Phát triển công nghiệp giải trí: Nhìn từ ví dụ của Thủ tướng nói về Blackpink và văn hóa thần tượng
Những ngày qua, hiện tượng Blackpink đang 'làm mưa, làm gió' dư luận, đã gợi mở những cơ hội phát triển cho sự phát triển công nghiệp giải trí của Việt Nam.
Ngày 30/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại tỉnh Bắc Ninh. Tại buổi làm việc này, Thủ tướng nhấn mạnh quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất. Lòng tin chính trị giữa hai nước không ngừng được củng cố, hợp tác trên các lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, nhất là chính trị, kinh tế, văn hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, hiện nay Hàn Quốc là nước có nền công nghiệp giải trí thuộc vào hạng đứng đầu thế giới. Làn sóng Hallyu (làn sóng văn hóa Hàn Quốc) đang bùng nổ không chỉ ở châu Á mà còn trên thế giới. Dẫn chứng cho sự thành công này, Thủ tướng nêu ví dụ về ban nhạc Blackpink có chuyến biểu diễn tại Hà Nội và thu hút sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ. Chính vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía Hàn Quốc tăng cường hợp tác, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí.
Quả thật, những ngày qua, sự kiện 4 cô gái của nhóm Blackpink đến Việt Nam đã “gây bão” dư luận, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Người hâm mộ, nhất là giới trẻ, háo hức, vui sướng tới tột cùng khi được trực tiếp xem thần tượng của mình biểu diễn. Tối 29/7, đêm diễn đầu tiên của Blackpink - nhóm nhạc nữ thần tượng của Hàn Quốc tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội đã diễn ra trước sự cổ vũ của ước hơn 30 nghìn khán giả. Chỉ qua 2 đêm diễn của nhóm nhạc Blackpink tại Việt Nam đã thu hút gần 7 vạn khán giả. Không ít người nổi tiếng, ca sỹ, diễn viên showbiz Việt cũng có mặt. Tuy nhiên, đó là về mặt âm nhạc. Dưới góc độ tổ chức sự kiện giải trí, đêm diễn Blackpink cũng để lại nhiều điều suy ngẫm, như làm thế nào để ngành văn hóa, giải trí Việt có thể tạo ra những siêu sự kiện như 2 đêm diễn của Blackpink.
Nhìn ra thế giới, tại quê hương của Blackpink, có một sự kiện âm nhạc đã liên tục “cháy vé” và được xem là “bữa tiệc của âm thanh, ánh sáng” được chờ đợi nhất năm và diễn ra liên tục suốt 30 năm qua đó là đại nhạc hội Dream Concert, sự kiện K-pop lớn nhất, lâu đời nhất Hàn Quốc. Sự kiện này thu hút tổng số 1,55 triệu người từ nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, đem lại doanh thu không nhỏ về kinh tế, du lịch.
Có thể, sức hút của Blackpink nói riêng và K-pop nói chung khiến cho thế giới phải "ngả mũ thán phục" nền công nghiệp văn hóa giải trí của Hàn Quốc. Theo thống kê chỉ riêng các nhóm nhạc K-pop (Blackpink là một trong những nhóm như vậy) hàng năm đã tạo ra trung bình khoảng 10 tỷ USD (236.000 tỷ đồng) cho đất nước, đó là chưa kể công nghiệp điện ảnh phát triển vượt bậc với doanh thu vô cùng lớn.
Ngoài ra công nghiệp giải trí còn góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước Hàn Quốc, thúc đẩy phát triển du lịch, tiếp thị vô số các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm và dịch vụ khác. Hiệu ứng lan tỏa của công nghiệp giải trí là rất rộng lớn.
Nhìn những con số này để thấy, phát triển công nghiệp giải trí sẽ là cơ hội không nhỏ để “kéo” Việt Nam gần hơn với thế giới. Từ công nghiệp giải trí sẽ quảng bá, giới thiệu về hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam hòa ái và hiếu khách cùng với nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc. Công nghiệp giải trí có thể sẽ trở thành “trụ cột” mới trong phát triển kinh tế. Trong thời đại mới, phát triển văn hóa được xác định là một nội dung quan trọng, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng quốc gia mà còn khẳng định thương hiệu quốc gia, góp phần vào việc bảo tồn và phát triển văn hóa đất nước. Văn hóa, giải trí là “sức mạnh mềm” hữu hiệu để quảng bá hình ảnh Việt Nam. Chính vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần lắm những “cái bắt tay” để khơi thông những mạch nguồn sáng tạo cho ngành văn hóa, giải trí.
