Phát triển cây gai xanh phục vụ chế biến

Ngày 24-4-2018, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1484/QĐ-UBND về phê duyệt đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đây được xem là căn cứ quan trọng để các địa phương trên địa bàn tỉnh mở rộng vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh phục vụ chế biến.

Diện tích trồng cây gai xanh phục vụ chế biến tại xã Tân Phúc (Lang Chánh).

Mục tiêu của đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2021-2025 diện tích trồng cây gai xanh trong vùng là 3.457 ha, đến năm 2025 diện tích đất trồng gai xanh nguyên liệu phát triển lên 6.457 ha, với năng suất toàn vùng bình quân 110 tấn gai tươi/ha/năm, tổng sản lượng 700.000 tấn gai tươi/năm (bao gồm thân, vỏ, lá). Diện tích và sản lượng nói trên sẽ được giữ ổn định đến năm 2030. Đề án cũng định hướng rõ diện tích trồng cây gai cho từng địa phương theo từng giai đoạn cụ thể.

Bám sát định hướng của đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ chế biến, những năm qua, các địa phương đã tập trung thực hiện các giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh. Tuy nhiên, đến nay, phát triển diện tích trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh đang chậm so với mục tiêu của đề án.

Đơn cử như huyện Cẩm Thủy, được định hướng trong giai đoạn 2018-2020 sẽ phát triển 801 ha cây gai xanh tại 11 xã, đến giai đoạn 2021-2025, diện tích trồng cây gai xanh sẽ được mở rộng lên 1.080 ha tại 16 xã và giữ ổn định đến năm 2030. Để thực hiện mục tiêu phát triển diện tích cây gai xanh trên địa bàn, thời gian qua, huyện Cẩm Thủy đã tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp, HTX, các hộ dân phát triển cây gai xanh lấy sợi phục vụ cho Nhà máy sợi dệt tại xã Cẩm Tú. Đẩy mạnh công tác tích tụ, tập trung đất đai hoặc liên kết góp ruộng tạo thành vùng sản xuất lớn để trồng cây gai xanh theo quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa đồng bộ nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích. Tuy nhiên, đến nay, diện tích trồng cây gai xanh của toàn huyện mới được 64,6 ha, đạt 8% so với mục tiêu đề ra trong đề án.

Bá Thước cũng là 1 trong 12 huyện được định hướng phát triển diện tích trồng cây gai xanh phục vụ chế biến, nhưng đến nay, toàn huyện mới phát triển được 24,7 ha (mục tiêu đề ra là 344 ha).

Là chủ đầu tư của Dự án Nhà máy sợi dệt An Phước tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy), công suất 10.000 cọc sợi/năm, tổng mức đầu tư 627,9 tỷ đồng, thời gian qua, Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước, Hà Nội đã phối hợp với UBND các huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị, tiềm năng và hiệu quả kinh tế của cây gai xanh; đồng thời, triển khai thực hiện các mô hình trồng gai xanh tại nhiều xã; trong đó, tập trung ưu tiên phát triển những diện tích có đủ điều kiện đầu tư thâm canh, người dân có trình độ sản xuất, tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao cho những năm tiếp theo. Phối hợp với UBND các huyện xây dựng dự án phát triển và mở rộng cây gai xanh; đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cây gai xanh phù hợp với thực tế sản xuất của địa phương. Bên cạnh đó, luôn bảo đảm đủ nguồn cây giống chất lượng, với giá cả hợp lý để cung ứng cho bà con nông dân. Thế nhưng, diện tích trồng cây gai xanh được liên kết với công ty trên địa bàn toàn tỉnh hiện mới chỉ phát triển được 152,1 ha; trong đó, diện tích lưu gốc chỉ đạt 77,8 ha, trồng mới là 74,3 ha và so với mục tiêu đề ra của đề án mới đạt 4,4%.

Hiện nay, Nhà máy sợi dệt An Phước tại xã Cẩm Tú đã hoàn thành đầu tư xây dựng 100% các hạng mục, để đi vào hoạt động bảo đảm công suất, nhà máy cần một nguồn nguyên liệu lớn. Do đó, vấn đề đặt ra lúc này là công ty cần phối hợp với các địa phương để mở rộng nhanh diện tích trồng cây gai xanh. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phát triển mối quan hệ liên kết chặt chẽ, bền vững, lâu dài giữa doanh nghiệp chế biến với các địa phương, tổ chức, hộ gia đình trồng cây gai nguyên liệu trên cơ sở thỏa thuận và hài hòa lợi ích, hai bên cùng có lợi. Doanh nghiệp thu mua, chế biến gai xanh phải ban hành và thực hiện phương thức thu mua và thanh toán nhanh, gọn, dễ dàng, thuận lợi cho người dân.

Bài và ảnh: Tiến Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-cay-gai-xanh-phuc-vu-che-bien/124057.htm