Phát triển chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu

Theo chuyên gia nông nghiệp HOÀNG TRỌNG THỦY, ngành nông nghiệp có năng lực sản xuất dồi dào, khả năng cung ứng lớn nhưng doanh nghiệp xuất khẩu vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Điều này đòi hỏi có những chính sách đồng bộ và hiệu quả để phát triển bền vững chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu.

Chính sách đồng bộ đảm bảo bền vững chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu.

Chính sách đồng bộ đảm bảo bền vững chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu.

Xuất khẩu nông sản đối mặt 5 thách thức lớn

- Ông đánh giá như thế nào về tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong thời gian qua?

 Chuyên gia Nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy

Chuyên gia Nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy

- Ngành nông nghiệp nước ta có năng lực sản xuất dồi dào, các sản phẩm phong phú, đa dạng, khả năng cung ứng lớn cho thị trường thế giới với lợi thế cạnh tranh từ 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chiến lược nhờ cam kết cắt giảm thuế quan.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40,08 tỷ USD, nhập khẩu 28,28 tỷ USD. Xuất siêu của ngành là 11,8 tỷ USD, tăng 68,4%, chiếm tỷ trọng lớn trong xuất siêu của nền kinh tế. Với kết quả tích cực, xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 sẽ đạt 54 - 55 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan thì thời gian tới doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vẫn đối diện với nhiều khó khăn.

- Cụ thể những thách thức đó là gì, thưa ông?

- Có 5 thách thức lớn mà doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp phải. Một là, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Hai là, chi phí vận tải, logistics chưa có dấu hiệu giảm. Ba là, chính sách nhập khẩu của các nước liên tục thay đổi. Bốn là, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng ngày càng tăng. Năm là, người tiêu dùng nước ngoài có xu hướng thắt chặt chi tiêu do áp lực lạm phát.

Hình thành các cơ sở chế biến quy mô lớn, hiện đại

- Để bảo đảm sự bền vững trong chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu thì cần làm gì, thưa ông?

- Những thách thức trên đòi hỏi phải có những chính sách đồng bộ và hiệu quả để phát triển bền vững chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu; trong đó có hai giải pháp cốt lõi.

Về tổ chức sản xuất, cần hoàn thiện và công bố quy hoạch các vùng nuôi trồng theo từng nhóm hàng đặc trưng trên từng địa bàn. Khuyến khích các hộ sản xuất tham gia các vùng được quy hoạch thông qua hoạt động đầu tư vốn, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi giống, kỹ thuật và công nghệ nhằm tăng năng suất, đạt hiệu quả cao; đăng ký chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Thực hiện đăng ký chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho từng khu vực sản xuất nhằm hạn chế gian lận về nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, giám sát trong quá trình sản xuất, tiến tới thực hiện các chứng nhận sản phẩm bền vững đạt tiêu chuẩn quốc tế. Phát triển các các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị, phát triển vùng nguyên liệu ổn định gắn với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Về quản trị thương mại, khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở chế biến hàng nông sản xuất khẩu đầu tư công nghệ mới vào dây chuyền sản xuất chế biến bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Các doanh nghiệp chế biến cần đầu tư nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, xây dựng các thương hiệu mạnh, có uy tín trên thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hệ thống thông tin về thị trường, khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới cho các hộ nuôi trồng, chế biến và các doanh nghiệp xuất khẩu. Tạo lập và tăng cường liên kết các thành viên trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản xuất khẩu cùng vận hành và phát triển bền vững.

Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản. Các hiệp hội ngành hàng nông sản nên tổ chức giới thiệu sản phẩm của ngành mình cho người tiêu dùng tại các nước mà hàng Việt Nam xuất khẩu tới, nhằm tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông sản mang thương hiệu Việt Nam. Có thương hiệu, nông sản mới có thể tham gia bền vững vào chuỗi giá trị toàn cầu.

- Để nâng cao năng lực doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu, theo ông cần tập trung những vấn đề nào?

- Trước mắt, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu với vai trò là người điều hành chuỗi cần chủ động tiếp cận và ký kết các bản ghi nhớ về liên kết. Sau đó, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ sản xuất trong vùng nguyên liệu đã quy hoạch nhằm tạo lập niềm tin và khuyến khích họ có trách nhiệm với việc nuôi trồng sản phẩm nông sản xuất khẩu.

Đồng thời, với vai trò là trung tâm chuỗi, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cũng cần kết nối chặt chẽ với hệ thống thông tin của các thành viên khác trong chuỗi. Sự chia sẻ và kết nối hiệu quả sẽ góp phần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời cho tất cả thành viên, giúp cân đối tốt hơn công tác thu mua, dự trữ và vận chuyển; hướng tới giảm thiểu lao động về cung cầu trên thị trường; từng bước đáp ứng yêu cầu truy nguyên nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông sản xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ phù hợp để tăng cường và mở rộng đầu tư, liên kết, chuyển giao công nghệ theo hướng hình thành các cơ sở chế biến quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Qua đó, tăng được công suất chế biến, tăng tỷ lệ chế biến sâu, tạo sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường thế giới.

- Xin cảm ơn ông!

Trúc Oanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phat-trien-chuoi-cung-ung-nong-san-xuat-khau-post390247.html