Phát triển bền vững nhìn từ chiến dịch cải tạo hẻm cũ ở Bắc Kinh
Việc phá bỏ ngõ cũ không chỉ nhằm chỉnh trang hạ tầng, mà còn gắn với mục tiêu quy hoạch nhân văn, bảo đảm an sinh cho người nhập cư và phát triển đô thị bền vững.
Sau vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại khu nhà Tụ Phúc Duyên năm 2017, chính quyền Bắc Kinh đã phát động chiến dịch cải tạo đô thị quy mô lớn nhằm xử lý triệt để các khu nhà xuống cấp, hạ tầng không bảo đảm và tiềm ẩn rủi ro an toàn. Biến cố này không chỉ là lời cảnh tỉnh về chất lượng không gian sống tại các khu dân cư chật hẹp, mà còn là cú hích thúc đẩy Thủ đô Trung Quốc bước vào giai đoạn tái cấu trúc đô thị toàn diện, hướng tới phát triển bền vững, hiện đại và giàu tính nhân văn.
Cải tạo hạ tầng đi đôi với bảo đảm an sinh
Ngay sau sự cố, chiến dịch rà soát kéo dài 40 ngày đã được triển khai khẩn trương trên toàn TP. Trọng tâm là các khu hẻm nhỏ, nhà tạm bợ, công trình không phép - nơi cư trú của hàng trăm nghìn lao động nhập cư.
Dù diễn ra trong thời gian ngắn, chiến dịch đã giúp Bắc Kinh nhanh chóng xóa bỏ nhiều điểm nóng mất an toàn, tạo tiền đề cho các giải pháp quy hoạch đồng bộ, lâu dài. Song song với cải thiện hạ tầng, chính quyền ngày càng quan tâm hơn đến chính sách hỗ trợ xã hội, từng bước gắn cải tạo đô thị với mục tiêu bảo đảm an sinh cho các nhóm cư dân dễ tổn thương.
Bắc Kinh bắt đầu nhận thức rõ rằng một đô thị bền vững không chỉ dừng lại ở việc mở rộng đường sá hay cải thiện cảnh quan, mà còn phải bảo đảm an sinh cho những nhóm cư dân yếu thế, đặc biệt là người nhập cư thu nhập thấp. Các giải pháp hỗ trợ, từ nhà ở tạm thời đến kế hoạch ổn định đời sống, dần được lồng ghép vào chiến dịch cải tạo, thể hiện tư duy chuyển đổi từ quản lý hành chính sang quy hoạch nhân văn.

Một con hẻm cũ tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Architecture on the road
Theo ông Li Chunming, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đô thị Trung Quốc, cải tạo đô thị không thể chỉ là hành động phản ứng sau khủng hoảng. Đó phải là một phần của chiến lược lâu dài, trong đó cộng đồng cư dân đóng vai trò trung tâm. “Sự đồng thuận của người dân chính là điều kiện tiên quyết để mọi chiến dịch đô thị hóa thực sự thành công” - ông Li Chunming nhấn mạnh.
Giữ gìn bản sắc văn hóa trong phát triển đô thị
Không phải tất cả các khu hutong (ngõ hẹp) đều bị phá bỏ. Những khu vực có giá trị lịch sử, kiến trúc đặc sắc như Wudaoying, Nanluoguxiang hay Yandai Xiejie đã được lựa chọn để cải tạo theo hướng bảo tồn thích nghi. Các ngôi nhà tứ hợp viện cổ được chuyển đổi thành quán cà phê, phòng triển lãm, không gian sáng tạo phục vụ cả cư dân lẫn du khách. Cách làm này giúp giữ gìn bản sắc văn hóa Bắc Kinh trong khi vẫn thúc đẩy phát triển kinh tế dịch vụ.
Theo tờ South China Morning Post, mô hình cải tạo có chọn lọc giúp dung hòa giữa bảo tồn và phát triển. Giáo sư Zhang Jie (Đại học Thanh Hoa), cho rằng đây là lựa chọn đúng đắn với đô thị hiện đại, bởi nó giúp duy trì ký ức tập thể, tăng gắn kết cộng đồng và hướng tới tính bền vững lâu dài.
