Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp cần bắt đầu từ giáo dục trẻ em

Thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, để phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp cần bắt đầu từ giáo dục, tập trung vào trẻ em để hình thành nhân cách tốt ngay từ cấp học mầm non cho đến cấp giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

 Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, đoàn ĐBQH Lạng Sơn, thảo luận

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, đoàn ĐBQH Lạng Sơn, thảo luận

Tiếp tục chương trình sáng 19/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Về phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, đoàn ĐBQH Lạng Sơn, cho rằng, nội dung này cần tập trung vào thực hiện tại các cơ sở giáo dục, vì trẻ em là tương lai của đất nước, văn hóa con người Việt Nam, nhân cách, lối sống tốt đẹp cần được hình thành ngay từ cấp học mầm non cho đến cấp giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Để phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp cần bắt đầu từ giáo dục. Do đó nhiệm vụ, giải pháp cần được đặt vào các thiết chế liên quan đến giáo dục như nâng cấp, cải tạo các cơ sở giáo dục đáp ứng được nhu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới và hỗ trợ các ngành, nhà trường và giáo viên trong việc tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, giảng dạy kỹ năng sống, giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục đạo đức, lối sống, hệ giá trị gia đình cho các em học sinh và đạo đức nghề nghiệp cho các em sinh viên, hỗ trợ tổ chức các hoạt động để các em học sinh, sinh viên có môi trường phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ, các hoạt động kết nối giữa gia đình và nhà trường.

Quan tâm tới phát triển văn hóa đọc, đặc biệt là đối tượng trẻ em, đại biểu Hoàng Minh Hiếu, đoàn ĐBQH Nghệ An, cho biết: Về mục tiêu phát triển văn hóa đọc, trong bối cảnh hiện nay văn hóa đọc là nền tảng để người dân có thể tự bổ sung kiến thức, thực hiện mục tiêu học tập suốt đời. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, các giải pháp phát triển văn hóa đọc trong dự thảo chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu mới thiên về điều kiện cần, điều kiện về khả năng tiếp cận sách của người dân thông qua hệ thống thư viện, nhưng thực tế cho thấy việc phát triển hệ thống thư viện không phải lúc nào cũng đi kèm với sự phát triển của văn hóa đọc.

Theo đại biểu, để phát triển văn hóa đọc không chỉ cần phát triển hệ thống thư viện mà cần có những chương trình khuyến đọc hiệu quả, khuyến khích văn hóa đọc của từng cá nhân, từng gia đình và từng cộng đồng.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, đoàn ĐBQH Nghệ An, thảo luận

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, đoàn ĐBQH Nghệ An, thảo luận

Qua đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị bổ sung vào chương trình các nội dung cụ thể. Thứ nhất, bổ sung các mục tiêu cụ thể đến năm 2035 để đánh giá chính xác hơn về việc phát triển văn hóa đọc, như tỷ lệ người dân có thói quen đọc sách, số lượng trung bình số sách mỗi năm người dân đã đọc, mức tăng của số sách được xuất bản hằng năm.

Thứ 2, cần nghiên cứu để bổ sung vào chương trình mục tiêu quốc gia một số chương trình khuyến đọc hiệu quả.

Thứ 3, cần nghiên cứu để xây dựng thể chế về khuyến khích văn hóa đọc; ví dụ như ở Nhật Bản đã xây dựng luật khuyến khích trẻ em đọc sách, luật chấn hưng văn hóa đọc để phát triển văn hóa đọc của toàn dân, trong đó xác định rõ văn hóa đọc là lĩnh vực văn hóa tinh thần, có vai trò quan trọng trong nâng cao dân trí, xây dựng nhân cách con người.

Theo thống kê hiện nay, Việt Nam đang đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á về số thư viện công cộng với hơn 6.000 thư viện, trong khi quốc gia đứng thứ hai là Thái Lan chỉ có khoảng 2.000 thư viện công cộng. Trong khi đó, tỷ lệ số người có thói quen đọc sách ở Việt Nam chỉ khoảng 20%, trong khi ở Thái Lan là 86%, Singapore là 80%. Trung bình mỗi năm người Việt chỉ đọc có 4 cuốn sách thì số lượng này ở Singapore, Malaysia, Thái Lan là từ 10-15 quyển sách.

Liên quan tới trẻ em, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: Tính đến năm 2023, nước ta đầu tư xây dựng khá đầy đủ các thiết chế văn hóa, thể thao, từ tỉnh đến cơ sở.

Có 97,7% đơn vị cấp huyện có trung tâm văn hóa, 77,4% đơn vị cấp xã có trung tâm văn hóa và 76,3% đơn vị cấp thôn có nhà văn hóa.

Tuy nhiên, theo đại biểu, việc hỗ trợ và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng chưa được thiết kế một cách tương xứng và nếu không có giải pháp đầy đủ để hỗ trợ và phát huy hoạt động văn hóa quần chúng sẽ không phát huy hết vai trò giá trị của các thiết chế này. Như vậy sẽ khó để đạt được chỉ tiêu 5% dân số luyện tập thể thao thường xuyên để phát triển thể lực và tầm vóc con người Việt Nam.

Theo đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm bể bơi là một trong thiết chế văn hóa. Với tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay và các thiết chế văn hóa còn thiếu, dẫn đến một tỷ lệ trẻ em không biết bơi rất lớn.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hằng năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em chết đuối dưới 16 tuổi, trong đó từ 4 đến 14 tuổi là đứng thứ hai Đông Nam Á và đứng đầu thế giới, cao gấp 10 lần so với các nước phát triển, vì vậy đại biểu đề nghị bổ sung nội dung này để phát triển tầm vóc của người Việt Nam.

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phat-trien-con-nguoi-viet-nam-co-nhan-cach-loi-song-tot-dep-can-bat-dau-tu-tre-em-20240619134120317.htm