Phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu
Tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBG) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Vì phụ thuộc vào nguồn cung ứng và hợp tác toàn cầu mà nền kinh tế của Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng.
Mở rộng, ưu đãi đầu tư đặc biệt cho sản xuất chip
Theo SBG, liên quan đến việc gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng chi phí sản xuất, các chính sách khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất và công nghệ, thủ tục, quy trình pháp lý minh bạch và giảm rào cản thị trường là ba bước quan trọng mà Chính phủ có thể thực hiện khi các doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp.
Trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất chip điện tử, tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu hiện đang tàn phá ngành sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô. Các nhà phân tích dự đoán rằng tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm 2023.
Trước những cơ hội và thách thức do tình trạng thiếu chip gây ra, SBG kỳ vọng, Chính phủ nên xem xét mở rộng đầu tư vào sản xuất chip bằng cách phát triển các ưu đãi đầu tư đặc biệt cho sản xuất chip. Đơn cử như hỗ trợ về vốn, tương tự như các ưu đãi được sử dụng ở Hoa Kỳ nhằm mục đích phát triển công nghiệp sản xuất chip, áp dụng cho cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Các chính sách này có khả năng tác động đáng kể đến thị trường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip của Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới, mang lại lợi nhuận đầu tư và các lợi ích khác nhờ việc Việt Nam trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu.
Cần xây dựng chuỗi các khu công nghiệp thế hệ mới
Thực tế cho thấy, để đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, thì việc mở rộng và phát triển các khu công nghiệp là điều tất yếu. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Nguyễn Hoàng, với định hướng chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, tất cả các cấp ngành và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đều hướng tới thực hiện hợp tác, đồng hành, ban hành các chính sách phù hợp, tạo các cơ sở hạ tầng, các tiện ích phục vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp quốc tế đang đầu tư sản xuất kinh doanh thành công tại Việt Nam.
Cụ thể, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế được ban hành ngày 28.5.2022 trên cơ sở sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP và tình hình thực tế. Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế; đầu tư hạ tầng, thành lập, hoạt động, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Nguyễn Hoàng nhìn nhận, thời gian tới cần xây dựng chuỗi các khu công nghiệp thế hệ mới mang màu sắc hội nhập kinh tế quốc tế, tạo chuỗi sản xuất, giá trị gia tăng dịch vụ, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, hướng đến khu công nghiệp thông minh và kinh tế tuần hoàn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phát triển khu công nghiệp theo hướng “hệ sinh thái công nghiệp" gắn chặt với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã, đang chỉ đạo thực hiện”, ông Nguyễn Hoàng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, ông Hoàng cũng đề nghị các doanh nghiệp quốc tế lớn, các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, trở thành đối tác, thành sản xuất vệ tinh của các doanh nghiệp này. “Chúng ta cùng nhau tham gia chuỗi sản xuất tại Việt Nam và cùng nhau tham gia chuỗi kinh doanh, sản xuất, dịch vụ toàn cầu để cùng thành công”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Nguyễn Hoàng nhấn mạnh.