Ngoài nhà ở, Bắc Kinh còn chú trọng phục hồi các thiết chế cộng đồng truyền thống như đền, miếu, sân đình. Những nơi từng bị lãng quên hoặc sử dụng sai mục đích nay được cải tạo thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, công viên cộng đồng và điểm nhấn kiến trúc. Tiêu biểu là đền Fayuan ở quận Xicheng được phục dựng cùng vườn tử đinh hương, trở thành không gian văn hóa mở phục vụ người dân nhiều thế hệ.
Những hạng mục này không chỉ mang lại cảnh quan đẹp mắt mà còn khơi dậy tinh thần gắn bó cộng đồng, củng cố yếu tố văn hóa trong quy hoạch đô thị. Sự kết hợp giữa di sản và công năng hiện đại là minh chứng cho tư duy phát triển đa chiều.
Làng trong phố - không gian sống năng động cho cư dân trẻ
Chiến dịch cải tạo còn mở rộng sang các khu vực được gọi là "làng trong phố" (Chengzhongcun) - nơi từng là làng nông nghiệp nhưng bị đô thị hóa nhanh chóng khiến quy hoạch không theo kịp. Nhiều khu vực trở thành chỗ ở tạm bợ cho lao động nhập cư không có hộ khẩu. Sau khi rà soát, Bắc Kinh đã tiến hành dỡ bỏ công trình trái phép, xóa bỏ các khu nhà không bảo đảm an toàn và triển khai xây dựng lại theo chuẩn đô thị hóa.
TP đồng thời đầu tư xây dựng nhà trọ giá rẻ, khu lưu trú tập trung dành cho lao động nhập cư, nhằm đáp ứng nhu cầu an cư trong khi vẫn bảo đảm trật tự, an toàn và cảnh quan đô thị. Theo thống kê đến năm 2022, Trung Quốc đã xây dựng được 6,5 triệu căn nhà giá rẻ tại 40 TP lớn, tương đương 26% nguồn cung mới.
Việc đưa các chức năng khác ra ngoại ô và giữ lại lõi trung tâm cho các hoạt động chủ chốt giúp TP vận hành hợp lý hơn, giảm áp lực dân số và hạ tầng.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng chính sách cần bổ sung cơ chế đánh giá tác động xã hội, bảo đảm tiền hỗ trợ và tái định cư đến đúng đối tượng. Điều này đang dần được điều chỉnh. Từ năm 2023, Bộ Nhà ở Trung Quốc đã yêu cầu các địa phương quy hoạch lại làng trong phố với diện tích nhà xã hội phù hợp, tạo không gian khởi nghiệp giá rẻ, thu hút đầu tư chất lượng cao và hỗ trợ DN nhỏ.
Bắc Kinh hiện vẫn còn hơn 500 làng trong phố, chủ yếu nằm tại các vành đai 5 và 6, những nơi có mật độ di cư lớn. Những khu vực này đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ và nơi ở cho người thu nhập thấp, đặc biệt là lao động trẻ làm việc trong các ngành nghề mới như giao đồ ăn, tài xế công nghệ hay sáng tạo nội dung.
Thôn Tân Trang ở quận Xương Bình là ví dụ tiêu biểu với hơn 70.000 cư dân, chủ yếu là kỹ sư công nghệ làm việc tại Thôn Quan Trung. Giá thuê nhà chỉ từ 800 nhân dân tệ một tháng (khoảng 110 USD), tổng chi phí sinh hoạt dao động từ 2.500 - 4.000 nhân dân tệ, phù hợp với người mới đi làm hoặc sinh viên mới tốt nghiệp.
Theo giáo sư Mao Kỳ Trí (Đại học Thanh Hoa), làng trong phố là nơi khởi đầu của nhiều cư dân mới Bắc Kinh, đồng thời cung cấp các dịch vụ cơ bản cho đô thị. Việc cải tạo cần dựa trên tinh thần tôn trọng giá trị lịch sử và vai trò xã hội của các khu vực này.
Chiến dịch cải tạo hẻm nhỏ và làng trong phố tại Bắc Kinh cho thấy một chiến lược đô thị đầy quyết tâm, linh hoạt và hướng đến phát triển bền vững. Việc kết hợp giữa bảo tồn di sản, hiện đại hóa hạ tầng và bảo đảm an sinh cho cư dân là bài học quý báu đối với các đô thị đang phát triển nhanh chóng như Jakarta hay Mumbai. TP đáng sống không chỉ cần nhà cao tầng và giao thông hiện đại, mà còn cần ký ức đô thị, không gian cộng đồng và giải pháp nhà ở phù hợp với mọi tầng lớp xã hội.