Phát triển bền vững từ OCOP

OCOP là tên gọi tắt Chương trình 'mỗi xã một sản phẩm' nhằm đẩy mạnh kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và tăng giá trị do Chính phủ đề ra. Trọng tâm của chương trình là phát huy sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Tại huyện Lộc Ninh, sau 3 năm thực hiện, chương trình đã đem lại hiệu ứng tích cực, khẳng định là giải pháp, nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới.

Nâng tầm giá trị hạt điều

Cuối năm 2021, Công ty TNHH MTV XNK hạt điều Hoàng Phú ở xã Lộc Thiện có 2 sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao. Đó là hạt điều tươi rang muối và hạt điều tươi rang muối vị tỏi ớt. Để có sản phẩm được chứng nhận OCOP không phải ngày một, ngày hai mà là cả quá trình đầu tư phát triển, gắn bó lâu dài với nông nghiệp, với đặc sản của tỉnh nhà. Doanh nghiệp đã dành thời gian và dày công nghiên cứu, chế biến ra sản phẩm chất lượng tốt nhất mang thương hiệu địa phương. “Từ người nông dân trồng, thu mua điều, thấy giá trị của hạt điều Bình Phước rồi chuyển sang chế biến. Trước khi đưa vào chế biến, quan điểm của chúng tôi là làm sao tạo ra sản phẩm mang thương hiệu, đặc sản địa phương” - ông Hoàng Chuẩn, Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK hạt điều Hoàng Phú chia sẻ.

Hạt điều Hoàng Phú có 2 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH MTV XNK hạt điều Hoàng Phú dán nhãn mác cho sản phẩm

Hạt điều Hoàng Phú có 2 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH MTV XNK hạt điều Hoàng Phú dán nhãn mác cho sản phẩm

Theo kinh nghiệm của ông Chuẩn, để có sản phẩm điều chế biến đảm bảo thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao, ông chọn thu mua hạt điều thuần chủng của nông dân trên địa bàn, chứ không nhập bất cứ nơi đâu về. Ngoài ra, doanh nghiệp Hoàng Phú còn có cách làm riêng trong quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm. Đó là không chạy đua theo số lượng mà chế biến theo phương pháp truyền thống (rang bằng bếp củi) chứ không theo công nghệ hiện đại như điện, gas. Chính điều này đã tạo ra hương vị đặc trưng, vị ngon riêng và khác biệt của hạt điều Hoàng Phú.

Từ năm 2014, hạt điều Hoàng Phú đã được Bộ Công Thương trao tặng giải thưởng “Sản phẩm Việt Nam tiêu biểu”, năm 2021 được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Đặc biệt, Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK hạt điều Hoàng Phú được Trung ương Hiệp hội trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam tôn vinh là Vua hạt điều năm 2019. Đây là những nền tảng cơ bản để sản phẩm của doanh nghiệp được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Hiện sản phẩm hạt điều tươi rang muối và hạt điều tươi rang muối vị tỏi ớt có gần 30 chủng loại. Sản phẩm đẹp về hình thức, đậm đà hương vị riêng nên dù giá bán cao hơn nhiều so với các sản phẩm ngoài thị trường nhưng hạt điều Hoàng Phú vẫn luôn được khách hàng ưa chuộng, tin dùng. Chứng nhận OCOP hạng 4 sao sẽ tiếp tục là cú hích đưa thương hiệu hạt điều Hoàng Phú vươn xa.

Đưa hạt tiêu vươn ra biển lớn

Ngoài sản phẩm điều rang muối, hạt tiêu cũng là một trong những đặc sản của Lộc Ninh. Là vùng đất trồng tiêu lâu năm, vốn kiến thức, kinh nghiệm canh tác sẵn có, cộng với tiềm năng, thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng, chất lượng hạt tiêu Lộc Ninh đã được khẳng định. Việc còn lại chỉ là thương hiệu. Đó là lý do Hợp tác xã (HTX) hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang, xã Lộc Quang tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm. “Khí hậu, thổ nhưỡng sẽ ban tặng cho sản phẩm hồ tiêu Lộc Ninh khác biệt so với các địa phương khác. Đây là lý do mà tôi đã nảy sinh ý tưởng thành lập HTX và xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Bởi mục đích là làm tăng giá trị và nâng cao thu nhập cho người dân” - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang Phạm Thanh Chung bày tỏ.

