Phát triển cây ăn quả có múi ở các tỉnh phía bắc

Những năm gần đây, nghề trồng cây ăn quả có múi ở các tỉnh phía bắc ngày càng phát triển cả về diện tích cũng như trình độ thâm canh qua đó hình thành nên những vùng sản xuất quy mô lớn. Tuy nhiên, sự tăng trưởng về diện tích và sản lượng còn manh mún, bấp bênh, do đó cần có chiến lược đầu tư hợp lý để phát triển nguồn cây đặc sản này một cách bền vững.

Người dân thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) thu hoạch cam.

Người dân thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) thu hoạch cam.

Phát huy lợi thế vùng, miền

Với điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi và hiệu quả kinh tế cao, cây có múi ở nước ta được trồng từ lâu đời, qua quá trình chọn lọc đã hình thành nên những loại quả đặc sản gắn với vùng miền như cam Xã Ðoài (Nghệ An), cam Bù (Hà Tĩnh), cam Sành (Hà Giang), cam Canh (Hà Nội), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), bưởi Diễn (Hà Nội), bưởi Ðoan Hùng (Phú Thọ)... và các loại quýt, như quýt đỏ (Hà Giang), quýt vàng (Lạng Sơn), quýt Sen (Yên Bái)... Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, diện tích trồng cây ăn quả có múi tăng nhanh hằng năm. Năm 1990 cả nước có hơn 19 nghìn ha cam, quýt, với sản lượng 119.238 tấn, đến năm 2011, diện tích trồng cây có múi đã tăng lên khoảng 135 nghìn ha với sản lượng gần 1,35 triệu tấn. Diện tích và sản lượng cây có múi tăng đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều vùng quê.

Về thăm vườn cam của gia đình anh Ðinh Công Bình ở đội 7, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) được anh chia sẻ: Gia đình trồng hơn một ha cam Xã Ðoài, năng suất đạt khoảng 60 tấn, bán với giá trung bình 12 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình thu lãi khoảng 600 triệu đồng. Tuy nhiên, vườn cam Xã Ðoài của gia đình trồng cách đây đã 18 năm, năng suất và chất lượng giảm đáng kể. Hiện nay, anh Bình đang triển khai trồng thêm khoảng một ha, chủ yếu là giống cam V2, loại cam có năng suất, chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Anh Bình tin tưởng, chỉ vài năm nữa, khi vườn cam V2 cho quả, cùng với giá như hiện nay thì việc làm giàu của người nông dân chúng tôi là không khó. Những người như anh Bình ở Cao Phong không hiếm. Nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của thị trường, anh Ðặng Tiến Học cũng ở đội 7, thị trấn Cao Phong tập trung trồng các loại cam đặc sản như cam V2, cam Canh... Sau 5 năm, vườn cam của gia đình anh đã cho năng suất trung bình hơn 40 tấn/ha. Với khoảng ba ha cho thu hoạch hơn 120 tấn, giá bán trung bình từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg, gia đình anh thu về gần ba tỷ đồng từ tiền bán cam.

Xác định bưởi là loại cây trồng chiếm ưu thế, những năm qua huyện Ðoan Hùng (Phú Thọ) nỗ lực đưa địa phương trở thành vùng sản xuất hàng hóa bưởi đặc sản. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt triển khai dự án phục tráng 1.000 ha bưởi Sửu Chí Ðám và bưởi Bằng Luân, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng tên gọi, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, huyện Ðoan Hùng đã đưa mục tiêu phát triển cây bưởi thành một trong năm Chương trình nông nghiệp trọng điểm; đồng thời triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để giữ vững và duy trì thương hiệu đã có.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Ðoan Hùng có hơn 3.000 hộ gia đình tham gia trồng bưởi, với tổng diện tích khoảng 1.400 ha (chủ yếu là trồng bưởi theo dự án), trong đó diện tích đã cho thu hoạch khoảng 800 ha. Nhờ áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật như bón phân, tỉa cành tạo tán, phòng trừ sâu bệnh... cho nên các vườn bưởi sinh trưởng và phát triển khá đồng đều. Theo khảo sát của chúng tôi, tại các vườn, giống bưởi Sửu Chí Ðám, năng suất bình quân đạt 60 quả/cây (cá biệt có cây 150 quả), lãi thuần mang lại là 669 triệu đồng/ha; bưởi Bằng Luân, năng suất bình quân đạt 80 quả/cây, lãi thuần hơn 307 triệu đồng/ha. Bước đầu, bưởi đã giúp nông dân Ðoan Hùng thoát nghèo và dần trở nên giàu có...

Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Luân Ngô Quốc Phòng phấn khởi cho chúng tôi biết: Nhờ thời tiết thuận lợi, lại được Nhà nước hỗ trợ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây bưởi, cho nên năm nay, người dân Bằng Luân được mùa bưởi. Tổng thu hoạch của các hộ trồng bưởi trong xã ước đạt từ năm đến bảy tỷ đồng. Trong đó, hộ nhiều được từ 80 đến hơn 100 triệu đồng, hộ ít cũng được vài chục triệu đồng. Hiện trong xã vẫn còn một số cây bưởi "tổ" 70 đến 80 năm tuổi và khoảng vài trăm cây bưởi 50 năm tuổi đang cho quả rất "sung sức", từ 200 đến 500 quả/cây, thậm chí nếu đứng tách biệt một mình, có thể cho gần 1.000 quả/cây.

Ông Ðặng Ðình Miện, người trồng bưởi lâu năm ở xã Chí Ðám cho biết, trong vườn nhà ông hiện có hơn 60 gốc bưởi, trong đó có ba cây hơn 30 năm tuổi. Hiện tại, mỗi quả bưởi Sửu có giá bán từ 60 đến 80 nghìn đồng/quả. Những quả bưởi to, thường bán để người dân thờ Tết có thể lên đến 100 nghìn đồng. Nhờ cây bưởi, trong vài năm gần đây, nhiều gia đình ở Chí Ðám đã giàu lên trông thấy. Còn anh Nguyễn Ðức Hoạch ở thôn Chí 2, xã Chí Ðám cho biết, gia đình hiện có 40 gốc bưởi, dự kiến cho thu hoạch hơn 1.000 quả. Với giá bán 50 nghìn đồng/quả như hiện nay, cũng sẽ thu được gần 100 triệu đồng.

Cần chiến lược phát triển bền vững

Thực tế đã chứng minh, cây có múi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại nhiều vùng quê. Tuy nhiên, sự phân bố vùng trồng cây ăn quả có múi không đồng đều. Diện tích trồng cây có múi ở phía bắc chỉ khoảng 46.800 ha chiếm 34,67% diện tích và sản lượng cũng chỉ ở mức khiêm tốn bằng 15,55% cả nước. Vì vậy, để phát triển bền vững cũng như giữ vững thương hiệu vùng cây ăn quả có múi đặc sản, rất cần có những chính sách mang tầm vĩ mô được triển khai một cách kịp thời. Cụ thể, với những vùng cây có múi truyền thống như cam Bắc Quang, Vị Xuyên (Hà Giang), Hàm Yên (Tuyên Quang), cam Cao Phong (Hòa Bình), bưởi Ðoan Hùng (Phú Thọ) cần đầu tư thâm canh cao và sản xuất theo VietGAP để nâng cao năng suất và giá trị hàng hóa. Trước mắt chọn một số diện tích, địa phương cấp xã làm chỉ dẫn địa lý, tiến tới xây dựng thương hiệu cam, quýt, bưởi cho từng vùng. Mặt khác, cần quy hoạch vùng phát triển mới tập trung cây có múi trên cơ sở đất lúa kém hiệu quả, đất nương rẫy, vườn tạp, đất cây trồng khác hiệu quả thấp... song cần bảo đảm vùng sạch nguồn bệnh có hại. Mặt khác, cần xây dựng các mô hình liên kết sản xuất cây có múi theo chuỗi giá trị, trong đó lấy doanh nghiệp cung cấp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm làm trung gian kết nối. Mỗi tỉnh cần xây dựng một mô hình liên kết có sự hỗ trợ cao để vận hành khép kín từ sản xuất (vật tư, thuốc bảo vệ thực vật đầu vào đạt tiêu chuẩn, giá cả hợp lý) để sản xuất ra sản phẩm năng suất cao, mẫu mã đẹp, an toàn cho doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc ban hành và thực thi chính sách hỗ trợ mô hình về vật tư, kỹ thuật, quảng bá sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu cây có múi.

TUẤN NGỌC và HÙNG LONG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/tin-tuc/item/22478102-phat-trien-cay-an-qua-co-mui-o-cac-tinh-phia-bac.html