Phát triển cây măng tây xanh ở vùng đất núi
Sinh sống tại TP. Long Xuyên, trước giờ ông Hồ Xuân Nghiệp chưa từng bắt tay sản xuất nông nghiệp. Vậy mà, sau lần tình cờ biết đến tác dụng và thị trường của cây măng tây, ông Nghiệp quyết tâm tìm hiểu và phát triển mô hình này ở vùng đất núi thuộc xã Tân Lợi (Tịnh Biên), trước sự tò mò của người dân ở địa phương.
Mô hình đầu tiên
Bắt đầu từ tháng 6-2019, ông Hồ Xuân Nghiệp quyết định cải tạo diện tích 5.000m2 đất ở ấp Tân Long để trồng cây măng tây xanh. Trước đó, để bắt đầu thực hiện mô hình, ông Nghiệp đã bỏ thời gian, công sức ra tận tỉnh Ninh Thuận để nghiên cứu và học tập kinh nghiệm từ những người nông dân trồng măng tây ở nơi đây. Theo ông Nghiệp, khí hậu và đất ở Tân Lợi có nhiều điểm tương đồng với vùng trồng măng tây ở Ninh Thuận.
“Lúc đó, tôi ở Ninh Thuận hơn 1 tuần, nên có nhiều thời gian để quan sát vùng đất ở đó, dù là đất cát pha nhưng vẫn giữ được chất dinh dưỡng, còn ở xứ mình chủ yếu là cát, nếu không bổ sung dinh dưỡng thì cây măng tây khó lòng bám rễ được” - ông Nghiệp giải thích. Bởi vậy, khi bắt tay vào trồng cây măng tây xanh, ông Nghiệp tập trung vào khâu làm đất, bổ sung dưỡng chất bằng các loại phân hữu cơ, như: phân trùn quế, phân bò... nhờ vậy đã cải thiện dinh dưỡng cho đất, giúp măng tây phát triển tốt nhất.
Ngay từ khi xuống giống, ông Nghiệp phối trộn hơn 40 tấn phân bò, phân trùn quế. Do đặc thù là đất cát, dễ bị mưa xói mòn, rửa trôi, ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như năng suất cây măng tây. Trong quá trình chăm sóc, ông Nghiệp còn bổ sung thêm 30 tấn để vô chân giúp cây măng tây bám rễ và phát triển tốt. Song song đó, khi làm đất, lên liếp xuống giống cây măng tây, ông Nghiệp còn dùng ván gỗ gòn xẻ mỏng và ốp vào liếp đất, hạn chế tình trạng rửa trôi đất khi gặp mưa lớn. Từ đầu, ông Nghiệp đã định hướng mô hình trồng măng tây xanh của mình sẽ sản xuất theo chuẩn VietGAP, nên từ khâu ươm cây giống, chăm sóc đều tuân thủ nguồn nước tưới sạch, phân bón hữu cơ nên thành phẩm đảm bảo độ sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Ngoài hệ thống tưới nhỏ giọt, ông Nghiệp còn đầu tư thêm máy phun mưa để tạo độ ẩm thích hợp cho cây măng tây xanh
Hiệu quả khả quan
Sau 9 tháng chăm sóc, vườn măng tây của ông Nghiệp bắt đầu cho thu hoạch với năng suất ổn định, khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Thời điểm thu hoạch rộ, mỗi ngày vườn măng của ông thu hoạch từ 17-20kg, giá bán lẻ dao động từ 60.000-100.000 đồng/kg, tùy loại lớn, nhỏ. “Hầu như, vườn măng tây xanh của tôi cho thu hoạch quanh năm, lúc rộ thì thu nhiều, còn lại cũng lai rai có hoài. Cái quan trọng là kỹ thuật chăm sóc, mình cần cung cấp đủ nước, dưỡng chất để cây măng tây khỏe thì sẽ có năng suất” - ông Nghiệp cho hay.
Trong nhà ông Nghiệp lúc nào cũng có vài thùng chế phẩm EM, phân NPK hữu cơ, được ông tự ủ từ bã đậu nành, khoai mì... làm phân bón cho cây măng tây xanh. Đây hoàn toàn là những nguyên liệu được ông tận dụng từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương, tiết kiệm chi phí, quan trọng nhất tạo ra được sản phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng. Cứ như vậy, cách 2-3 ngày, ông Nghiệp sẽ bơm dưỡng chất vào hệ thống tưới nhỏ giọt (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên hỗ trợ) gắn sẵn để bổ sung dinh dưỡng cho cây măng tây của mình. Bên cạnh đó, do là đất cát, nước rất dễ bốc hơi, nên việc duy trì độ ẩm cho đất rất quan trọng. Chính vì vậy, ông Nghiệp còn đầu tư thêm hệ thống phun mưa tự động. “Gắn thêm hệ thống này, độ ẩm trong đất mới thích hợp cho cây măng tây xanh phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng ổn định” - ông Nghiệp chia sẻ kinh nghiệm.
Thay vì chọn mua cây giống ươm sẵn, ông Nghiệp tự mình nghiên cứu giống và mua hạt về ươm cây con. Theo ông Nghiệp, việc ươm cây giống măng tây không khó, tuy nhiên cần phải chọn mua hạt nơi uy tín và đúng kỹ thuật, tỷ lệ thành công mới cao. Hiện tại, sau lần đầu thử nghiệm thất bại, ông Nghiệp rút ra bài học cho bản thân, đến nay đã thành công khi tỷ lệ nảy mầm và cây sống đạt trên 90%. Hiện tại, đã có nhiều nông dân đến tham quan mô hình măng tây xanh của ông Nghiệp và đặt số lượng lớn cây giống đem về trồng ở khu vực chân núi Cấm. Mô hình trồng măng tây xanh của ông Nghiệp được coi là hướng chuyển đổi trong nông nghiệp mà bà con nông dân ở địa phương có thể tham quan, học hỏi và áp dụng.
ÁNH NGUYÊN
Sản phẩm măng tây xanh của ông Nghiệp được khách hàng đánh giá là ngon, ngọt, giữ được độ giòn, non nên dễ dàng kết nối được với các quán ăn, nhà hàng ở địa phương và TP. Long Xuyên. Từ đó, không còn lo cho đầu ra của sản phẩm.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-trien-cay-mang-tay-xanh-o-vung-dat-nui-a294159.html