Phát triển cây trồng hữu cơ đúng hướng

Phát triển cây trồng hữu cơ có nhiều lợi ích như nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái... Tuy nhiên, để phát triển cây trồng hữu cơ đúng hướng đòi hỏi ngành Nông nghiệp Thủ đô và các đơn vị liên quan cần tìm ra và thực hiện những giải pháp đồng bộ, lâu dài...

Mô hình trồng bưởi hữu cơ tại xóm Núi Bé, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Tùng Sơn

Hình thành nhiều mô hình sản xuất hữu cơ

Là một trong những hợp tác xã sản xuất rau, củ có diện tích lớn của huyện Thạch Thất, trước đòi hỏi của thị trường, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hương Ngải (xã Hương Ngải) đang tích cực cải tạo đất và hạ tầng sản xuất để chuyển hơn 10ha rau trồng theo mô hình VietGAP sang trồng theo phương thức hữu cơ. Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Đỗ Ban chia sẻ: "Nhận thấy sản xuất hữu cơ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường, sản phẩm cũng được người tiêu dùng ưa thích nên chúng tôi chuyển sang hướng này để bảo đảm phát triển bền vững".

Trong khi đó, trang trại rau hữu cơ Đại Ngàn (huyện Thạch Thất) đã phát triển được nhiều sản phẩm có vị thế trên thị trường. Ông Nguyễn Anh Tuấn, phụ trách trang trại rau hữu cơ Đại Ngàn thông tin: Hiện diện tích trồng cây hữu cơ của trang trại khoảng hơn 30ha và đã có 46 sản phẩm rau hữu cơ đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), được bán tại hệ thống siêu thị AEON, với lượng tiêu thụ ngày một tăng.

Tại huyện Chương Mỹ, các mô hình nông nghiệp hữu cơ cũng đang lan tỏa mạnh mẽ. Ông Nguyễn Trí Năm ở xóm Núi Bé (xã Nam Phương Tiến) cho biết: Ba năm trở lại đây, gia đình đã chuyển sang sản xuất bưởi hữu cơ, sản phẩm bán tại vườn cho thu nhập ít nhất 200 triệu đồng/ha/năm, giá trị hơn trồng bưởi theo phương pháp truyền thống khoảng 50 triệu đồng/ha/năm. Hiện trên địa bàn huyện Chương Mỹ có nhiều mô hình trồng bưởi hữu cơ với quy mô 1-5ha.

Theo Sở NN&PTNT, mô hình sản xuất hữu cơ đã mở rộng tới hầu hết các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố (diện tích đạt chứng nhận sản xuất hữu cơ là 200ha; diện tích theo hướng hữu cơ là gần 10.000ha). Hiện đã có hàng nghìn sản phẩm hữu cơ tham gia OCOP. Ngoài ra, thành phố đã có gần 10.000ha lúa canh tác theo hướng hữu cơ, cho giá trị cao hơn 15-17 triệu đồng/ha/năm so với phương pháp canh tác truyền thống.

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết: "Các mô hình cây trồng theo hướng hữu cơ của Hà Nội tuy năng suất không tăng nhưng chất lượng sản phẩm vượt trội, giá thành cao hơn từ 10% đến 30%, đáp ứng được nhu cầu của phân khúc thị trường cao cấp".

Nâng cao chất lượng, giá trị

Sản xuất hữu cơ đã mang lại nhiều lợi ích, đáp ứng nhu cầu thị trường và cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp, nhưng người nông dân cũng đối mặt với một số khó khăn nhất định.

Theo ông Nguyễn Trí Năm (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ), bưởi được trồng hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên mẫu mã sản phẩm vẫn có điểm hạn chế. Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới, các mô hình trồng bưởi theo hướng hữu cơ ở xã Vân Hà (huyện Phúc Thọ), xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai)… có chung tình trạng này.

Mặt khác, như ông Nguyễn Anh Tuấn, trang trại rau hữu cơ Đại Ngàn chia sẻ: “Sản xuất hữu cơ phải bỏ công sức nhiều hơn hẳn so với sản xuất thông thường nhưng giá sản phẩm chưa tương xứng với công sức lao động dù thực tế có cao hơn”. Chưa kể, trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật không có nhiều sản phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng; các loại phân để thay thế phân vô cơ còn hạn chế...

Để mở rộng diện tích cây trồng theo hướng hữu cơ, nâng cao giá trị sản phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan thông tin: Thời gian tới, địa phương sẽ hỗ trợ các xã, hợp tác xã xây dựng mô hình; kết nối các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư… cho sản xuất hữu cơ. Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết: Huyện sẽ hỗ trợ các mô hình sản xuất hữu cơ gắn với du lịch nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị nông sản cũng như thu nhập cho nông dân.

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay: Năm 2020, Hà Nội đã hoàn thiện thí nghiệm và ban hành quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Trước đó, thành phố cũng đã ban hành 30 quy trình sản xuất rau hữu cơ làm tiền đề để mở rộng diện tích mỗi năm ít nhất từ 1.000ha trở lên và có từ 20ha đến 50ha đạt chứng nhận hữu cơ. Mặt khác, Hà Nội lồng ghép việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm để hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường...

Sản xuất hữu cơ là hướng tất yếu, phù hợp với nhu cầu thị trường. Cùng với nỗ lực của ngành Nông nghiệp và các địa phương, người sản xuất cần nghiêm túc thực hiện các quy trình sản xuất hữu cơ, làm nên giá trị bằng chất lượng sản phẩm, từ đó tạo sức hấp dẫn với người tiêu dùng.

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/987383/phat-trien-cay-trong-huu-co-dung-huong