Phát triển công nghệ laser phục vụ quốc phòng, an ninh
Công nghệ laser đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và có tác động mạnh mẽ đến sản xuất công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Tích hợp tia laser trên các thiết bị quân sự
Với khả năng tập trung năng lượng ánh sáng vào một điểm cực nhỏ, công nghệ laser đang tạo nên cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực, từ y học đến công nghiệp. Đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, công nghệ laser tạo động lực cho cách mạng hóa lực lượng vũ trang, mở ra một kỷ nguyên mới trong khả năng phòng thủ và tấn công. Ngày nay, sử dụng laser trong các hoạt động quốc phòng, an ninh quốc gia không chỉ là vũ khí tấn công, mà còn là công cụ quan trọng trong trinh sát, thông tin liên lạc và chỉ huy kiểm soát.
Hoạt động nghiên cứu và phát triển chuyên dụng đã thúc đẩy đáng kể trình độ công nghệ laser. Hệ thống vũ khí laser đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Theo ông Iain Boyd - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến an ninh quốc gia, giáo sư khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ Đại học Colorado Boulder, nhiều quốc gia đang nghiên cứu và phát triển vũ khí laser năng lượng cao cho các nhiệm vụ quân sự trên đất liền và trên biển, trên không và trong không gian.
Vũ khí laser là vũ khí năng lượng định hướng (DEW) dựa trên tia laser. Trong đó, 3 loại laser phổ biến trên thị trường là laser hóa học, laser khí và laser trạng thái rắn. Tùy vào đặc điểm và tính chất mà mỗi loại laser sẽ được ứng dụng trong các hoạt động sản xuất công nghiệp khác nhau. Báo cáo gần đây của Popular Mechanics cho thấy, bên cạnh các vũ khí hóa học và sinh học, laser đang ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm trong các trang bị thiết bị quân sự.
Tại Mỹ, bộ quốc phòng nước này đang triển khai các loại xe tải có gắn tia laser năng lượng cao để bắn hạ nhiều mục tiêu, bao gồm máy bay không người lái, trực thăng, đạn cối và tên lửa. Có thể kể đến hải quân Mỹ đã triển khai một loại vũ khí laser năng lượng cao trên tàu để phòng thủ chống lại các tàu nổi nhỏ và di chuyển nhanh trên đại dương cũng như tên lửa và máy bay không người lái. Hải quân đã lắp đặt vũ khí laser 60 kilowatt trên tàu khu trục USS Preble vào tháng 8/2022.
Hay gần đây, quân đội Mỹ triển khai một loại laser năng lượng cao gắn trên xe tải để bắn hạ nhiều mục tiêu, bao gồm máy bay không người lái, trực thăng, đạn cối và tên lửa.
Công nghệ định vị thông qua ứng dụng laser
Mặt khác, công nghệ laser được ứng dụng để định vị mục tiêu chính xác hơn. Trong một cột mốc quan trọng của công nghệ quân sự, không quân Mỹ đã tiến hành một cuộc thử nghiệm vào năm 2010. Một tia laser megawatt được tích hợp trên một chiếc Boeing 747 đã thành công trong việc bắn hạ một tên lửa đạn đạo ngay khi nó được phóng lên. Bằng cách chiếu tia laser vào mục tiêu, bom được thả trúng mục tiêu, giảm thiểu thiệt hại cho các khu vực xung quanh.
Tháng 11/2018, Trung Quốc trình diễn hệ thống vũ khí phòng thủ laser LW-30 mới sử dụng laser năng lượng cao phát xạ định hướng để nhanh chóng đánh chặn nhiều loại mục tiêu trên không, chẳng hạn thiết bị dẫn đường quang điện, máy bay không người lái, bom dẫn đường và súng cối.
Bên cạnh đó, tia laser cũng được ứng dụng trong các cảm biến để phát hiện bom định vị thông minh. Quân đội Mỹ sử dụng tia laser trong việc hỗ trợ loại bỏ các bãi mìn để đảm bảo an toàn cho người dân sống tại các địa điểm từng là nơi xảy ra chiến tranh. Trong chiến tranh với Iraq, tia laser chống mìn của quân đội được lắp trên xe chống phục kích chống mìn (MRAP) nhằm bảo vệ những người lính tuần tra và lính thủy đánh bộ khỏi các thiết bị nổ tự chế.
Một thiết bị khác giúp loại bỏ chất nổ trên đường băng máy bay mang tên RADBO. Về cơ chế hoạt động, tia laser trên RADBO lấy từ 2 máy phát điện xoay chiều cung cấp tổng cộng 1.100 ampe điện, thiết bị có thể kích nổ chất nổ từ khoảng cách gần 1.000 feet, những người bên trong thiết bị sẽ được bảo vệ an toàn.
Thông qua những ưu điểm vượt trội về tốc độ, độ chính xác và tính linh hoạt, ứng dụng công nghệ laser trong sản xuất công nghiệp quốc phòng, an ninh, hứa hẹn sẽ trở thành một trong những công cụ chủ lực trong kho vũ khí của các quốc gia. Tuy nhiên, việc phát triển và ứng dụng công nghệ này cũng đặt ra nhiều thách thức về mặt kỹ thuật, kinh tế và đạo đức.
Theo nội dung cấm tại Nghị định thư 1995 về vũ khí laser gây mù, các hoạt động sản xuất thiết bị công nghiệp hoặc phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh có ứng dụng công nghệ laser tại các quốc gia không được cố ý thiết kế hoặc sử dụng để gây mù vĩnh viễn cho con người. Về lâu dài, để tận dụng tối đa tiềm năng của laser, cộng đồng quốc tế cần có những quy định và khung khổ pháp lý rõ ràng nhằm đảm bảo an ninh và ổn định toàn cầu.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/phat-trien-cong-nghe-laser-phuc-vu-quoc-phong-an-ninh-d223053.html