩm cả nước.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến các cơ chế mới sẽ được triển khai trong thời gian tới như: cơ chế đấu thầu các dự án điện NLTT nối lưới; cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải; hay các vấn đề liên quan đến quản lý, tiêu chuẩn kỹ thuật lắp đặt, an toàn của sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời mái nhà; cơ chế đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân cùng tham gia phát triển bền vững nguồn NLTT tại Việt Nam… Đây đều là những vấn đề quan trọng, cấp thiết mà Bộ Công thương đang lấy ý kiến nhằm hoàn thiện khung pháp lý, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trong thời gian tới.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng việc phát triển NLTT, nhất là điện gió và ĐMT, vẫn còn một số hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng to lớn, đặc biệt ở khu vực miền trung và miền Nam. Cụ thể, hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án NLTT; dẫn đến các dự án điện gió, ĐMT quy mô nối lưới ở một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận đã không giải tỏa hết 100% công suất ở một số thời điểm nhất định.

Đối với ĐMT mái nhà, dù rất tiềm năng và dễ làm nhưng cũng chưa đạt được như kỳ vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có sự tham gia và hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính; thị trường sản phẩm, dịch vụ ĐMT khá đa dạng nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể nên gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp mong muốn đầu tư.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển năng lượng, trong đó có NLTT đã hết sức rõ ràng. Chính phủ cũng đã đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp với thực tiễn phát triển cho từng giai đoạn và theo hướng công bằng, minh bạch, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhằm khai thác hết lợi thế, tiềm năng nguồn NLTT tại Việt Nam nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

“Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng các chương trình hành động trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để làm cơ sở triển khai trong thời gian tới. Đồng thời, với vai trò là cơ quan quản lý ngành, Bộ sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến, kiến nghị; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định trên tinh thần đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân cùng tham gia phát triển bền vững nguồn NLTT tại Việt Nam”, ông Vượng nhấn mạnh.

QUỐC ĐỊNH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phat-trien-ben-vung-nguon-nang-luong-tai-tao-490612.html