Phát triển các tour, tuyến du lịch lịch sử, văn hóa

Ngày 16/11, tại TP.Thái Nguyên, Sở Văn hóa- Thể thao & Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, UBND TP.Thái Nguyên tổ chức Chương trình tọa đàm với chủ đề: 'Thái Nguyên - Điểm đến giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và trải nghiệm kỹ năng sống cho học sinh'.

Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Tham dự chương trình có lãnh đạo Hiệp Hội du lịch, các công ty, doanh nghiệp lữ hành du lịch các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên... một số chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông.

Các thành viên đoàn farmtrip tham quan, khảo sát một số điểm du lịch tại địa bàn TP. Thái Nguyên.

Các thành viên đoàn farmtrip tham quan, khảo sát một số điểm du lịch tại địa bàn TP. Thái Nguyên.

Tỉnh Thái Nguyên có 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê, trong đó 302 di tích đã được xếp hạng, 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 57 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 232 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng, khai thác 4 sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.

Riêng địa bàn TP.Thái Nguyên có 116 di tích, trong đó 6 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 22 di tích xếp hạng cấp tỉnh; hơn 40 lễ hội truyền thống; 43 làng nghề truyền thống và nhiều di sản văn hóa dân gian đặc sắc như: Hát Then, hát Soọng cô, các trò chơi dân gian; trên 200 cơ sở lưu trú; trên 120 nhà hàng với các loại hình ẩm thực khác nhau.

Các thành viên đoàn farmtrip tham quan tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Các thành viên đoàn farmtrip tham quan tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hơn 10 ý kiến tham luận đều đánh gia cao về tiềm năng du lịch Thái Nguyên, đặc biệt có thế mạnh khai thác phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và tạo sân chơi cho học sinh trải nghiệm kỹ năng sống. Đồng thời mong muốn Thái Nguyên triển khai thực hiện quyết liệt hơn các đề án, kế hoạch về phát triển du lịch tỉnh đã đề ra. Với các điểm đến, cần xây dựng, tạo ra các tour, tuyến du lịch, dịch vụ và cơ sở hạ tầng có chất lượng cao hơn.

Học sinh thích thú tìm hiểu, trải nghiệm về công việc sản xuất, chế biến chè.

Học sinh thích thú tìm hiểu, trải nghiệm về công việc sản xuất, chế biến chè.

Tọa đàm “Thái Nguyên - Điểm đến giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và trải nghiệm kỹ năng sống cho học sinh” được tổ chức nhằm tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của du lịch của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh, thành phố trong khu vực. Từ đó, phát triển các tour, tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, trải nghiệm kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường mối liên kết giữa điểm đến du lịch và công ty lữ hành các tỉnh, xúc tiến đầu tư, khai thác lĩnh vực du lịch của địa phương nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.

* Trước đó, các đại biểu đã đến thăm, trải nghiệm thực tế tại một số điểm tham quan, du lịch trên địa bàn TP. Thái Nguyên.

Anh Bình

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nhin-ra-tinh-ban/phat-trien-cac-tour-tuyen-du-lich-lich-su-van-hoa/202187.htm