Phát triển chuỗi cung ứng thu hút vốn đầu tư
Các hiệp định thương mại tự do đang mở ra thị trường mới cho nhiều DN trong nước. Nhưng việc thiếu vốn lưu động và các dịch vụ ngân hàng tài trợ giao dịch, như tài trợ chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận các đơn đặt hàng lớn hoặc phát triển mối quan hệ mới với các đối tác trong chuỗi giá trị.
Khi không có giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng (CCƯ), các nhà cung cấp và phân phối khó có thể tối ưu hóa quản lý vốn lưu động bằng cách chuyển đổi các khoản phải thu và hàng tồn kho thành tiền mặt và tiếp cận tín dụng với chi phí thấp hơn. Do đó, theo thống kê của Hệ thống quốc gia đăng ký giao dịch đảm bảo, số lượng các đăng ký giao dịch đảm bảo bằng các khoản phải thu và hàng tồn kho chỉ chiếm khoảng 30% tổng số các đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam, thấp hơn đáng kể so với các thị trường phát triển hơn.
Ông Julius Caesar Parrenas, điều phối viên của Diễn đàn Tài chính châu Á -Thái Bình Dương thuộc Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) cho rằng, cần thiết lập một hệ sinh thái cho tài trợ CCƯ tại các thị trường mới nổi như Việt Nam, nơi hoạt động thương mại đang rất phát triển. “Các nhà sản xuất và nhà cung cấp Việt Nam đang rất cần các dịch vụ tài trợ hiệu quả để hỗ trợ cho các giao dịch thương mại với các đối tác toàn cầu”, ông Julius bày tỏ.
Ở góc độ quản lý, bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, việc mở rộng tài trợ CCƯ là một giải pháp hữu ích nhằm giúp các thành viên trong chuỗi cải thiện khả năng cạnh tranh, thu được lợi ích tối đa và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát được dòng tiền, làm cơ sở mở rộng tín dụng đối với khách hàng tham gia CCƯ. Theo bà Giang, hiện nay việc tài trợ CCƯ tại Việt Nam còn gặp khó khăn do số liệu, hệ thống thông tin tài chính của DN thiếu minh bạch. Năng lực quản trị DN còn hạn chế khi tham gia các CCƯ, nhất là các CCƯ toàn cầu. Mặt khác, ở trong nước cũng chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên sâu về khách hàng và sàn giao dịch điện tử cho tài trợ CCƯ.
Đưa ra lời khuyên cho Việt Nam, ông Christopher Wohhlert, Giám đốc bộ phận Tài trợ thương mại cho bên phân phối của Wells Fargo (một công ty dịch vụ tài chính toàn cầu của Mỹ) cho rằng, nên hướng tới những chính sách ưu tiên trong tài trợ CCƯ, nhất là cải cách các giao dịch bảo đảm trong hợp đồng tín dụng nhằm mang lại lợi ích cho DN. Đặc biệt là cần mở rộng thị trường cho vay, hướng đến sử dụng các loại tài sản thế chấp khác bên cạnh bất động sản. Chẳng hạn, có thể thế chấp trên khoản phải thu, thiết bị, hàng tồn kho...Điều này đưa đến các hình thức cho vay mới như bao thanh toán, tài trợ CCƯ, tài trợ kho hàng, cho vay dựa trên tài sản…
Giới chuyên gia quốc tế nhận định, việc thiếu vốn lưu động và các dịch vụ ngân hàng tài trợ giao dịch như tài trợ CCƯ đã phần nào ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận các đơn hàng lớn của DN Việt, cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển mối quan hệ mới với các đối tác trong chuỗi giá trị.