Phát triển bộ máy Kiểm toán nhà nước theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 40, chiều 17/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương xây dựng chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2035.
Xây dựng đội ngũ công chức Kiểm toán nhà nước tinh gọn
Tờ trình Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2020-2030) và tầm nhìn đến năm 2035 do Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày đã nhấn mạnh đến sự cần thiết xây dựng “Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2020-2030) và tầm nhìn đến năm 2035” (gọi tắt là Chiến lược).
Theo đó, việc xây dựng, phê duyệt Chiến lược không những có ý nghĩa quan trọng, cấp bách trong việc hoàn thiện và nâng cao hiệu lực hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà còn tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho Kiểm toán nhà nước hoạch định các kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm, khắc phục những bất cập, hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được Ðảng, Nhà nước giao.
Mục tiêu đến năm 2030 của Chiến lược được xác định là: Phát triển tổ chức bộ máy của Kiểm toán nhà nước theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước; giữ nguyên, duy trì ổn định hoạt động các Kiểm toán nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán nhà nước khu vực; xây dựng đội ngũ công chức Kiểm toán nhà nước tinh gọn, đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và có cơ cấu hợp lý. Nguồn nhân lực của Kiểm toán nhà nước ổn định từ 2.600-2.700 người; sắp xếp bố trí, sử dụng đội ngũ dựa trên Đề án vị trí việc làm, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ và yêu cầu công việc thực tế...
Bên cạnh đó, thực hiện kiểm toán tối thiểu 2 năm/lần đối với quyết toán ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chuyển đổi từ quy trình kiểm toán truyền thống sang quy trình kiểm toán số dựa trên nền tảng dữ liệu lớn với sự hỗ trợ của các công nghệ trí tuệ nhân tạo một cách chủ động; tăng cường hoạt động “tiền kiểm” với dự án đầu tư trọng điểm quốc gia, các chủ trương, chính sách lớn, các chương trình mục tiêu quốc gia...
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, để định hướng rõ các mục tiêu, giải pháp thực hiện phát triển Kiểm toán nhà nước phù hợp với chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính công, tài sản công thì việc xây dựng, ban hành Chiến lược phát triển cho Kiểm toán nhà nước trong giai đoạn tới là cần thiết và phù hợp thực tiễn.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với quan điểm Kiểm toán nhà nước đã nêu trong Dự thảo Chiến lược; cho rằng cần thể hiện rõ việc phát triển Kiểm toán nhà nước phải bảo đảm Kiểm toán nhà nước thực sự là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, phục vụ đắc lực cho Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng về tài chính, tài sản công; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững kỷ luật về quản lý tài chính, tài sản công.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, với yêu cầu nhiệm vụ cấp bách trọng tâm về công tác phòng, chống tham nhũng và lãng phí trong giai đoạn hiện nay, kết quả kiểm toán phải được kịp thời công khai, minh bạch trước công chúng. Kiểm toán nhà nước phải cung cấp thông tin ngày càng toàn diện cho Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các cơ quan chức năng và xã hội, người dân. Tuy nhiên, mục tiêu của Chiến lược mới chỉ dừng lại ở việc kiện toàn và nâng cao bộ máy của Kiểm toán nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán mà chưa đề cập đến mục tiêu cung cấp, công khai toàn diện kết quả kiểm toán để đáp ứng yêu cầu quản lý của các cơ quan nhà nước và nhu cầu tiếp cận thông tin phục vụ giám sát của xã hội, người dân.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh sự chủ động xây dựng Chiến lược của Kiểm toán nhà nước và đánh giá đây là đề án có chất lượng tốt. Cơ bản nhất trí với quan điểm Kiểm toán nhà nước đã nêu trong Dự thảo Chiến lược song các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, những giải pháp trong Dự thảo Chiến lược còn chung chung, cần đưa ra định hướng và giải pháp cụ thể cho từng nội dung. Đồng thời, Kiểm toán nhà nước cần đánh giá và xác định nguồn lực để thực hiện Chiến lược này, bảo đảm tính khả thi khi Chiến lược được quyết định.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Để bảo đảm sự chặt chẽ, đúng định hướng, có tầm bao quát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Kiểm toán nhà nước cần đánh giá tổng kết, làm rõ hơn kết quả 10 năm thực hiện Chiến lược Kiểm toán 2010-2020 để chỉ ra mặt mạnh, mặt yếu, những bất cập và cần làm sâu sắc hơn trong chiến lược kiểm toán thời gian tới.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Kiểm toán nhà nước tiếp thu đầy đủ ý kiến để hoàn chỉnh lại bố cục, làm rõ hơn về mục tiêu tổng quát, quan điểm và cả những nội dung cụ thể của chiến lược để hoàn thiện, tập trung vào tính hiệu quả, tinh gọn, chất lượng và hội nhập quốc tế. Cùng với đó, Kiểm toán nhà nước tiếp tục cập nhật tinh thần của dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII để hoàn chỉnh chiến lược này.
Sau khi Kiểm toán nhà nước hoàn thiện chiến lược, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn vào thời điểm thích hợp.
Điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài giữa các bộ, ngành và địa phương
Tại phiên họp chiều 17/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 giữa các bộ, ngành, địa phương và giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 – 2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh giảm 4.812,524 tỉ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 của 3 bộ và 7 địa phương do không phân bổ chi tiết cho các dự án; điều chỉnh tăng 4.812,524 tỉ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 cho 3 bộ: Công an, Quốc Phòng, Lao động - Thương binh và Xã hội và 26 địa phương, để bố trí cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt và các dự án được bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020 tại Nghị quyết số 784/NQ-UBTVQH14 ngày 11/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Các dự án được bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến ngày 31/12/2020 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại các số liệu đảm bảo chính xác để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực trước ngày 31/12/2019.
Đối với việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quan điểm của Chính phủ trong thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trong đó khẳng định phải trả hết các chi phí quản lý và chênh lệch lãi suất của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Tuy nhiên, việc phân bổ 9.015 tỉ đồng trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam liên quan đến điều chỉnh mục tiêu chi và lập dự toán Ngân sách Trung ương, không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà cần phải trình Quốc hội xem xét, quyết định. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ làm rõ phạm vi, đối tượng; đồng thời rà soát lại và báo cáo chính xác số tiền cần cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để trình ra Quốc hội xem xét, quyết định.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc bổ sung kinh phí mua bù thuốc thú y dự trữ quốc gia đã xuất cấp từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/4/2019.