Phát triển công nghệ kiểm soát thời tiết bằng tia laser khổng lồ

Tia laser có thể hoạt động như một cột thu lôi, vừa hút các tia sét, vừa kích hoạt và giúp các đám mây phóng sét một cách có kiểm soát.

(Nguồn: CNN)

(Nguồn: CNN)

Sau một năm trì hoãn vì đại dịch COVID-19, một hệ thống laser khổng lồ - hoạt động tương tự một cột thu lôi công nghệ cao - đã được vận chuyển đến đỉnh Säntis, Thụy Sĩ, nơi có độ cao 2.500 mét, để bắt đầu quá trình thử nghiệm.

Hệ thống laser này do một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Geneva phát triển, dẫn đầu bởi nhà vật lý học Jean-Pierre Wolf. Ông Wolf đã nghiên cứu tia laser trong hơn 20 năm, và ông đặc biệt say mê với việc kiểm soát thời tiết bằng laser.

Theo ông Wolf, đỉnh Säntis là nơi lý tưởng để thực hiện thí nghiệm bởi đây là một trong những khu vực bị sét đánh nhiều nhất ở châu Âu. Thậm chí, có một tháp truyền sóng vô tuyến ở đây bị sét đánh từ 100 đến 400 lần một năm.

Ông cho biết ý tưởng của nhóm nghiên cứu là làm thế nào để các đám mây phóng tia sét một cách có kiểm soát.

Tia laser có thể hoạt động như một cột thu lôi, vừa hút các tia sét, vừa kích hoạt thêm các tia khác.

“Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ tác động tới các đám mây giông, giảm điện áp của nó, sau đó ngăn chặn các tia sét tiếp tục xảy ra ở khu vực xung quanh,” ông Wolf nói.

Công nghệ này có thể ứng dụng tức thời vào bảo vệ tên lửa - chẳng hạn như tên lửa mang vệ tinh vào quỹ đạo - trong quá trình phóng hoặc tại các sân bay - ở khu vực có bão để tránh gián đoạn hàng không vì thời tiết nguy hiểm.

Vì lý do an toàn, máy bay sẽ bị cấm lai vãng trong bán kính 5km tính từ nơi tia laser hoạt động.

Tuy không gây rủi ro cho máy bay, tia laser sẽ có hại cho mắt khi con người nhìn trực tiếp vào nguồn phát. Tia laser sẽ chỉ bật khi phát hiện hoạt động của sấm chớp tăng lên.

“Một điều thú vị là do công suất chịu đựng tối đa rất cao, tia laser sẽ thay đổi theo màu sắc. Khi lan truyền trong không khí, tia laser sẽ chuyển từ màu đỏ sang màu trắng,” ông Wolf nói.

Cuộc thử nghiệm sẽ kéo dài đến tháng 9, thời điểm kết thúc khoảng thời gian thường xuyên xảy ra sét.

Ông Wolf cho hay nếu loạt thử nghiệm thành công, thí nghiệm tiếp theo sẽ diễn ra ở sân bay. Loại công nghệ này sẽ áp dụng vào đời sống trong vài năm tới./.

Phương Linh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/phat-trien-cong-nghe-kiem-soat-thoi-tiet-bang-tia-laser-khong-lo/735926.vnp