Phát triển chuỗi liên kết - 'chìa khóa' tiêu thụ nông sản

Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ nông sản ở Hải Dương, Quảng Ninh và một số vùng rau của Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, ngành Nông nghiệp sẽ triển khai nhiều giải pháp chiến lược để tổ chức sản xuất căn cơ, bền vững, trong đó coi phát triển các chuỗi liên kết là 'chìa khóa' tiêu thụ nông sản.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản.

Nhiều nông sản chưa được sản xuất, quản lý theo chuỗi

- Có thể nói, những năm gần đây việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã mang lại hiệu quả hết sức tích cực, trong đó có việc nâng cao giá trị và tăng nguồn cung nông sản cho thị trường. Ông có thể cho biết rõ hơn về kết quả này?

- Hiện nay, trung bình mỗi năm Việt Nam sản xuất ra hơn 42,8 triệu tấn gạo, đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu. Diện tích rau, đậu các loại đạt hơn 1,14 triệu héc ta (diện tích rau là 975 nghìn héc ta). Sản lượng rau, đậu các loại năm 2020 ước đạt 18,2 triệu tấn, tăng 368 nghìn tấn so với năm 2019 (trong đó sản lượng rau ước đạt hơn 18 triệu tấn).

- Trở lại câu chuyện những ngày gần đây khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là tỉnh Hải Dương đã khiến việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn và điệp khúc “giải cứu” nông sản lại diễn ra. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

- Dịch Covid-19 xảy ra ở nhiều địa phương, trong đó có Hải Dương dẫn tới việc lưu thông hàng hóa tại Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã chủ động vào cuộc, làm việc với các địa phương nhằm rà soát diện tích và sản lượng nông sản, đặc biệt là các loại rau màu vụ đông, kết nối với các doanh nghiệp để tiêu thụ. Mặt khác, Cục đã làm việc với Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông nông sản qua biên giới giữa hai nước; phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, chuỗi siêu thị bán lẻ thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản ở thị trường nội địa…

Cùng với đó, một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội đã tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở các vùng có dịch. Dưới sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Hà Nội đã hỗ trợ tiêu thụ 300 tấn rau các loại cho các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh tại các siêu thị, cửa hàng, điểm bán lẻ trên địa bàn Thủ đô. Và trong những ngày vừa qua, với tinh thần chia sẻ, đồng cảm, các cơ quan, đơn vị của thành phố, các nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp, người dân đã chung tay giúp tỉnh Hải Dương tiêu thụ rau, củ, quả…

- Ngay cả khi dịch Covid-19 chưa tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội, ngoài yếu tố thiên tai, thời tiết, nông sản vẫn luôn phải đối mặt với tình trạng giá cả bấp bênh, “được mùa mất giá”. Theo ông, đâu là nguyên nhân cốt lõi của thực trạng này?

- Theo tôi, nguyên nhân cốt lõi khiến giá nhiều nông sản tại một số nơi còn bấp bênh là do chưa được sản xuất, quản lý theo chuỗi, sản xuất chưa gắn với thị trường. Việc đổi mới hợp tác xã, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với doanh nghiệp cũng như liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng... còn hạn chế. Nông sản không được quản lý theo chuỗi dẫn tới tình trạng tại nhiều nơi ở nhiều thời điểm, nguồn cung nông sản dôi dư, gây mất cân bằng cung - cầu, khiến cho việc tiêu thụ càng trở nên khó khăn.

Mặt khác, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, nhất là bảo quản và chế biến sâu gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực tiễn, nhất là vấn đề gắn kết vùng nguyên liệu phục vụ chế biến. Bên cạnh đó, công nghiệp phụ trợ cho sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa phát triển mạnh, tổn thất sau thu hoạch còn cao…

Đẩy mạnh liên kết chuỗi

- Việc “giải cứu” là cần thiết nhưng chỉ là biện pháp tình thế, ngành Nông nghiệp có những giải pháp mang tính chiến lược nào để giải quyết vấn đề này, thưa ông?

- Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra khủng hoảng kinh tế, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng điều đó cũng tạo ra sức ép tích cực để ngành Nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp, nông dân đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp căn cơ, hợp lý, bền vững hơn.

Về phía Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thời gian tới, chúng tôi bám sát việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng theo cả 3 trục sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương). Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ các đề án, kế hoạch cơ cấu lại các tiểu ngành, lĩnh vực; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh cây trồng, vật nuôi... theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là tập trung đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu, đổi mới các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

- Ông có thể cho biết, những giải pháp cụ thể để thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp đầu tư vào liên kết chuỗi và chế biến sâu?

- Những năm gần đây, một số tập đoàn kinh tế lớn đã tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản. Năm 2020, có 17 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động, tăng 4 dự án và khoảng 6.000 tỷ đồng so với năm 2019.

Tuy nhiên, vẫn còn một khâu yếu, chưa được đầu tư, phát triển đúng mức, đó là liên kết chuỗi giá trị nông sản. Do đó, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương tích cực triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trước mắt, trong năm 2021, hoàn thành mục tiêu giá trị gia tăng lĩnh vực chế biến nông sản tăng khoảng 9% so với năm 2020; chủ động phối hợp với các địa phương trong việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi. Đặc biệt, chúng tôi sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình sản xuất có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ... Cùng với đó, tiếp tục khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, trang trại liên kết với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ - tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Đây sẽ là tiền đề để phát triển sản xuất quy mô lớn, thay thế sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, là “chìa khóa” đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/992295/phat-trien-chuoi-lien-ket---chia-khoa-tieu-thu-nong-san