Phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết

Với những tiềm năng và lợi thế của địa phương, thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn T.X Phổ Yên đã đưa vào áp dụng mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời tăng tính cạnh tranh và bám sát nhu cầu thị trường.

Hiện nay, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Công Phúc, xóm Hương Đình, xã Tân Phú xuất bán 1.500-2.000 con thỏ thương phẩm cho Công ty Dược phẩm Nippon Zonki Nhật Bản.

Ông Dương Văn Hiến, Trưởng Phòng Kinh tế T.X Phổ Yên cho biết: Thị xã hiện có hơn 100 trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Trong những năm qua, cùng với việc khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, Thị xã đã chỉ đạo các địa phương kết nối với đơn vị, doanh nghiệp liên kết với các hộ chăn nuôi, nhằm ổn định đầu ra và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, toàn Thị xã có gần 20 mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết, mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 3 triệu con gà, lợn, thỏ... doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng. Với hình thức này, doanh nghiệp là đơn vị cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm; người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và nhận kinh phí theo hợp đồng.

Theo đánh giá của các hộ nông dân, chăn nuôi theo hình thức liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cách chăn nuôi truyền thống. Bởi, mô hình có sự quản lý chặt chẽ từ con giống, dịch bệnh đến khi xuất chuồng. Đặc biệt, thông qua hình thức này, người dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, từ đó thay đổi nhận thức chăn nuôi theo hướng an toàn, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường...

Điển hình như trang trại chăn nuôi gà lông trắng của gia đình anh Nguyễn Trọng Thái, xóm Hang Dơi, xã Phúc Thuận với quy mô gần 1.500m2, liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Vĩnh Phúc). Tháng 5-2020, anh Thái đưa vào chăn nuôi lứa gà đầu tiên với số lượng 12.000 con, sau 45 ngày xuất chuồng, trọng lượng trung bình đạt 3,5kg/con. Được Công ty bao tiêu sản phẩm với giá 30 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho thu lãi 140 triệu đồng.

Anh Thái cho biết: Trang trại được thiết kế với hệ thống làm lạnh cùng quạt thông gió, giúp điều hòa nhiệt độ luôn ổn định. Hệ thống máng nước, khay để thức ăn tự động được sắp xếp hợp lý, phù hợp với từng ô ngăn cách, tạo không gian thoải mái cho đàn gà. Cùng với việc cung cấp con giống, thức ăn và hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho gà, trang trại của gia đình anh còn được Công ty hỗ trợ 400 triệu đồng để làm hệ thống chuồng lạnh. Hiện, anh đang chuẩn bị xuất bán lứa gà thứ hai, dự kiến thu về hơn 400 triệu đồng. Từ mô hình của gia đình anh Thái, đến nay, xã Phúc Thuận đã nhân rộng được 6 mô hình chăn nuôi gà lông trắng theo hình thức liên kết với công ty.

Với những kinh nghiệm tích lũy từ thực tiễn và trên các phương tiện thông tin truyền thông, năm 2006, ông Nguyễn Thái Long, ở tổ dân phố Sơn Trung, phường Bắc Sơn đã mạnh dạn thuê hơn 3ha đất để xây dựng trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp theo mô hình khép kín với hơn 1.000 con lợn thịt, 500 lợn nái và lợn hậu bị. Với công nghệ hiện đại, khép kín, khoa học và tuân thủ các quy trình chăm sóc của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (chuyên bao tiêu các sản phẩm về lợn), hằng năm, đàn lợn của gia đình ông phát triển tốt, không bị dịch bệnh, đảm bảo chất lượng cũng như số lượng cung cấp cho Công ty. Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm, trang trại của ông Long xuất bán trên 4.000 con lợn thịt, lợn nái sinh sản và lợn hậu bị cho Công ty, tương đương trên 500 tấn lợn/năm, trừ chi phí cho thu lãi khoảng 1 tỷ đồng. Hiện, trang trại của gia đình ông Long cũng đang tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Thực tế cho thấy, chăn nuôi theo quy mô nhỏ có ưu điểm tận dụng được nguồn lực lao động gia đình, phụ phẩm nông nghiệp, không cần nhiều vốn hoặc kỹ thuật cao. Tuy nhiên, nhược điểm là khó kiểm soát được dịch bệnh, chất lượng sản phẩm; khó tiếp cận thị trường tiêu thụ, dễ bị ép giá, ô nhiễm môi trường… Với hình thức chăn nuôi theo chuỗi liên kết, ngoài khoản thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, điều khiến người dân yên tâm nhất chính là hạn chế được rủi ro trong chăn nuôi, không lo về đầu ra, chất lượng giống cũng như dịch bệnh…

Các mô hình đang được triển khai hiệu quả trên địa bàn T.X Phổ Yên cho thấy hướng đi đúng đắn của việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. Từ đó, tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế mới giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động. Thời gian tới, Thị xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực, chủ động liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong trồng trọt, nhằm nâng cao thu nhập.

Trịnh Phương

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/phat-trien-chan-nuoi-theo-chuoi-lien-ket-275920-108.html