Phát triển bền vững và bao trùm nhìn từ chỉ số DDCI

Để bổ sung cho đánh giá về phát triển bền vững và bao trùm, DDCI 2020 đã nghiên cứu nhận định của các cơ sở sản xuất, kinh doanh về việc chú trọng quan tâm đến các vấn đề giới, phát triển bền vững trong điều hành kinh tế - xã hội, 95,9% ý kiến đồng ý rằng các vấn đề trên đã được quan tâm trong công tác điều hành tại các địa phương.

Tổng hợp điểm số từ các chỉ tiêu liên quan đến phát triển bền vững và bao trùm, DDCI 2020 cung cấp thang điểm cho 9 huyện, thành phố, thị xã với điểm số trung bình 7,66 điểm. Văn Bàn ở vị trí thứ nhất với 9,71 điểm. Bắc Hà xếp vị trí cuối cùng với 6,6 điểm. Khoảng cách giữa vị trí đầu bảng và cuối bảng là 3,11 điểm và có phần nới rộng hơn năm 2019.

Chỉ số thành phần này quan tâm đến "tiếng nói, sự tham gia, hưởng lợi của phụ nữ kinh doanh trong công tác quản lý, điều hành kinh tế, triển khai chính sách về phát triển kinh doanh, phát triển kinh tế” với 7,65 điểm. Bảo Yên với điểm số 6,88 điểm là huyện duy nhất có điểm số dưới ngưỡng 7. Khi được hỏi về vai trò và tính năng động của lãnh đạo nữ trong quá trình quản lý và điều hành kinh tế, 97,8% ý kiến đồng ý với mức độ “đồng ý” không giống nhau: 13,2% hoàn toàn đồng ý, 61,9% đồng ý và 22,7% đồng ý 1 phần. Vẫn tồn tại 1 tỷ lệ nhỏ (2,2%) chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh không đồng ý với nhận xét, quan sát trên. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đánh giá cao và tương đối đồng đều với chỉ tiêu “đảm bảo để phụ nữ và các nhóm yếu thế được tiếp cận các dịch vụ một cách an toàn khi thực hiện thủ tục hành chính”, tạo điều kiện để doanh nghiệp nữ, dân tộc thiểu số, doanh nghiệp của các nhóm thiệt thòi (người khuyết tật, dân tộc rất ít người...) được tiếp cận hiệu quả vào các chương trình hỗ trợ của huyện, theo đúng chủ trương chính sách của Nhà nước với điểm số lần lượt là 7,89 và 7,91 điểm. Không ghi nhận điểm số dưới 7 của bất kì địa phương nào khi phân tích 2 chỉ tiêu trên.

Liên quan đến đối thoại và lắng nghe tiếng nói của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh là nữ, chỉ tiêu liên quan đến “tạo cơ hội để doanh nghiệp nữ/nhóm thiệt thòi… được bày tỏ ý kiến, lắng nghe và phản hồi/giải trình trong các đối thoại” chỉ đạt 7,29 điểm. Điểm số của chỉ tiêu này phân nhóm 9 huyện, thị xã, thành phố tại Lào Cai thành 2 nhóm đối lập. Ở nhóm thực hiện tốt gồm có: Văn Bàn, thành phố Lào Cai và Bảo Thắng. Nhóm còn lại chưa nhận được đánh giá cao từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt các cơ sở do phụ nữ làm chủ. Bắc Hà với 4,86 điểm là điểm số thấp nhất. Phân tích cụ thể trường hợp của Bắc Hà, có đến 41,6% cơ sở sản xuất, kinh doanh trong mẫu khảo sát không được tham gia đối thoại, góp ý tại địa phương; trong đó bao gồm cả các hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ.

Trong khi đó, điểm số trung bình chỉ số thành phần phát triển bền vững và bao trùm theo góc độ DDCI sở, ban, ngành Lào Cai đạt 7,77 điểm. Điểm số này có phần giảm so với năm trước đó. Năm 2019, chỉ số này đạt 8,08 điểm. Quan trọng hơn, ngoại trừ Sở Giáo dục và Đào tạo đạt mức điểm tốt, các sở, ban, ngành còn lại đều giảm điểm, thuộc nhóm khác khi phân tích về chỉ số thành phần phát triển bền vững và bao trùm.

Tăng từ 6 chỉ tiêu lên 8 chỉ tiêu, chỉ số phát triển bền vững và bao trùm ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn nỗ lực từ các sở, ban, ngành. Hầu hết các sở, ngành có quan hệ mật thiết đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đều không đạt kỳ vọng của doanh nghiệp về phát triển bền vững và bao trùm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 7,59 điểm là một điểm số và thứ hạng khiêm tốn. Tiếp theo là Cục Hải quan và Sở Tư pháp với lần lượt 7,58 điểm và 7,52 điểm, là các sở, ban, ngành cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững.

Thiên tai, dịch bệnh và phản ứng của các sở, ban, ngành là tiêu chí đầu tiên được đề cập khi xem xét chỉ số này. Ở cấp sở, ban, ngành, điểm số chỉ tiêu đạt 7,58 điểm. Vấn đề phát triển bao trùm (giới, dân tộc thiểu số, xã hội…) đã được Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch quan tâm nhất trong trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch. Việc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch được các doanh nghiệp, hợp tác xã đánh giá tương đối tốt với chỉ tiêu này (7,94 điểm) là một tín hiệu đáng mừng, gia tăng năng lực cạnh tranh du lịch của Lào Cai. Bên cạnh đó, chỉ tiêu “dân tộc thiểu số, bình đẳng giới, doanh nhân nữ, khuyến khích doanh nghiệp nữ bình đẳng tham gia vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách, chương trình, quy hoạch và bình đẳng hưởng lợi từ các chương trình quy hoạch” đạt điểm trung bình 7,86. Các nội dung về môi trường, sinh thái và phát triển bền vững trong công tác điều hành đã được quan tâm, chú ý trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch đạt 7,76 điểm.

Việc tham gia đối thoại chính sách tạo điều kiện bình đẳng giữa nam và nữ giới cũng được quan tâm. Trả lời cho câu hỏi về sự tham gia của phụ nữ trong đối thoại chính sách thuộc lĩnh vực quản lý này trong khuôn khổ quy định của pháp luật, các doanh nghiệp, hợp tác xã đánh giá mức điểm 7,85. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục được đánh giá cao với mức điểm trên 8 điểm. Các sở, ban, ngành còn lại có mức điểm từ 7,55 - dưới 8 điểm. Các doanh nghiệp do nữ làm chủ, điều hành được đối xử và được tạo cơ hội tiếp cận thông tin bình đẳng với các doanh nghiệp nam giới làm chủ, điều hành với 7,8 điểm. Chỉ tiêu này có sự xuất hiện mới của Ban Quản lý Khu Kinh tế, Sở Thông tin và Truyền thông thuộc nhóm tốt. Bình đẳng trong tiếp cận thông tin là một trong những tiêu chí đầu tiên, tích cực giúp các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là nữ giới tiếp cận thị trường minh bạch và thuận lợi. Bình đẳng trong tiếp cận thông tin có sự góp mặt tích cực của Sở Thông tin và Truyền thông (8 điểm, nhóm tốt). Các chỉ tiêu còn lại có sự thay đổi không đáng kể.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/350656-phat-trien-ben-vung-va-bao-trum-nhin-tu-chi-so-ddci