Phát triển cây xanh hữu ích

Trong quá trình phát triển cây xanh của một thành phố, người ta nhận ra một điều quan trọng rằng không phải cứ 'xanh' nhiều là tốt. Cây xanh, mảng xanh phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích như thế nào phụ thuộc vào thiết kế mảng xanh và loại cây xanh.

Diện tích cây xanh tính trên đầu người là một trong 42 tiêu chí đo lường chất lượng sống đô thị. Khi xếp hạng một thành phố thì cây xanh là một trong các tiêu chí xếp nhóm hàng đầu, đứng trên tiêu chí giá nhà đất.

So sánh với tiêu chí mảng xanh của các thành phố châu Á thì TPHCM rất thấp. Tiêu chuẩn cây xanh ở đô thị châu Âu là 12-15m²/người; ở đô thị châu Á là 8-10m²/người. Trong khi đó, TPHCM hiện chỉ đạt 0,5-0,7m²/người (trong báo cáo của Cục Thống kê TPHCM đạt 1,3m²/người là tính cả rừng ngập mặn Cần Giờ).

Mật độ cây xanh trên đầu người của TPHCM thấp một phần do dân số tăng nhanh, tỷ lệ bị kéo thấp xuống và cũng do phát triển nóng. Sau gần 30 năm chỉnh trang đô thị các quận 1, 3 (quận trung tâm), diện tích dành cho cây xanh giảm khoảng 35%. Các công trình cũ đập bỏ để xây mới bao giờ cũng phình ra to hơn. Chẳng hạn, các biệt thự ở quận 1, 3 khi chuyển sang nhà phố thì hầu như tất cả các diện tích cây xanh trong khuôn viên bị thu hẹp đáng kể.

Thêm vào đó các công viên lớn bị xẻ thịt để sử dụng vào các mục đích khác. Công viên Tao Đàn bị mất hơn 1.000m² đất cho Trung tâm Thể dục thể thao Nguyễn Du, các nhà hàng, rạp chiếu phim, cửa hàng bán đồ thể thao và mở đường xuyên qua công viên. Công viên Gia Định, Công viên Hoàng Văn Thụ cũng bị mở đường cắt qua làm mất đi hàng ngàn mét vuông đất công viên. Thậm chí có công viên nổi tiếng bị xóa để xây cao ốc như Công viên Chi Lăng (quận 1) trước cửa cao ốc Vincom. Không dừng lại, nhiều công viên còn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi công trình xây mới như Công viên Lê Văn Tám, Công viên Tao Đàn (đều làm bãi đậu xe ngầm), Thảo Cầm viên (mở rộng viện bảo tàng lịch sử).

Cây xanh ở TPHCM ít và chủ yếu phân tán. Cây xanh phân tán được trồng trên vỉa hè (thường rất hẹp) nên không mang lại nhiều giá trị nhưng gây cản trở tầm nhìn người đi đường, cản trở người đi bộ, phá hỏng vỉa hè. Trên thế giới người ta không đề cao cây xanh phân tán mà ưu tiên cho cây xanh tập trung. Các rừng cây tự nhiên trong thành phố, các công viên sinh thái, các khu vườn với nhiều cây tập trung đã cải thiện đời sống đô thị hơn hẳn những cây xanh phân tán. Những khu cây xanh tập trung cũng là nơi nghỉ ngơi, thư giãn cho người dân. Ngoài ra, các rừng cây tập trung còn được ví như lá phổi của thành phố vì có giá trị rất cao trong điều hòa khí hậu.

Để phát triển mảng xanh, trước hết phải tư duy lại giá trị cây xanh và mảng xanh đô thị. Việc dành đất cho công viên, cây xanh ở các dự án phải được luật hóa. Điều này nhằm đảm bảo tất cả nhà đầu tư dự án không bớt xét diện tích mảng xanh đưa làm đất thương mại. Đồng thời tăng cường kiểm soát và có hình thức chế tài nghiêm minh, nhằm đảm bảo các chỉ tiêu cây xanh, công viên được đảm bảo. Đặc biệt, khi phát triển các khu dân cư mới ở ngoại thành thì không được bỏ qua nhiệm vụ đầu tư cho công viên, cây xanh.

Cùng đó là việc chú trọng phát triển cây xanh tập trung. Khi nhiều cây xanh tập trung sẽ tạo ra công viên, rừng cây và như thế sẽ có lợi về kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường, hơn là cây xanh phân tán trồng trên vỉa hè. Nếu thành phố phát triển thành công rừng cây kết hợp với vườn thú Safari ở Củ Chi sẽ tạo ra một điểm nhấn thu hút dân cư vào những ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ cho TPHCM.

Ở các quận trung tâm như 1, 3, một phần quận 4 (trong kế hoạch mở rộng khu vực trung tâm) và quận 5 thì kiên quyết giữ lại các công viên, các dải cây xanh. Nếu phải bỏ đi để làm công trình công cộng thì phải thực hiện nguyên tắc “bù”, là lấy đi bao nhiêu phải bù lại bấy nhiêu và không được ít hơn.

Hiện nay, đất chật, người đông và đất không còn nhiều nên phải đưa màu xanh lên cao, theo chiều thắng đứng. Việc tạo dựng các mảng xanh trên nóc nhà, sân thượng, các dải mành cây ở mặt tiền và theo sườn nhà sẽ làm gia tăng mảng xanh và giảm sức nóng. Ngoài ra, hình thái cây xanh mới như công viên trên cao cũng cần được lưu ý. Ở đây, các công viên được thiết lập trên các cầu nối giữa 2 tòa nhà gần nhau. Các tòa nhà cao tầng (từ 20 tầng trở lên) thì cứ cách một số tầng nhất định (khoảng 5-7 tầng) sẽ để một tầng trống làm công viên và nơi sinh hoạt cộng đồng. Các công viên trên cao được sử dụng khá thành công ở Nhật Bản và Tiểu Vương quốc Ả Rập. Chúng ta cần đưa vào luật việc khuyến khích các nhà đầu tư khi xây dựng chung cư, cao ốc văn phòng dành nhiều diện tích cho mảng xanh sẽ được hưởng hệ số sử dụng đất cao hơn, số tầng nhiều hơn.

Cây xanh là một phần của cơ thể đô thị, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, vai trò của nó ngày càng trở nên quan trọng. TPHCM cần quan tâm đến các giải pháp để phấn đấu đến năm 2050, mảng xanh trên đầu người đạt đến 8-10m².

TS NGUYỄN MINH HÒA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phat-trien-cay-xanh-huu-ich-610553.html