Phát triển bền vững vùng an toàn khu Định Hóa

Đúng dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa (Thái Nguyên) đón nhận tin vui: Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tin vui này tiếp thêm động lực cho an toàn khu (ATK) Định Hóa phát triển bền vững.

Người dân xã Sơn Phú, huyện Định Hóa góp ngày công mở rộng đường giao thông.

Người dân xã Sơn Phú, huyện Định Hóa góp ngày công mở rộng đường giao thông.

ATK trong kháng chiến

Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn Định Hóa để xây dựng ATK.

Đây là địa bàn có vị trí chiến lược với đồi núi xen lẫn thung lũng, thuận tiện cho việc giữ bí mật, có thể sản xuất tự cung tự cấp; phía sau lưng là miền rừng núi đại ngàn thông sang ATK Tân Trào (Tuyên Quang); trước mặt là vùng trung du và những dải đồng bằng hẹp tạo nên địa thế “tiến có thể đánh, lùi có thể giữ”.

Định Hóa có mạng lưới giao thông tỏa đi các tỉnh khác trong căn cứ địa Việt Bắc, thuận lợi cho việc tiếp tế, bảo đảm sự chỉ đạo mau chóng của Bác Hồ, Trung ương Đảng; dễ dàng lên Cao Bằng, sang Lạng Sơn, thông ra biên giới để bảo đảm liên lạc quốc tế; song lại gây trở ngại lớn cho việc tiến công của địch.

Đồng bào các dân tộc Định Hóa có truyền thống yêu nước, đoàn kết, thủy chung với cách mạng, một lòng theo Đảng, Bác Hồ để bảo vệ, che chở “đầu não” kháng chiến trong hoàn cảnh vô cùng gian nan, vất vả.

Chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ATK Định Hóa là nơi Bác Hồ, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, các tiền bối cách mạng ở, làm việc để lãnh đạo kháng chiến; nơi Trung ương Đảng, Chính phủ, nhiều cơ quan của quân đội, ban, bộ, ngành đóng làm trụ sở.

ATK Định Hóa là nơi ra đời nhiều quyết sách quan trọng, quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; nơi Bác Hồ chủ trì họp Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử; nơi Bác Hồ ký Sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp; nơi Bác Hồ hoàn thành cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ngày nay, trên vùng đất ATK có 183 điểm di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có một di tích quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; gần 20 di tích quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh.

Nhân dân các dân tộc trong huyện vẫn vẹn nguyên ý chí cách mạng, một lòng theo Đảng, thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ, coi việc giữ gìn, phát huy di tích lịch sử, bản sắc, truyền thống văn hóa là nền tảng vững chắc, động lực để xây dựng, phát triển quê hương.

Huyện nông thôn mới hôm nay

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa đã phát huy truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa, tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, đạt được những kết quả khá toàn diện.

Tri ân ATK Định Hóa, cuối năm 2021, lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và nhiều doanh nghiệp, tập đoàn hỗ trợ; tỉnh Thái Nguyên tập trung nguồn lực; cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đồng lòng, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên tất cả các lĩnh vực và đã đạt kết quả ấn tượng.

Cuối năm 2023, tất cả các xã trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ba xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đạt gần 46 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,42%... Định Hóa vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2023.

Bí thư Huyện ủy Định Hóa Nguyễn Đức Lực vui mừng chia sẻ: “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới là nền tảng, tiếp thêm khí thế, tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế về di tích lịch sử-văn hóa, rừng và đất rừng, vùng nông nghiệp mang tính đặc thù để không chỉ củng cố thành quả xây dựng nông thôn mới, mà còn nhằm phát triển bền vững trong những năm tới”.

Khai thác lợi thế di tích lịch sử-văn hóa dày đặc, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, người dân mộc mạc, thật thà, giàu tình cảm, huyện Định Hóa đang chú trọng phát triển du lịch lịch sử, du lịch cộng đồng để thu hút du khách, góp phần giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế.

Huyện đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, điểm đón tiếp, tập huấn, hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở lưu trú du lịch cộng đồng (homestay) tại Khuôn Tát, xã Phú Đình.

Định Hóa tiến hành chỉnh trang, tập huấn, hỗ trợ người dân từng bước đưa vào khai thác các điểm du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn, văn hóa trà tại các xóm Phú Ninh, Đồng Kệu, xã Phú Đình; các xóm Bản Bắc, Bản Quyên, Song Thái thuộc xã Điềm Mặc; xóm Phú Hội, xã Sơn Phú.

Hướng đi hướng tới sự phát triển bền vững khác trên vùng đất ATK là phát huy lợi thế đất lâm nghiệp rộng lớn, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để trồng quế.

Đây là loại cây dược liệu cho thu nhập từ năm thứ năm trở đi, thời điểm nào được giá, thời tiết thuận lợi thì thu hoạch, một chu kỳ 15-17 năm của quế mang lại khoảng 1,5 tỷ đồng/ha. Trên địa bàn huyện có doanh nghiệp thu mua quế, cho nên không phải lo giải cứu như những loại cây trồng khác.

Đến nay Định Hóa đã trồng được hơn 4.000 ha quế, trong đó khoảng 50% diện tích cho thu hoạch, giúp hàng nghìn hộ có thu nhập khá.

Tỉnh Thái Nguyên và huyện xác định quế là cây chủ lực, ban hành chính sách hỗ trợ giống, phân bón, công trồng để phát triển lên 10.000 ha, tạo vùng sản xuất tập trung, thu hút đầu tư nhà máy chiết xuất tinh dầu quế hiện đại.

Đồng đất phì nhiêu, khí hậu trong lành, người dân cần cù tạo ra gạo bao thai Định Hóa nổi tiếng lâu nay và gần 30 sản phẩm OCOP mang tính đặc thù của địa phương, đang trở thành hàng hóa, mang lại thu nhập cho người dân.

Những hướng đi có tính bền vững, khai thác nội lực, tiềm năng đã và đang tạo ra hiệu quả kinh tế, mang lại cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc cho người dân vùng chiến khu xưa.

Bài và ảnh: THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-trien-ben-vung-vung-an-toan-khu-dinh-hoa-post825393.html