Phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tập trung

Ngành nông nghiệp Thủ đô đang tập trung cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi, hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm để khuyến khích phát triển chăn nuôi chuyên canh tập trung, quy mô lớn.

Mô hình nuôi gà theo công nghệ chăn nuôi trên đệm lót sinh học tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Ảnh: MINH HÀ

Mô hình nuôi gà theo công nghệ chăn nuôi trên đệm lót sinh học tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Ảnh: MINH HÀ

Tận dụng lợi thế đất đai, môi trường phù hợp, trong những năm qua, huyện Ba Vì đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao, giúp người chăn nuôi có thu nhập khá. Ðiển hình như tại xã Vân Hòa, người dân phát huy địa hình miền núi rộng rãi để chăn nuôi trâu, bò sữa, với tổng đàn gần 5.000 con. Hơn ba năm nay, đàn đà điểu cũng phát triển mạnh tại đây, với tổng đàn khoảng 3.000 con. Một số hộ chăn nuôi còn liên kết để giết mổ, chế biến, mở cửa hàng giới thiệu các sản phẩm từ đà điểu đến tay người tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng cao. Hay, tại "xã đảo" Minh Châu, tận dụng vùng đất bãi phù sa màu mỡ, rộng rãi, thoáng mát, phù hợp trồng cỏ, việc phát triển đàn trâu, bò cũng rất thuận lợi. Ðàn trâu, bò của xã phát triển tốt, ít dịch bệnh, với tổng đàn gần 4.500 con, trong đó có nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn vài chục con, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo đại diện UBND huyện Ba Vì, toàn huyện có tổng đàn trâu, bò khoảng 42 nghìn con, tập trung nhiều ở các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, Minh Châu; đàn gia cầm, thủy cầm hơn năm triệu con. Ngoài ra, mô hình nuôi trồng thủy sản ở các xã Cổ Ðô, Vạn Thắng, Phú Ðông, Phú Cường, Phong Vân... theo hướng an toàn sinh học đang mang lại hiệu quả cao với thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng/ha/năm. Từ những kết quả lĩnh vực chăn nuôi mang lại, huyện Ba Vì đã lập kế hoạch phát triển ngành sản xuất nông nghiệp đến năm 2025, trong đó phấn đấu đưa tỷ trọng lĩnh vực chăn nuôi đạt 52% trong cơ cấu sản xuất. Ðể đạt mục tiêu này, huyện tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, quy mô lớn xa khu dân cư gắn với công tác xử lý môi trường tại các xã Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, Minh Châu; nuôi trồng thủy sản ở xã Cổ Ðô, Vạn Thắng, Phú Ðông, Phú Cường, Phong Vân theo hướng an toàn sinh học; đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tại xã Ðồng Thái. Huyện tiếp tục hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, xây dựng thành công các thương hiệu sản phẩm gà đồi Ba Vì, sữa Ba Vì...; phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các công ty, trung tâm thương mại lớn, qua đó giúp nông dân tiêu thụ nông sản ổn định, nâng cao thu nhập.

Không chỉ có huyện Ba Vì, trong những năm qua, nhiều huyện trên địa bàn thành phố đã khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, cộng với thế mạnh thị trường Thủ đô có sức tiêu thụ ngày càng lớn, ổn định để phát triển chăn nuôi, đưa chăn nuôi trở thành lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, như Chương Mỹ, Quốc Oai, Phú Xuyên, Thanh Oai… Ðại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, thành phố đã phát triển 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực, với hơn 5.350 trang trại. Nhờ việc phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn và kiểm soát tốt dịch bệnh, từ đầu năm đến nay, đàn gia súc, gia cầm của thành phố phát triển ổn định, với đàn gia cầm khoảng 39 triệu con, đàn lợn đạt khoảng 1,5 triệu con.

Theo Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, không chỉ phát triển mạnh về số lượng vật nuôi, chất lượng gia súc, gia cầm của thành phố ngày càng nâng cao, bước đầu được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, chăn nuôi theo phương thức nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư để tận dụng các sản phẩm nông nghiệp thừa vẫn chiếm tỷ lệ cao, khoảng gần 60%, dẫn đến ô nhiễm môi trường nông thôn; nguy cơ mất an toàn dịch bệnh cao; chất lượng sản phẩm thiếu ổn định, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng. Vì thế, thành phố đang xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi, với mục tiêu chính là phát triển trang trại chăn nuôi, doanh nghiệp giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm liên kết theo vùng, nhất là các cơ sở chăn nuôi lớn với quy trình khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ. Ðồng thời, chuyển đổi nhanh chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, quy mô hộ gia đình sang chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại chăn nuôi xa khu dân cư; hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm để khuyến khích phát triển chăn nuôi chuyên canh tập trung quy mô lớn.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Ðăng, ngành nông nghiệp Thủ đô đang tập trung cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn. Ðẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo hướng sản xuất công nghiệp, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa tập trung, bảo đảm an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và có sức cạnh tranh cao. Tập trung công tác lai tạo giống, cải tạo giống tạo ra các con giống có năng suất, chất lượng cao, đưa Hà Nội trở thành trung tâm cung cấp con giống lớn cho cả nước. Trong năm nay, ngành nông nghiệp tiếp tục có cơ chế khuyến khích các trang trại, doanh nghiệp đẩy mạnh tái đàn lợn, để bảo đảm tổng đàn cuối năm 2021 đạt 1,8 triệu con; phối hợp các địa phương thúc đẩy phát triển chăn nuôi ở các vùng trọng điểm, xa khu dân cư theo hướng tập trung.

Ngọc Thanh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/phat-trien-chan-nuoi-quy-mo-lon-tap-trung-649188/