Phát triển cân bằng thị trường vốn
Sau hơn 20 năm xây dựng thị trường chứng khoán (TTCK), cấu trúc thị trường vốn Việt Nam đã được định hình rõ nét với hai cấu phần chính gồm TTCK và thị trường tín dụng trung, dài hạn.
Sau hơn 20 năm xây dựng thị trường chứng khoán (TTCK), cấu trúc thị trường vốn Việt Nam đã được định hình rõ nét với hai cấu phần chính gồm TTCK và thị trường tín dụng trung, dài hạn.
Khi mới mở cửa vào năm 2000, vốn hóa của TTCK chỉ đạt 986 tỷ đồng, tương đương 0,28% GDP nhưng tính đến cuối năm 2020, mức vốn hóa thị trường đã tương đương 83% GDP. Hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp (DN), ngân hàng huy động qua TTCK mà như một số chuyên gia kinh tế đã đúc kết: Không có TTCK, Việt Nam không thể có DN, doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới những năm gần đây. Thế nhưng, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, tỷ lệ huy động vốn qua TTCK còn rất thấp; tính đa dạng của hàng hóa trên thị trường còn kém làm cho mức biến động trên thị trường cao. Khi hàng hóa thuộc một nhóm ngành gặp khó khăn, nhà đầu tư bán đi nhưng rất khó để lựa chọn được mã khác để đầu tư thay thế, hệ quả là kéo thị trường đi xuống. Bên cạnh đó, các chức năng tự ổn định (thị trường phái sinh) của thị trường mới phát triển chưa đủ để hạn chế các biến động chung của thị trường.
Vì vậy, trong sáu kênh dẫn vốn cho sản xuất, kinh doanh, tín dụng thương mại vẫn là kênh “chịu tải” nhiều nhất. Thông tin được các tổ chức nghiên cứu trong nước công bố gần đây cho thấy, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã tăng từ mức 17% thời điểm năm 1996 lên 146% vào cuối năm 2000. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng duy trì mức cao so với khu vực trong suốt 10 năm qua khiến tăng trưởng nguồn vốn này đã gần tới hạn. Việc tăng trưởng tín dụng quá cao sẽ dẫn tới những bất ổn kinh tế. Trong quá khứ, những năm 2006-2007, tín dụng tăng trưởng cao đã gây ra hệ lụy lạm phát, bất ổn kinh tế trong suốt giai đoạn 2008-2013 mà đến nay chúng ta vẫn tiếp tục phải khắc phục. Thế nhưng, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5%-7% trong 5 năm tới, nhu cầu vốn đầu tư xã hội rất lớn, trong khi đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 20%. Khoảng hơn 10 triệu tỷ đồng còn lại chủ yếu phải trông chờ vào thị trường vốn, nhưng tăng trưởng tín dụng không thể đáp ứng hết được vì dư nợ đã đến hạn. Hơn nữa, bản chất của tín dụng chủ yếu là cung cấp nguồn vốn ngắn hạn. Do đó, việc phát triển thị trường vốn, nhất là TTCK để cung cấp đủ vốn trung và dài hạn, đồng thời để nền kinh tế giảm bớt sự phụ thuộc vào tín dụng là yêu cầu đặt ra cấp thiết.
Ðể phát triển cân bằng thị trường vốn, bảo đảm yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn mới, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị cần tăng cường quản lý, giám sát để thị trường vốn phát triển bền vững, đồng bộ giữa các cấu phần và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Thực hiện tốt các giải pháp thị trường vốn với nòng cốt là TTCK hoạt động công khai, minh bạch, bền vững, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường; nâng cao tính cạnh tranh, vận hành thị trường theo xu hướng và thông lệ quốc tế…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/phat-trien-can-bang-thi-truong-von-640919/