Việc hợp tác với Hàn Quốc hay các nước khác như lời đề nghị của Thủ tướng sẽ mở ra rất nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam. Theo đó, Hàn Quốc sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, giúp đào tạo ra nhân lực, cùng liên doanh, cùng hợp tác - đầu tư và tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ. Chừng ấy có thể là động lực để nền công nghiệp giải trí Việt Nam có thể… cất cánh.
Điều này không thể không thành hiện thực khi theo đánh giá của nhiều chuyên gia cho rằng, nền công nghiệp giải trí của Việt Nam được điều phối đúng hướng thì trong tương lai không xa, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa làn sóng của riêng mình vươn xa hơn nữa trên trường quốc tế, đem lại nhiều lợi nhuận góp phần phát triển kinh tế quốc gia. Điều này là có cơ sở khi Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí hơn so với nhiều đất nước trong khu vực. Bởi đầu tiên, chúng ta có một di sản văn hóa phong phú, đa dạng và đậm nét bản sắc của 54 dân tộc anh em. Bên cạnh đó, Việt Nam có thị trường rộng lớn với hơn 100 triệu dân, trong đó có một lượng lớn là dân số trẻ năng động, nhạy bén tiếp cận với sự phát triển của công nghệ.
Dù vậy, ngành công nghiệp văn hóa, giải trí của Việt Nam theo đánh giá hiện, vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng. Bởi, nhiều ý kiến cho rằng các sản phẩm văn hóa đại chúng của Việt Nam chưa có sức thu hút trên toàn cầu để định hình thương hiệu quốc gia. Thời gian qua, có nhiều tác phẩm Việt Nam đã bước đầu khẳng định được danh tiếng song sức cạnh tranh, phổ biến của sản phẩm Việt Nam không cao, thiếu sức sống lâu bền, chưa phù hợp với gu thẩm mỹ của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều định kiến về văn hóa đã ăn sâu trong suy nghĩ của người dân Việt Nam cũng khiến trở thành những rào cản cho ngành công nghiệp giải trí vốn dĩ cần sự sáng tạo, đổi mới.
Phải “cởi trói” trước những rào cản, tạo động lực cho sự sáng tạo là việc làm cần thiết. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải coi trọng sự phát triển công nghiệp giải trí, đặt ngành này đúng với vai trò “sức mạnh mềm” bằng việc đầu tư một cách bài bản, chuyên nghiệp cho các sản phẩm văn hóa. Cùng với đó là tiếp tục tháo gỡ những trở ngại về cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách, pháp luật để kịp với thực tiễn phát triển.
Tạo động lực, phá bỏ những rào cản để ngành công nghiệp giải trí phát triển là việc cần làm. Song, làm thế nào để văn hóa ngoại quốc du nhập, thẩm thấu vào Việt Nam nhưng nền văn hóa của chúng ta không được “hòa tan” mà ngược lại càng phải được phát huy, làm giàu thêm bản sắc là bài toán đang cần phải có “lời giải”. Nhìn cái cách mà các bạn trẻ thể hiện tình yêu, sự hâm mộ thần tượng của mình là các cô gái đến từ nhóm nhạc Blackpink hay các nghệ sĩ khác đến từ Hàn Quốc bằng việc khóc, la hét như đánh đổi bằng cả “tính mạng” hoặc rên siết, quằn quại và ngã lăn ra bất tỉnh, thậm tệ hơn còn “hôn lên ghế ngồi” quả thật có phần phản cảm và hâm mộ thần tượng một cách lệch lạc thái quá cũng sẽ để lại một số hệ lụy tiêu cực.
Chính vì vậy, ngành công nghiệp giải trí Việt Nam chỉ thực sự trở thành “con gà đẻ trứng vàng” với đầy sức sáng tạo, mang bản sắc dân tộc, đủ sức cạnh tranh, có thể “xuất khẩu được văn hóa”, quảng bá được hình ảnh của nước nhà khi tất cả không nghĩ đơn thuần chỉ là chuyện… giải trí.