Để có sản phẩm tiêu sạch, chất lượng, Hợp tác xã (HTX) hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang, huyện Lộc Ninh quan tâm, chú trọng từ chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ trước khi chế biến sâu. Trong ảnh: Thành viên HTX thăm mô hình trồng tiêu của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Phạm Thanh Chung

Để có sản phẩm tiêu sạch, chất lượng, Hợp tác xã (HTX) hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang, huyện Lộc Ninh quan tâm, chú trọng từ chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ trước khi chế biến sâu. Trong ảnh: Thành viên HTX thăm mô hình trồng tiêu của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Phạm Thanh Chung

HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang thành lập năm 2020, nhưng cuối năm 2021 vinh dự có 5 sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận OCOP đạt chuẩn hạng 4 sao, gồm: Hạt tiêu xanh sấy thăng hoa, Bột tiêu xanh sấy thăng hoa, Bột tiêu tứ sắc sấy thăng hoa, Bột tiêu đen, Hạt tiêu đen. Đây là bước đi đột phá, tạo tiền đề để hạt tiêu Lộc Ninh và hạt tiêu Bình Phước vươn ra biển lớn trong tương lai không xa.

Hiện thương hiệu hạt tiêu Bình Phước được khách hàng trong nước và quốc tế biết đến vì có nhiều dược tính, thành phần dinh dưỡng so với hạt tiêu nơi khác. Tận dụng những lợi thế này, chúng tôi xây dựng thương hiệu, nhãn mác, quảng bá sản phẩm và mong các sở, ngành liên quan tạo điều kiện đăng ký chỉ dẫn địa lý để hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách hỗ trợ máy móc, công nghệ, thiết bị chế biến sâu sau khi thu hoạch để tăng giá trị. Nếu chúng ta cứ bán nguyên liệu thô thì giá trị sẽ không cao và mãi mãi không có thương hiệu.

Ông Phạm Thanh Chung, Giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang

Theo ông Phạm Thanh Chung, để có sản phẩm hạt tiêu sạch, chất lượng tốt, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, trước khi đưa vào chế biến sâu, HTX xây dựng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ. Cụ thể, các thành viên HTX đều tận dụng các loại phân chuồng sẵn có ở địa phương và cam kết không sử dụng thuốc hóa học mà sử dụng thuốc sinh học dầu Neem Ấn Độ. Để hạt tiêu Lộc Ninh có chỗ đứng ở thị trường trong và ngoài nước, HTX đề ra các tiêu chí quan trọng như đa dạng về chủng loại, đẹp về hình thức, thơm, ngon về chất lượng. Đặc biệt khi các sản phẩm hạt tiêu HTX được chứng nhận OCOP sẽ là “mắt xích” quan trọng để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại.

Giải pháp nâng cao thu nhập

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay UBND tỉnh đã cấp chứng nhận 44 sản phẩm OCOP cho 17 chủ thể, gồm 38 sản phẩm hạng 4 sao, 6 sản phẩm hạng 3 sao. Trong đó, Lộc Ninh có 9 sản phẩm hạng 4 sao. Ngoài 2 sản phẩm hạt điều, 5 sản phẩm hạt tiêu, 2 sản phẩm còn lại của Lộc Ninh được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao năm 2021 là Bột đạm dế, Trà dược liệu thiên nhiên 7 trong 1 Mạnh Hùng.

Hợp tác xã hồ tiêu Lộc Quang có 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP

Hợp tác xã hồ tiêu Lộc Quang có 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP

Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hồ Quang Khánh cho biết: Mục tiêu của chương trình OCOP là phát triển các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Vì khi có thương hiệu thì các sản phẩm sẽ được tham gia hội chợ, vào hệ thống siêu thị trong và ngoài nước, từ đó được nhiều người tiêu dùng biết đến và sử dụng rộng rãi.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là giải pháp quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời góp phần hoàn thành tiêu chí “Hình thức tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Năm nay, huyện Lộc Ninh phấn đấu có 10 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3-5 sao, gồm sản phẩm từ chăn nuôi dê, cây ăn trái, cà phê xay, thủ công mỹ nghệ, hoa khô mỹ nghệ…

Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hồ Quang Khánh

Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu tư vấn, hỗ trợ 16 chủ thể có sản phẩm đạt OCOP. Khi các sản phẩm truyền thống địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ là cơ sở, tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, gắn với chế biến sâu, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đồng thời là giải pháp quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn và là nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/130484/phat-trien-ben-vung-tu-ocop