Phát triển cây ăn quả ở Hà Nội: Gỡ 'nút thắt' để đột phá

Trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều vườn cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập tốt cho hộ nông dân, nhưng cũng có không ít vườn cây giá trị kinh tế thấp, sản phẩm tiêu thụ khó khăn… Ngành Nông nghiệp Thủ đô đang triển khai nhiều giải pháp, tháo gỡ những 'nút thắt' để tạo đột phá, phát triển cây ăn quả trở thành cây trồng chủ lực, đứng vững trên thị trường.

Hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, xây dựng thương hiệu, kết nối hoạt động tiêu thụ, sẽ góp phần nâng cao giá trị của cây ăn quả. Trong ảnh: Cây cam mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân xã Kim An (huyện Thanh Oai). Ảnh: Thái Hiền

Đối diện nhiều thách thức

Thành phố Hà Nội là trung tâm giao thương lớn của cả nước nên không chỉ các loại hoa quả của các tỉnh lân cận được chuyển về tiêu thụ mà còn từ nước ngoài và nhiều tỉnh, thành phố khác. Trong một thị trường mở, nhiều sản phẩm cây ăn quả của Hà Nội như bưởi, cam, nhãn… bị cạnh tranh gay gắt ngay trên “sân nhà”.

Bà Nguyễn Thị Thuận, hộ trồng bưởi tại xã Nghĩa Hương (huyện Quốc Oai) cho biết: Trong niên vụ năm 2020-2021, việc tiêu thụ bưởi của gia đình rất khó khăn, giá bán chỉ từ 8.000 đồng đến 15.000 đồng/quả. Nhiều hộ trồng bưởi tại xã Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa) và các địa phương khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Không chỉ với bưởi - cây ăn quả chủ lực của Hà Nội, nhiều thời điểm trong năm, việc tiêu thụ cam Canh, chuối, nhãn tại một số vùng cũng hết sức nan giải. Tình trạng “được mùa, mất giá” khiến nhiều hộ nông dân điêu đứng…

Tuy nhiên, cũng có một thực tế khác, tại một số địa phương, ngày càng có nhiều hộ nông dân thu tiền tỷ từ vườn cây ăn quả. Anh Phùng Văn Hà ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) cho biết: Gia đình có 4,5ha với hơn 1.600 gốc bưởi Diễn. Niên vụ 2020-2021, giá bán tại vườn là 25.000 đồng/quả, trừ các khoản chi phí, gia đình thu về gần 1,5 tỷ đồng tiền lãi. Còn gia đình chị Nguyễn Thị Phương ở xã Kim An (huyện Thanh Oai) chỉ với 5.000m2 đất đã mang lại nguồn thu hơn 1 tỷ đồng từ trồng bưởi cảnh và bưởi quả nhờ kỹ thuật thâm canh tốt... Phát huy lợi thế đồng đất, nhiều hộ dân ở xã Thuần Mỹ, Chu Minh..., huyện Ba Vì đầu tư trồng chuối tiêu hồng và nhiều hộ dân ở xã Song Phương (huyện Hoài Đức) phát triển loại nhãn chín muộn xuất khẩu đều cho giá trị kinh tế đạt hơn 1 tỷ đồng/ha.

Vì sao có tình trạng nêu trên? Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa cho rằng, những vườn cây ăn quả đặc sản, thâm canh tốt, kỹ thuật cao, đạt tiêu chuẩn hữu cơ thì thương lái đặt mua ngay tại vườn với giá cao. Còn các vườn chất lượng quả kém hoặc thiếu sự liên kết rất khó tiêu thụ… “Hà Nội luôn thiếu các loại quả ngon, đặc sản nhưng lại dư thừa các loại quả chất lượng ở mức trung bình”, bà Hoàng Thị Hòa cho biết thêm.

Các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đánh giá, diện tích cây ăn quả của Hà Nội còn phân tán, chưa hình thành được vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn nên rất khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ cao cũng như tổ chức liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Mặt khác, người dân chưa quan tâm tới việc sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm… Do đó, việc phát triển cây ăn quả của Hà Nội đang đối diện với nhiều thách thức.

Chăm sóc dưa lưới tại xã Hồng Quang (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Tùng Sơn

Đột phá bằng tư duy mới

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, diện tích cây ăn quả của thành phố tính đến hết năm 2020 là 21.800ha, trong đó có tới 30% diện tích cho năng suất thấp, chất lượng không đồng đều. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, tăng diện tích cây ăn quả lên 25.000ha, trước mắt, trong năm 2021, sẽ cải tạo hơn 1.000ha cây ăn quả, trồng mới khoảng 500ha theo hướng công nghệ cao.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Cùng với việc hỗ trợ các loại giống đầu dòng, chất lượng cao cho diện tích trồng mới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh thay thế các giống cây trồng bị thoái hóa. Ví dụ như ghép mắt giống nhãn chín muộn để cải tạo các vườn nhãn già cỗi, thay thế giống chuối nhập khẩu để kháng sâu bệnh… Đồng thời, thành phố tập trung đầu tư vào bảo quản, sơ chế sản phẩm sau thu hoạch như: Bảo quản nhãn, ổi bằng chế phẩm nano bạc; hoàn thiện công nghệ cấy mô, phát triển sản xuất hàng hóa chuối tiêu hồng… Bên cạnh việc tích cực kết nối với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả cho nông dân, Hà Nội cũng đang triển khai nhiều giải pháp tìm kiếm thị trường mới, hướng tới xuất khẩu.

Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết: Huyện đã quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, huy động các nguồn lực để hỗ trợ giống chất lượng cao cho nông dân… Tương tự, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến thông tin: Huyện đã xây dựng xong bản đồ vùng trồng, xác định rõ từng khu vực để phát triển những loại cây ăn quả phù hợp. Thời gian tới, Chương Mỹ tiếp tục tổ chức các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với hệ thống siêu thị, chợ đầu mối và những thị trường ngoài địa phương.

Từ góc độ người trực tiếp sản xuất, ông Phùng Văn Hà ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) chia sẻ: Để các vùng cây ăn quả cho hiệu quả cao, điều quan trọng nhất là người trồng phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, cần áp dụng quy trình VietGAP, chăm sóc hữu cơ.

Với việc hình thành tư duy mới trong sản xuất cũng như đề ra những giải pháp căn cơ nhằm hình thành được vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, xây dựng thương hiệu, kết nối hoạt động tiêu thụ… Hà Nội đã và đang cố gắng nâng cao giá trị của cây ăn quả, tạo đột phá trên thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp.

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/997577/phat-trien-cay-an-qua-o-ha-noi-go-nut-that-de-dot-pha