Phát triển bền vững: Thách thức từ nhiều hướng cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh thách thức ngày càng tăng về biến đổi khí hậu, làn sóng ô nhiễm môi trường… sự quan tâm về phát triển bền vững được quan tâm nhưng ít thực hiện vì còn nhiều khó khăn.
Còn trở ngại
Chia sẻ tại hội thảo “Phát triển bền vững trong sản xuất thực phẩm và nông sản: Bền vững môi trường, xã hội và quản trị ESG; kiểm soát khí nhà kính GHGs; chứng nhận không phá rừng EUDR”, ông Hoàng Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty tư vấn đầu tư SDP cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là bố trí nguồn vốn, khi SDP huy động nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài thì các quỹ yêu cầu doanh nghiệp phải có báo cáo về phát triển bền vững, báo cáo phát thải theo tiêu chuẩn quốc tế như CBAM.
Thế nhưng, hiện nay Việt Nam chưa có khung pháp lý để doanh nghiệp thực hiện theo. Ngoài ra, vẫn chưa có đơn vị nào hướng dẫn cụ thể và có lộ trình để doanh nghiệp thực hiện một cách đầy đủ. Vì vậy, sẽ rất khó khăn để SDP hỗ trợ doanh nghiệp trong việc huy động vốn.
“Đã có những doanh nghiệp thực hiện theo các quy trình của ESG rất tốt song lại không thực hiện được các báo cáo theo đúng quy định. Một ví dụ điển hình là ngày 31/1/2024 vừa qua, doanh nghiệp phải nộp báo cáo theo quy định của CBAM về các kết quả ở quý IV/2023 và đến 30/4 này doanh nghiệp phải nộp báo cáo cho quý I/2024, tuy nhiên hiện rất ít doanh nghiệp thực hiện được việc báo cáo cho CBAM”, ông Dũng thông tin.
Đồng tình với ý kiến này, ông Đỗ Trọng Chung, Đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) thông tin, hiện doanh nghiệp đang quan tâm đến vấn đề tái sử dụng nước thải đã qua xử lý. Tuy nhiên, chính sách và quy định hướng dẫn vẫn chưa cụ thể cho từng trường hợp như: Tái sử dụng cho việc tưới cây, tái sử dụng cho một số hạng mục về nước sinh hoạt.
“Song song đó, liên quan đến tái sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt như: Sử dụng trên da người, sử dụng cho mục đích vệ sinh… hiện Saigon Co.op đang gặp vướng mắc khi các tiêu chuẩn mà nhà nước đưa ra đang quá cao so với khả năng xử lý của các doanh nghiệp trong nước hiện nay”, ông Trung cho hay.
Tiêu chuẩn bắt buộc
Bà Hồ Thị Quyên, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh thách thức ngày càng tăng về biến đổi khí hậu và làn sóng ô nhiễm môi trường, không gì quan trọng hơn việc đề cao tầm quan trọng của việc đảm bảo sự phát triển bền vững trong sản xuất thực phẩm và nông sản.
Giảm phát thải carbon là mục tiêu toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, được nhắc đến trong Thỏa thuận Paris tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2015 (COP21) và Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) nhằm thực hiện các cam kết giảm mức phát thải ròng về bằng “0”.
Hiện nay Mỹ, EU và một số quốc gia phát triển trên thế giới đã ban hành luật bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính đối với các hàng hóa nhập khẩu. Ngày 16/5/2023, quy định CBAM chính thức có hiệu lực tại EU. Đây là công cụ định giá hợp lý lượng các-bon thải ra trong quá trình sản xuất hàng hóa sử dụng nhiều các-bon vào EU và khuyến khích sản xuất công nghiệp sạch hơn ở các quốc gia ngoài EU.
“Hiện nay Việt Nam đang hoàn thiện chính sách, giải pháp giảm phát thải carbon thông qua học hỏi kinh nghiệm từ Mỹ, EU như: Quy định bắt buộc về việc công bố thông tin đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán hoạt động trong các lĩnh vực có lượng khí thải carbon cao; hoàn thiện cơ chế giao dịch tín chỉ carbon; thay thế các nguồn năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch hay quy trình sản xuất vốn rất khó để khử carbon bằng các giải pháp ít hoặc không có phát thải carbon; thiết lập quy định về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm bảo vệ tài nguyên rừng”, bà Quyên chia sẻ.